Hà Phương/ Báo VOV
Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Người xưa có câu: “Lễ quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng” để nói về lên tầm quan trọng của rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
Ở nhiều địa phương, người dân chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng rất thịnh soạn. Nhiều món ăn truyền thống không khác so với những ngày Tết.
Theo nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, vào ngày này, mọi người thường làm lễ rất to, coi như một lần nữa các gia đình lại được ăn Tết. Ai ai cũng đặt tâm thức và tấm lòng thành kính trước là hướng về trời Phật, sau là hướng về tổ tiên, cầu may mắn cho 12 tháng.
Những món quan trọng nhất trong mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng là gà trống – được coi là vật cúng tế linh thiêng, bánh chưng tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất, xôi gấc có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn trong năm mới.
Chia sẻ về cách chọn gà cúng, nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, cần chọn gà mào to và đỏ, lông màu lửa, ức vươn lên, lườn không nhọn, lựa được gà ăn ngô thì da gà sẽ có màu vàng đẹp. Khi luộc để lửa vừa độ, nước sôi mới thả gà vào, nêm chút gia vị cho đậm đà, để sôi 30 phút, sau đó tắt bếp ngâm trong nồi khoảng 15 phút mới vớt ra để nguội.
Để có bánh chưng ngon, theo nghệ nhân Ánh Tuyết, ngoài việc chọn nguyên liệu gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ, hạt tiêu ngon, phải chú ý cách gấp lá dong, để bánh luôn ngập trong nước sôi với lửa vừa phải, đun đủ 10 tiếng thì bánh mới dền, không cứng cũng không nhão.
Ngoài ra, trên mâm cỗ còn có những món ăn truyền thống như khoanh giò, đĩa bóng xào, thịt đông, nem rán, canh măng, cá trắm đen kho riềng, dưa hành muối.
Tuy nhiên, trước quan niệm của nhiều gia đình, mâm cỗ cúng bắt buộc phải có giò chả, thịt bò xào… nhưng theo nghệ nhân Ánh Tuyết, mọi người đã ăn các món đó quá nhiều vào ngày Tết. Nay nhìn mâm cỗ như vậy không ai muốn ăn, bỏ thừa sẽ gây phí phạm. Thế nên, các bà nội trợ có thể biến tấu sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng của gia đình, không nhất thiết phải rập khuôn theo mâm cỗ truyền thống.
Ngoài ra, mâm cỗ có thể có thêm các món có tính mát, dễ ăn như cá hấp, cá nấu riêu kèm thêm rau sống. Các bà nội trợ cũng có thể trổ tài với món cuốn như cuốn thang, cuốn bỗng, hành cuốn củ quả… hoặc món thịt lợn luộc cuốn kèm thêm khế, rau thơm, lạc rang, chuối xanh…
Trước ý kiến cỗ cúng Rằm của người Hà Nội phải đầy đủ 8 đĩa, 5 bát mới đúng lễ nghi, nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng: “Hình thức cúng như vậy nói lên sự cầu kỳ trong chế biến món ăn của người Hà Nội xưa. Nhưng hình thức này chỉ nằm trong gia đình có điều kiện”.
Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy, với những gia đình không có điều kiện về thời gian, kinh tế thì “tùy tiền biện lễ”, có thể dâng cúng đĩa xôi gấc hoặc cái bánh chưng cùng với một khoanh giò, mong một năm đầu xuôi đuôi lọt, mọi sự hanh thông, quan trọng nhất vẫn là cái tâm, là lòng thành mỗi người hướng tới trời Phật, tổ tiên.
NGUỒN: Theo Báo VOV
Link bài: Nghệ nhân…
https://vov.vn/van-hoa/nghe-