Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào quỹ đạo phục hồi nhưng sức cầu còn hạn chế

Hoàng Hà/ BizLIVE


Chính phủ đánh giá mặc dù tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam cuối năm 2021, đầu năm 2022 đã có những chuyển biến rất tích cực, nhưng hậu quả của dịch COVID-19 là hết sức nặng nề, sức cầu của nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay trong ngắn hạn.

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022

Chính phủ vừa có Báo cáo “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 11.

Nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo phục hồi

Trong báo cáo, Chính phủ đánh giá, năm 2021 nền kinh tế Việt Nam lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội.

Đợt dịch bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn làm đình trệ trong hoạt động của các khu công nghiệp, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, sức mua trong nước giảm sút, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do, khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải, nhà hàng… bị ảnh hưởng nặng nề. Tăng trưởng GDP năm 2021 và một số các chỉ tiêu vĩ mô không đạt mục tiêu đề ra.

Vào cuối năm 2021, nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới. Thực tế cho thấy sức cầu của nền kinh tế, dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật mạnh trở lại, đóng góp lớn vào tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chính phủ cho biết, so với báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi tích cực như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP (số đã báo cáo trước đó dự toán là 343,67 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4% GDP);

Xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8% (số đã báo cáo trước đó là 35-36%); tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30% (số đã báo cáo là khoảng 28-29%)…

Tuy nhiên, có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu không đạt) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 4,4-4,9%), thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%).

Theo Chính phủ, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội nước ta trong quý 4//2021 đã có những chuyển biến rất tích cực, nhưng hậu quả của dịch COVID-19 là hết sức nặng nề, sức cầu của nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay trong ngắn hạn. Qua đó khẳng định tính cấp thiết phải thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch.

Tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế còn chậm

Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, báo cáo cho biết đến thời điểm hiện tại hầu hết các bộ, cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai nghị quyết.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 .

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về nội dung trên trong tháng 5/2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận được văn bản của 16/16 địa phương tự đánh giá năng lực, kinh nghiệm và khẳng định việc làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc thuộc Chương trình qua địa bàn các địa phương; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng ban hành quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022; dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Dự kiến các văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 5/2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Dự kiến sẽ tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2022.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng ban hành quyết định quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương về dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 .

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng ban hành quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Bộ Xây dựng đã làm việc với một số địa phương để đôn đốc, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 38,1 nghìn tỷ đồng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách (bao gồm cả cho vay theo Chương trình phục hồi).

Chính phủ đánh giá, các bộ, cơ quan và địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm. Chính phủ yêu cầu, chỉ đạo các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ được giao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/nen-kinh-te-viet-nam-da-buoc-vao-quy-dao-phuc-hoi-nhung-suc-cau-con-han-che-post3096701.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *