Nghịch lý: COVID-19 sẽ thay đổi doanh nghiệp của bạn theo chiều hướng tích cực?

Ban Biên Tập/ Trang Base.vn

—–

Câu nói “trong nguy có cơ” không phải là tư duy AQ làm liều thuốc an thần cho con người khi gặp những biến cố bất lợi, mà từ những biến cố đó con người có những thay đổi tích cực, thậm chí là thay đổi mang tầm thời đại.

Người xưa có câu “thời thế tạo anh hùng”, và đông tây kim cổ có nhiều người trở thành anh hùng trong tao loạn, không chỉ chiến tranh mà nhiều biến cố bất trắc khác của nhân loại.

Điển hình như, tỉ phú Jack Ma của Trung Quốc ra mắt trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao khi dịch SARS bùng phát. Như vậy, với nhiều doanh nghiệp khác SARS là thảm họa, còn với Jack Ma và những người có bản lĩnh, SARS là thời thế tạo anh hùng.

Và hôm nay, trước đại dịch COVID-19, cả thế giới khốn đốn vì con virus SARS-CoV-2, nhưng cũng âm thầm đâu đó có những con người như Jack Ma 17 năm trước.

Sẽ có những thay đổi bất ngờ sau đại dịch này, sẽ có nhiều giá trị được định nghĩa lại, sẽ có những tập quán bị xóa bỏ. Không phải chỉ riêng trong kinh doanh, mà trong mọi mặt của đời sống.

Ví dụ, 17 năm trước, vì có 500 nhân viên bị cách ly vì dịch SARS, Jack Ma đã triển khai mạng lưới làm việc tại nhà cho toàn bộ nhân viên. Vậy thì, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, với sự phát triển của ngành  trí tuệ nhân tạo, con người có thể làm nhiều việc kinh khủng hơn, bùng nổ hơn.

Hy vọng là trong những thay đổi lớn lao của thế giới sắp tới, sẽ có những sản phẩm do con người Việt Nam làm ra. Trong những doanh nghiệp tỏa sáng vì tìm được cơ trong nguy của thế giới này, có chân dung doanh nghiệp Việt Nam.

Trần Quí Thanh

—–
Đã có rất nhiều thống kê về những hệ lụy tiêu cực từ Covid-19 và đến giờ vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Vậy nếu nói “Doanh nghiệp hoàn toàn có thể biển đại dịch thành bàn đạp cho tương lai” liệu có quá?

Dịch Covid-19 đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu len vào mọi ngõ ngách của kinh tế, kéo giảm doanh thu, gián đoạn chuỗi cung ứng, làm bốc hơi cả nghìn tỷ USD GDP toàn cầu và có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào bế tắc.

Dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Ngành sản xuất hàng điện tử, ô tô, dệt may và giày dép chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngành du lịch, dịch vụ và hàng không thế giới cũng sụt giảm mạnh do việc hạn chế đi lại. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ khác, sự sợ hãi đối với Covid-19 sẽ thúc đẩy những thay đổi trong cách làm việc của các doanh nghiệp – mà bản chất là những việc này đã được chuẩn bị một thời gian dài hay thậm chí đang bắt đầu diễn ra rồi.

17 năm trước, thế giới bùng phát Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp SARS cướp đi sinh mạng của 774 người sau 6 tháng hoành hành. Đại dịch đã gây nên một cuộc suy thoái lớn, gây thiệt hại 40 tỉ đô trên toàn thế giới. Nhưng dịch SARS cũng chính là bước ngoặt mạnh mẽ đối với một số doanh nghiệp do nhận ra sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng vào thời điểm đó.

Alibaba – lúc đó đang trên đà phát triển mạnh mẽ – đã phải cách ly toàn bộ 500 nhân viên, bao gồm cả Jack Ma, do có 1 nhân viên bị nhiễm SARS. Đây là một mối đe dọa lớn đến sự tồn tại của doanh nghiệp vì nguy cơ bị phá vỡ quy trình kinh doanh. Tuy nhiên bằng cách ngay lập tức và nhanh chóng triển khai mạng lưới làm việc tại nhà cho toàn bộ nhân viên mà dịch vụ của Alibaba không những không bị gián đoạn một ngày nào, SARS còn mang lại sự tăng trưởng lớn cho hoạt động kinh doanh của công ty này. 

Tuy nhiên, động thái lớn nhất của Alibaba trong thời SARS là ra mắt trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao. Sau khi dịch SARS bùng phát, Jack Ma nhận thức sâu sắc rằng bán lẻ trực tuyến sẽ trở thành thứ mà mọi người cần, và điều cần thiết là Alibaba phải ra mắt một doanh nghiệp bán lẻ. Không ai tin, kể cả những người đứng đầu Alibaba, nhưng giờ chúng ta đều nhìn thấy đế chế khổng lồ Taobao đã đánh bại Ebay như thế nào. SARS được cho rằng chính là yếu tố đã “sinh ra” Taobao và JD.com – hiện đang là 2 công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc.

Cùng thời điểm đó, 12 trung tâm mua sắm Kinh Đông (Jindong) của Lưu Cường Đông hoàn toàn không có doanh số. Ông phải chuyển sang bán hàng thông qua nhóm QQ và BBS, sau đó ra mắt trung tâm mua sắm trực tuyến, và cuối cùng phát triển thành Đế chế Kinh Đông như ngày nay.

Tại Singapore, SARS cũng đã thúc đẩy Cơ quan Kỹ thuật Công nghệ và Khoa học Quốc phòng phát triển các máy quét hình ảnh nhiệt hồng ngoại tiên tiến đối với hoạt động kiểm tra thân nhiệt trên diện rộng.

Quay về thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh viêm phổi do virus Corona chủng bùng phát, chắc chắn có nhiều công ty đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, và họ thậm chí có thể phải đóng cửa. Nhưng bên cạnh đó, giống như Alibaba hay Kinh Đông, biết đâu một gã khổng lồ khác sẽ lại xuất hiện?

17 năm sau đại dịch SARS, tức thời điểm hiện tại, loại virus corona mới đang lây lan nhanh chóng ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Chỉ có điều Trung Quốc bây giờ đã là một mắt xích quan trọng của kinh tế toàn cầu, bất cứ sự gián đoạn, suy thoái nào do dịch bệnh cũng sẽ kéo theo cả hệ thống.

Tuy nhiên như đã nói ở đầu bài, sự bùng phát của virus Corona có thể đẩy nhanh quá trình phát triển, cách thức vận hành của các doanh nghiệp và cuối cùng là tái cấu trúc lại nhiều ngành công nghiệp. Tất cả mọi thứ từ những cuộc họp, các hội nghị đến cách thức hợp tác, bán hàng hay bất động sản đều sẽ được xem xét lại.


Đã có một vài cột mốc thể hiện động thái cho sự thay đổi tích cực mà chúng ta đang nói đến:

  • Tại hội nghị Hiệp hội hợp tác và phát triển trí tuệ nhân tạo (AAAI) ở New York vào đầu tháng 2, các nhà nghiên cứu đã chủ yếu thực hiện các cuộc trao đổi và thuyết trình thông qua video do lệnh cấm du lịch. Hội nghị AAAI đã may mắn vẫn được diễn ra giữa lúc đại dịch đang bùng nổ trong khi F8 và Triển lãm di động toàn cầu của Facebook là hai hội nghị cấp cao đã bị hủy bỏ. Có lẽ một hội nghị truyền hình sẽ trở nên phổ biến trong tương lai gần.
  • Làm việc từ xa đã nhen nhóm trở thành một xu hướng trong những năm gần đây, nhưng với sự lan rộng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dù muốn dù không cũng bắt đầu thử nghiệm hoạt động này nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. CEO của Zoom, công ty cung cấp dịch vụ tổ chức hội thảo trực tuyến bằng hình ảnh, cho biết rằng dịch COVID-19 đã khiến cho nhu cầu và việc sử dụng các trang thiết bị làm việc từ xa tăng cao kỷ lục.
  • Alibaba đã ra mắt một nền tảng tìm nguồn cung ứng B2B toàn cầu để kết nối trực tiếp các nhà cung cấp hàng hóa y tế với nhân viên y tế tuyến đầu. 
  • Sức khỏe nhân viên đang được đưa lên hàng đầu. Nhiều ý kiến ​​của các nhà lãnh đạo đã lưu ý rằng sức khỏe của nhân viên là mối quan tâm hàng đầu và những việc như làm sạch và khử trùng đang được ưu tiên. WeChat, một ứng dụng có tỉ lệ tiếp cận cao nhất ở Trung Quốc gần đây đã có thêm mục “Sức khỏe”, bao gồm khả năng theo dõi dữ liệu về dịch bệnh theo thời gian thực ở mỗi tỉnh.

Yong Zhang (Giám đốc điều hành của Alibaba) nói rằng virus Corona có khả năng thay đổi hành vi người tiêu dùng tại Trung Quốc hay thậm chí ở Mỹ. Cuối cùng, virus Corona sẽ dẫn các doanh nghiệp đến các hoạt động hiệu quả hơn và sau cùng là lợi nhuận tốt hơn. 

Corona sẽ tấn công mạnh vào một số bộ phận của nền kinh tế mà nếu nhìn ra được, doanh nghiệp sẽ thấy tiết kiệm đáng kể:

  • Chi phí đi lại sẽ giảm. Một khi các doanh nghiệp nhận ra có thể tồn tại với rất ít tương tác trực diện, chi phí đi lại sẽ được hạn chế. Thật ra lý do lớn nhất ban đầu của các hội nghị thông qua truyền hình là tiết kiệm chi phí đi lại. 
  • Việc sử dụng tự động hóa sẽ được đẩy nhanh để tăng cường lực lượng lao động. 
  • Chi phí bất động sản giảm: Một khi công việc từ xa trở thành chuẩn mực hơn, nhu cầu làm việc tại các văn phòng và tổ hợp công ty giảm dần. Những động thái hướng tới giảm chi phí bất động sản đã được cố gắng tiến hành trong một thời gian dài nhưng virus Corona có thể đẩy nhanh xu hướng.
  • Hoạt động nhân sự sẽ thay đổi tích cực: Ít người hơn trong một không gian hạn chế có nghĩa là các vấn đề nhân sự và điều tra nguồn nhân lực sẽ được giảm bớt hơn. Bộ phận nhân sự có thể phân bổ thời gian của cho những công việc cần thiết hơn.Ban đầu, những động thái thích nghi với Corona có thể không hướng tới sự tiết kiệm chi phí, nhưng về lâu về dài các doanh nghiệp sẽ thực sự nhận ra sự tồn tại của nguồn lợi nhuận này.


    Chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở những con số thống kê, sau ngành du lịch, các công ty chịu thiệt hại nặng nề nhất từ COVID-19 là những công ty có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến hàng nghìn nghìn doanh nghiệp điêu đứng và trên bờ vực phá sản.

    Tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp đã tránh được sự gián đoạn sản xuất trong giai đoạn này. Họ đều là những doanh nghiệp đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc và chắc chắn đó là động thái mà không ít công ty đã nghiên cứu trong nhiều năm. Covid-19 chính là một cú đốc thúc mạnh mẽ cho các doanh nghiệp càng tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc.

    Khó khăn lúc này cũng là thời điểm mà từng ngành hàng, từng doanh nghiệp phải nhìn lại mình để thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. Đây là lúc các ngành hàng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm.

    Tất nhiên, để đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không hề dễ, do chi phí có thể sẽ tăng cao…, song đây là vấn đề buộc phải đặc biệt chú trọng trong bối cảnh thế giới luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn như hiện nay.

    Dịch Covid-19 có khả năng thúc đẩy tỷ lệ này tăng nhanh khi doanh nghiệp buộc phải thiết kế lại một số công việc, cho phép nhiều nhân viên có thể làm việc từ xa. Ở Ý, trung tâm bùng phát dịch tại châu Âu, một số công ty như hãng bảo hiểm Generali hay hãng thời trang Armani đã có những chính sách tạo điều kiện làm việc từ xa với nhiều mức độ.

    Lực lượng lao động hiện đại và các doanh nghiệp ngày càng hình thành rõ nét hơn bức tranh làm việc từ xa. Những lợi ích từ điều này đã được công nhận rất rõ ràng, bao gồm giảm căng thẳng, tăng năng suất, thu hút được nhiều nhân tài hơn và tỷ lệ giữ chân tốt hơn.

  • Khi con người không thể đi lại hoặc gặp gỡ nhau giữa các nhóm người, họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào kỹ thuật công nghệ giao tiếp để có thể duy trì liên lạc và hoàn tất công việc. Những cuộc họp, hội thảo cần sự di chuyển sẽ được tổ chức một cách dễ dàng hơn, bớt cồng kềnh và tốn kém hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng có thể tư vấn và chăm sóc khách hàng thông qua các kênh giao tiếp online.
  • Muốn nhân viên làm việc từ xa có hiệu quả, ngoài việc xây dựng một bộ chính sách cho nhân viên, một hệ thống quy trình làm việc chặt chẽ thì các công cụ quản lý thông minh là điều quan trọng không kém. Bỏ qua những công cụ “thời tiền sử” như gọi điện, email, chat, một phần mềm quản lý giúp đơn giản hóa sự trao đổi, giao tiếp nội bộ; cho phép truy cập mọi lúc mọi nơi và thông tin luôn liền mạch. Đồng thời phần mềm đó cũng phải giúp bạn dễ dàng tổ chức, lập kế hoạch công việc, giao việc, theo dõi tiến độ theo thời gian thực và báo cáo công việc nhanh chóng. Nếu không thì chỉ riêng việc đảm bảo sự tự giác của nhân viên đã khiến bạn không còn đầu óc để nghĩ đến chuyện khác rồi.
    • Khi sức khỏe của nhân viên được đặt lên hàng đầu, doanh nghiệp đã tập trung vào những nhu cầu mà trước đây thị trường chưa ai cung cấp như giải pháp chấm công qua điện thoại để thay thế máy chấm công vân tay vốn đang có rủi ro trong việc bảo đảm an toàn trước cúm COVID-19. Giải pháp chấm công qua camera quan sát và nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo cũng sắp ra mắt để tự động hóa hoạt động chấm công của nhân viên. 
    • Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực nghiên cứu những công nghệ phân tích dữ liệu doanh nghiệp để giúp các khách hàng hiểu rõ về hoạt động quản lý con người và giúp các khách hàng chuyển đổi số hiệu quả.
    • Rõ ràng, Covid-19 là một bước đà để các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng hơn với công nghệ và tiến thẳng đến hành trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

     

“Những người sống sót không phải là người mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là người dễ thích nghi nhất để thay đổi.” – Charles Darwin.

Trong thời kỳ suy thoái, doanh thu và tiền mặt luôn giảm nhanh hơn chi phí, không có một doanh nghiệp nào là không lao đao. Bản thân mỗi doanh nghiệp đều phải tự thay đổi thích ứng như sinh học. Chẳng có ai mong muốn dịch bệnh kéo dài, trong tình hình này, các công ty, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài xoay chuyển tình thế khó khăn – biến nó trở thành cơ hội cho mình.

Tuy nhiên, nếu việc này đơn giản để ai cũng nghĩ và làm được thì chúng ta đã không cần bàn luận ở đây. Bất kỳ một thay đổi nhỏ nào đối với doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, huống chi đây đều là những thay đổi cốt lõi, cần những quyết định táo bạo và sự triển khai quyết liệt từ những nhà lãnh đạo và quản lý.

Nhưng bạn biết đấy, nếu thành công, chúng ta không chỉ sống sót qua đại dịch – mà những nỗ lực này sẽ còn có tác dụng lâu dài, trở thành nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này của doanh nghiệp bạn.

Chúc bạn may mắn và thành công!

NGUỒN:  Theo Tran Base.vn

Link bài: Nghịch lý….

(https://resources.base.vn/management/Covid-19-thuc-day-doanh-nghiep-phat-trien-trong-thoi-dai-so-622)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *