Ngân khố nào gánh được những dự án bất chấp kỷ luật ngân sách

Lê Thanh Phong/ Báo LĐO

Sông Sào Khê đoạn qua trung tâm cố đô Hoa Lư. Ảnh minh họa, nguồn: Wiki.

Thiệt lòng là khi nghe ông Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc công bố thông tin điều chỉnh dự án nạo vét ở Ninh Bình từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng, tui không sốc như bà con, vì tui không lạ. Làm doanh nghiệp mấy chục năm, triển khai nhiều dự án xây dựng, nên tui hiểu rõ bản chất của đội vốn nằm ở đâu.

Tư nhân làm dự án, họ phải tính từng xu để có được suất đầu tư thấp nhất để mang lại hiệu quả cao nhất. Còn của công, cứ đầu tư nhiều chừng nào thì tỉ lệ phần trăm và các loại phết phẩy càng cao. Bản chất chính là ở chỗ này đây.

Chỉ thương cho người dân, doanh nghiệp, nai lưng ra đóng thuế để đổ vào những dự án như thế này.

Trần Quí Thanh

—–

Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 36 lần, từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng.

Đó là thông tin được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ra trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước.

Quá sốc, sau cơn sốc là sự nổi giận, không ai có thể kìm nén được.

Và còn nữa, dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỉ đồng, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỉ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh tăng 1.488 tỉ đồng và đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỉ đồng. Dự án Thủy điện Nậm Chiến 4 lần điều chỉnh tăng đến 3.361 tỉ đồng.

Những con số đó là “bản cáo trạng” về những cẩu thả trong xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư. Vì làm dự án ẩu, vì nhắm mắt phê duyệt, cho nên mới có sai sót phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Không thể có dự toán nào chính xác hoàn toàn, nhưng chênh lệch phải ở mức có thể chấp nhận được, giải thích được, còn chênh lệch quá lớn từ gấp vài lần đến vài chục lần thì không thể hiểu nổi.

Và các dự án vẫn cứ được trình, vẫn cứ thản nhiên phê duyệt rồi sau đó xin tăng vốn, lại được duyệt, lại xin tăng vốn, lại được duyệt. Công trình kéo dài, chưa nói đến tham nhũng, nhưng lãng phí đã rành rành. Tiền bạc trôi theo những dự án khắp đất nước, ngân sách khánh kiệt một phần là do đầu tư vào những dự án này.

Ví dụ còn nóng hổi trên mặt báo là đề án xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi phục vụ đổi mới kỳ thi THPT quốc gia từ nay đến năm 2020 của Bộ GDĐT tổng chi khoảng 750 tỉ đồng. Rất hoan nghênh là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến từ dư luận và chỉ đạo rút lui đề án vì thấy bất hợp lý. Nhưng thử hỏi, có được bao nhiêu chủ đầu tư lắng nghe tiếng nói phản biện, đa số là cố sống cố chết để xây cho được quảng trường, tượng đài, trụ sở.

Người dân không thụ hưởng bất kỳ thứ gì từ những trụ sở hoành tráng lộng lẫy, chỉ có người ngồi trong những “cung điện” đó thụ hưởng. Cái mà dân cần là các chính sách thông minh được ban hành, không phải những dự án làm hài lòng những nhóm lợi ích.

Tăng thu các loại thuế để tăng ngân sách, nhưng thuế nào bù đắp cho được những thất thoát, lãng phí ở các dự án đầu tư bất chấp kỷ luật ngân sách như vừa nêu trên.

Siết chặt đầu tư công và thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách là đủ để bù vào chi tiêu mà không cần tăng các loại thuế.

 

Nguồn: Theo Báo Lao Động online

Link bài: Ngân khố nào gánh được…

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngan-kho-nao-ganh-duoc-nhung-du-an-bat-chap-ky-luat-ngan-sach-608591.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *