Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác,
Vợ chồng cháu đã nhận được thư bác trả lời câu hỏi về nghệ thuật giao tiếp của bác rồi ạ. Chúng cháu cũng đã đọc bài trả lời của bác trên blog của bác. Cảm ơn bác rất nhiều.
Nay chúng cháu muốn bác giúp cho câu hỏi này ạ: Kỹ năng thuyết phục trong đám phán là gì và làm sao để rèn luyện được kỹ năng đó?
Mong chờ câu trả lời của bác.
Kính chúc bác muôn vàn sức khoẻ
Lê Nguyên- Hoàng Thuý Hà (Tp vinh): nguyenyeuhalamlam@gmail.com
—–
Lê Nguyên – Hoàng Thúy Hà mến!
Thuyết phục được đối tác trong đàm phán là một kỹ năng cực kỳ quan trọng của doanh nhân. Đã làm doanh nghiệp thì luôn có đối tác, đó là người mình bán hàng, người mình mua hàng, người mình vay vốn và nhiều đối tượng khác.
Dù là đối tượng nào, thì mục đích của đàm phán là để đạt được yêu cầu của mình đặt ra, thỏa thuận được với đối tác điều mà mình xem là có lợi nhất hoặc phù hợp nhất.
Muốn được như vậy, các cháu phải có kỹ năng đàm phán, không thể để cái miệng của mình nói theo cảm xúc mà phải theo lý trí. Lúc này, hãy để cái đầu làm việc hơn là chiều chuộng con tim.
Kỹ năng đầu tiên là lắng nghe, nghe để hiểu đối tác nghĩ gì, muốn gì. Đọc được suy nghĩ của đối tác mới có thể đưa ra được phương án đàm phán hiệu quả. Đọc sai suy nghĩ của đối tác thì cầm chắc thất bại trong đàm phán. Cho nên, các cháu phải lắng nghe một cách kiên nhẫn.
Hiểu được đối tác rồi thì các cháu phải bày tỏ sự đồng cảm với họ, ít ra là một khía cạnh nào đó trong những suy nghĩ của họ, đó chính là cách thuyết phục về tình cảm. Bất cứ ai, dù lạnh lùng đến mấy, cũng mong muốn có người chia sẻ. Tạo ấn tượng với đối tác về sự chia sẻ là chiếm được ưu thế trong đàm phán. Nghe qua thì nghĩ đây là bộc lộ tình cảm, nhưng đó chính là kết quả của lý trí hiểu theo nghĩa tích cực.
Tiếp theo là thuyết phục, hãy kiên nhẫn thuyết phục cũng như khi cháu kiên nhẫn lắng nghe. Nên nhớ rằng, cách thuyết phục tốt nhất là hãy nói nhiều đến quyền lợi của của họ, chỉ ra cái được của họ khi hợp tác với mình. Cái lợi đó không phải là sự tưởng tượng, mà là một khả năng có thật, vấn đề là hai bên cùng có thiện chí hợp tác để mang lợi ích đó đến cho mỗi bên hay không. Muốn chỉ ra được cái lợi cho đối tác, cháu phải là người thông minh.
Nên nhớ rằng, tất cả mọi sự hợp tác đều có mục đích vì lợi ích. Nếu chưa tìm ra được lợi ích đủ sức thuyết phục đối tác, thì đừng tiến hành một cuộc đàm phán. Vô ích.
Chúc hai cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)