Phạm Thị Phước Mai Trinh – Phòng AN-PCCC Bình Dương/ Giải nhất Tùy bút trong Hội thị Báo tường
Tan ca trong tiết trời mưa lất phất do ảnh hưởng của bão tháng 8, tôi chạy xe trên con đường quen thuộc trở về nhà sau một ngày làm việc năng suất. Nước mưa như hơi sương, khe khẽ chạm vào mặt, gió thổi bất chợt khiến lòng người cũng miên man theo những dòng suy nghĩ trong khoảng không gian mênh mông, vô chừng. Những chương ký ức trong “Chuyện nhà Dr. Thanh” như những thước phim quay chậm cứ vậy mà ùa về trong trí nhớ tôi, không thể cản ngăn cũng không thể xâm phạm…
Xe tôi vẫn chạy chầm chậm giữa những âm thanh của tiếng mưa rỉ rả, tiếng những chiếc xe tải vượt mặt rào rào, con đường về nhà ngày một ngắn hơn.
Gấp lại cuốn sách sau khi đọc xong 10 chương chỉ trong vòng hơn một ngày quả thực là một chuyện khó tin đối với bản thân tôi. Bởi vì tôi đọc sách rất chậm. Chậm ở đây không hẳn là chậm mang tính vật lý mà là chậm để tư duy và nhận thức. Đọc chậm để nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại để hiểu, để thấu tường tận. Nhưng với “Chuyện nhà Dr. Thanh”, cuốn sách cứ cuốn tôi theo từng mảnh ghép ký ức, hiện tại của một gia tộc doanh nhân đầy sóng gió. Như NSƯT Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ – Hà Nội đã từng phát biểu về “Chuyện nhà Dr. Thanh”: “… mọi thứ rất giản dị, cầm lên là đọc không buông xuống được”.
Câu nói tâm đắc mà Chú Thanh nói với Chị Uyên Phương trong chương 10 của truyện cứ văng vẳng trong đầu tôi như một chân lý: “Sóng gió nào chả bất ngờ như nhau. Bão tố nào chả gây thiệt hai. Nhưng sau cơn bão lũ, cái còn đọng lại sẽ là phù sa để nuôi lớn cây non. Làm cây to thì phải có rễ sâu để đứng vững trong bão tố, cành lá phải đủ khỏe để chống chọi với gió quật mưa vùi, còn nếu không thì làm cỏ vui đời an bình”. Đây là một trong rất nhiều câu nói mà tôi tâm đắc trong sách, trở thành châm ngôn sống, là động lực để vượt qua những khó khăn, đón đầu thách thức, vươn lên và tạo dựng thành công của một người trẻ như tôi với tinh thần “Không gì là không thể”.
“Chuyện nhà Dr. Thanh” sẽ là cuốn sách gối đầu giường của tôi và có thể là cuốn sách gối đầu giường của bất kỳ bạn trẻ nào có ước mơ, có ý chí, không phân biệt xuất phát điểm, hoàn cảnh, địa vị hay học thức. Vì sao vậy? Vì tấm gương của CEO Trần Quí Thanh là một minh chứng sống. Từ một thằng con trai “hệt món nợ đời bỏ đi” trở thành người đứng nhất trong cuộc thi tú tài đôi và từ một người đàn ông tay trắng cùng người vợ mới cưới trong ngôi nhà chỉ còn đúng một cái giường, cái đi-văng cũ, hai cái chén và hai đôi đũa” trở thành người sáng lập ra Tập đoàn Nước Giải Khát hàng đầu Việt Nam.
Làm việc tại Tân Hiệp Phát với tôi là một cái duyên và đọc được “Chuyện nhà Dr. Thanh” là chiếc chìa khóa để tôi khai phá nguồn năng lượng, ý chí của bản thân. Từ khi đọc lời tựa của tác giả, tôi đã cảm nhận được một cách rõ rệt: “Đây là cuốn sách dành cho mình!”. Tôi nể phục ý chí, sự kiên cường của Dr. Thanh trong sự nghiệp nhưng càng kính phục ông với vai trò là một người chồng, một người cha trong gia đình, một hình tượng vững vàng về tư duy, hành động trong cuộc sống. Tôi xin được trích một câu nói rất hay của Chú Thanh trong chương 1 của sách: “Học là để ra đi làm chứ không phải học để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi con người chính là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội chứ không phải anh có mấy cái bằng”. Phải, sự học là một phát kiến vĩ đại của con người và chỉ duy nhất con người có thể vượt qua bản năng để tìm kiếm sự học một cách có điều kiện, có chọn lọc và áp dụng vào thực tế. Nhưng sự học là vô nghĩa nếu như chúng ta không biết cách đưa nó vào cuộc sống để tạo nên giá trị thực.
Những suy nghĩ cứ tiếp nối trong tôi, cơn mưa dần nhỏ lại rồi tạnh hẳn, tôi vẫn cầm chắc tay lái một cách cẩn thận và hiền hòa. Những cơn gió ngày càng lạnh hơn hoặc có lẽ do tôi đi dưới trời mưa đã khá lâu nên thấm cái ướt vào người.
Tôi chợt nhớ về tuổi thơ của mình. Cái khoảng thời gian đi bẫy chuột đồng với cha, bắt cá lia thia ngoài ruộng, rồi làm diều, thả diều, đóng bè chuối chơi ngông giữa trời mưa hè,… Thật ra, tôi cũng có một tuổi thơ khá dữ dội không kém gì cậu bé Thanh. Nghĩ tới đây, tôi chợt cười vì suy nghĩ của mình ngố quá. Tôi nghĩ đến cha mẹ mình, nghĩ về những ngày tháng vất vả ở chòi, giữ đồng thuê, cũng xuất phát từ đôi bàn tay trắng. Gia đình có nghèo, có khổ, có sung sướng, có hạnh phúc, rồi những biến cố xảy ra, rồi cãi vã đến mức tưởng chừng như gia đình tan nát. Và đến đây, tôi muốn nói đến tình cảm gia đình thiêng liêng trong “Chuyện nhà Dr. Thanh”.
“Đã có lần tôi từng nghẹn ngào bảo má: “Li dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi, và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”. Cuộn phim ký ức trôi đến đây hai hàng nước mắt tôi cũng tuôn dài, hòa vào những giọt nước mưa thấm trên má, bay vào không gian. Tôi cũng như tác giả, đã không ít hơn một lần tôi đã nói với mẹ mình rằng hãy li dị cha đi. Rằng hãy để cho cuộc sống của mình trôi đi một cách bình yên, không sóng gió. Nhưng người đàn bà thép trong gia tộc họ Trần và hầu như hết thảy những người vợ, người mẹ trên đất nước này mấy ai làm được điều đó. Họ sống một cuộc sống từ lâu đã không còn là của riêng họ. Hạnh phúc của những người mẹ diệu hiền chính là được thấy gia đình trọn vẹn, con cái trưởng thành. Sau bao hi sinh, là sự thành công của Tân Hiệp Phát như hôm nay như tác giả đã viết về người má của mình: “Làm phụ nữ với má nghĩa là phải thông minh để hiểu được lúc nào thì thể hiện cá tính của mình và khi nào thì ẩn nó vào trong cái bóng của chồng. Phải tự biết khi nào cần xuất hiện và khi nào nên lùi ra… sẽ rất ít người có thể hiểu, có thể nhận thấy sự hy sinh, nhẫn nại, và tình yêu thương bên trong còn to lớn gấp trăm ngàn lần những gì người đời có thể nhìn thấy bên ngoài”. Tác giả đã tự hỏi, tôi cũng tự trăn trở “làm một người phụ nữ thật sự quá khó”.
Từ “Chuyện nhà Dr. Thanh”, tôi nghĩ về chính bản thân mình. Mẹ sinh tôi ra trong lúc thập tử nhất sinh, lớn lên nhờ thuốc do đau ốm quanh năm. Con gái nhà nghèo, đi học là học sinh – sinh viên nghèo vượt khó. Sóng gió gia đình không biết bao nhiêu lần nhưng tôi vẫn vững tin vào bản thân, sống lương thiện, có tri thức và luôn tự nhủ phải vươn lên trong cuộc sống. Tôi tự hào về bản thân là một con người bản lĩnh, tự tin và sống có ích. Nhưng thật sự tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé khi so sánh với “Gia tộc họ Trần”. Họ là những con người là tấm gương sáng để người khác đi theo, học hỏi và suy ngẫm. Qua cuốn sách, tôi càng yêu mến và nể phục họ. Không chỉ là Chú Thanh, không chỉ là Cô Nụ mà còn ở đó thế hệ kế thừa hai con người vĩ đại – con cái nhà Dr. Thanh. Anh Chị là những người trẻ bản lĩnh, dám vượt qua giới hạn của thân để tỏa sáng theo cách của chính mình, là hình tượng mẫu mực của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Xe tôi về đến cửa nhà thì nụ cười của mẹ đã dập đi hết những mệt mỏi sau một ngày dài làm việc trong tôi. Tôi nhớ về những trang cuối của “Chuyện nhà Dr. Thanh”, về tình yêu thương trong gia đình vô bờ bến, về những con người đã dũng cảm vượt qua sóng gió thương trường khắc nghiệt, lái con thuyền Tân Hiệp Phát phát triển vững mạnh như hôm nay với tinh thần “Không gì là không thể”, “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”.
Đọc xong cuốn sách, tôi càng yêu thương và trân quý gia đình mình, cha mẹ mình hơn bao giờ hết. Nếu tính theo tuổi mụ, tuổi âm lịch thì năm 2018 là năm tôi tròn 2 con giáp – 24 tuổi. Năm 2018 cũng là năm kỷ niệm 24 năm ngày thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, là năm đầu tiên tôi được hòa mình vào bầu không khí lễ hội của một công ty gia đình rất đặc biệt – Đại gia đình Tân Hiệp Phát. Số 24 thật đẹp, và tôi nghĩ đó là một điều gì đó rất đặc biệt, gắn kết tôi và nơi đây. Nơi có những con người mà tôi thần tượng, nơi có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời. Và tôi tin đây cũng sẽ là nơi tôi bắt đầu một sự nghiệp thật vĩ đại cùng với Tập Đoàn Nước Giải Khát Tân Hiệp Phát.
Xin được lấy những dòng cuối cùng của “Chuyện nhà Dr. Thanh” trích thư chúc mừng sinh nhật ba của tác giả Trần Uyên Phương thay cho lời kết của chuỗi những nghĩ suy trong tôi về cuốn sách: “Con đã tồn tại và phát triển trong sự bảo bọc và quan tâm được xem như là đương nhiên. Con liên tục với sự sống mạnh mẽ và lòng tin của bản thân vì trong con là nền tảng vững chắc mà ba má đã truyền cho con. Đó là sự nỗ lực, miệt mài, sự kiên nhẫn vô cùng, luôn sẵn sàng bằng mọi cách để bao bọc, chở che cho chúng con phát triển nhưng không cho phép chúng con gục ngã, lùi bước. Nhờ đó, con đã là con của ngày hôm nay, bước đi tự tin với một giá trị, và hiên ngang với sứ mệnh, tầm nhìn rõ ràng. Ba má đã soi đường cho chúng con bước tới. Để mai sau cuối con đường con cũng tự hào là một người Việt Nam sống có ích”.
NGUỒN: Theo Bản tin nội bộ Tân Hiệp Phát
Link bài: Nghĩ về “Chuyện Nhà Dr Thanh”
(https://www.thp.com.vn/nghi-ve-chuyen-nha-dr-thanh/)