Linh Vũ / Zingnews
Sự nhầm lẫn về vai trò đại sứ thương hiệu của Hyein (NewJeans) và RM (BTS) gần đây cho thấy điểm khác biệt giữa vị trí này và các chức danh đại diện khác của nhãn hàng thời trang.
RM (BTS) được xác nhận chỉ là gương mặt chiến dịch của nhà mốt Bottega Veneta. Ảnh: Matthieu Blazy. |
Vị trí đại sứ của các thương hiệu thời trang cao cấp luôn được giới mộ điệu quan tâm. Trong quý I/2023, 10 thần tượng K-Pop đã chính thức trở thành đại sứ của các nhãn hàng xa xỉ trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, vai trò thực sự của các nghệ sĩ tại nhãn hiệu luôn tạo ra sự tranh cãi đối với các tín đồ thời trang. Cụ thể, mặc dù trang thông tin chính thức của nhóm nhạc NewJeans cho biết Hyein được bổ nhiệm vào vị trí đại sứ Louis Vuitton, thương hiệu nước Pháp lại không thông báo chính thức về vấn đề này.
Tương tự, tập đoàn Kering sở hữu nhãn hàng Bottega Veneta cũng khẳng định RM (BTS) chỉ kết hợp với nhà mốt trong chiến dịch mùa hè. Thực tế, vị trí của anh là “Ambassador of Campaign” (Đại sứ chiến dịch), tương đương với “The Face of Campaign” (Gương mặt chiến dịch).
Như vậy, sự nhầm lẫn về chức danh đại sứ thương hiệu vẫn xảy ra phổ biến trong lĩnh vực thời trang, gây bối rối cho công chúng.
Đại sứ thương hiệu là ai?
Theo Fibre2Fashion, trước khi trở thành “gương mặt”, “tiếng nói” của nhãn hàng thời trang, các đại sứ phải xây dựng thương hiệu cá nhân. Hình tượng của họ, bao gồm phong cách ăn mặc, lối sống, sở thích, cần có điểm tương thích với cá tính nhãn hiệu.
Người nổi tiếng trong các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc thường được bổ nhiệm vào vị trí này. Các doanh nghiệp thời trang thường đánh giá mức độ phù hợp của các ngôi sao với đặc tính, định hướng phát triển và đối tượng khách hàng mục tiêu của họ.
Hợp đồng đại sứ thương hiệu luôn có thời gian dài và giá trị đắt đỏ. Vì vậy, công ty phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký nhằm tối ưu hóa chi phí truyền thông, tránh “bút sa gà chết”.
Sau khi được bổ nhiệm trở thành đại sứ thương hiệu, những người đã ký kết hợp đồng cần đảm bảo đem đến lợi ích về mặt truyền thông cho nhãn hàng thông qua các chiến dịch quảng cáo, bài đăng mạng xã hội và hình ảnh hàng ngày.
Ví dụ, trong mùa mốt đầu năm 2023, thống kê của Launchmetrics cho thấy Dior là thương hiệu đứng đầu Tuần lễ thời trang Paris, thu về 42 triệu USD, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Đại sứ của nhãn hàng – Jisoo (BlackPink) – đem lại 23% tổng MIV của nhà mốt Dior.
Hình ảnh của ngôi sao K-Pop trước buổi trình diễn bộ sưu tập Thu/Đông 2023 đã đem lại 8,2 triệu lượt thích. Giá trị truyền thông từ riêng bài đăng này là 1,8 triệu USD.
Chanel vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng, cải thiện mức độ ảnh hưởng so với mùa trước. Đại sứ thương hiệu Jennie (BlackPink) và diễn viên Park Seo-joon chiếm 27% trong tổng số 25,8 triệu USD MIV.
Hiện nay, đại sứ nhãn hàng đã trở thành một công việc, chức danh chính thức. Nhiều người nổi tiếng thường xuyên sử dụng sản phẩm của một doanh nghiệp thời trang, thậm chí nỗ lực xây dựng hình tượng cá nhân theo tiêu chuẩn của thương hiệu với mong muốn trở thành đại sứ.
Phân biệt giữa đại sứ thương hiệu và gương mặt đại diện
Theo BMS (Bachelor of Management Studies), đại sứ thương hiệu có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhãn hàng.
Họ không chỉ tham gia các chiến dịch truyền thông, xuất hiện trong bộ hình quảng cáo mà còn trở thành người đại diện phát ngôn, sử dụng danh tiếng để bảo chứng cho chất lượng sản phẩm.
Các đại sứ thường được bộ phận truyền thông định hình phong cách ăn mặc và xây dựng những câu chuyện liên quan đến nhãn hàng nhằm gia tăng mức độ gắn kết. Từ đó, nhận thức của công chúng về nhãn hiệu có thể được nâng cao một cách gián tiếp.
Sau khi ký kết hợp đồng, họ cũng phải tuân thủ các điều luật khắt khe như chỉ mặc thiết kế của thương hiệu đại diện trong các sự kiện quan trọng, hạn chế sử dụng sản phẩm thời trang từ nhà mốt khác.
Ví dụ, với vai trò đại sứ Dior, Jisoo (BlackPink) không chỉ diện đồ của nhãn hàng này mà còn tranh thủ quảng cáo cho mỹ phẩm Dior Beauty trong MV FLOWER ra mắt ngày 31/3. Nữ ca sĩ cũng thường xuyên ghé thăm xưởng vẽ của nhà mốt trong trang phục theo phong cách thanh lịch, cổ điển.
Mặc dù cùng chịu trách nhiệm trong việc thu hút sự chú ý cho thương hiệu đại diện, mối quan hệ của đại sứ chiến dịch (“Ambassador of Campaign” hoặc “The Face of Campaign”) và nhà mốt lỏng lẻo hơn.
Gương mặt của chiến dịch chỉ cần có ngoại hình, phong cách phù hợp với tinh thần của chiến dịch thời trang. Họ không cần xây dựng hình tượng gắn bó chặt chẽ với tính cách nhãn hàng.
Các hợp đồng này thường có thời gian áp dụng ngắn và điều khoản đơn giản hơn. Hơn nữa, một người nổi tiếng có thể tham gia nhiều chương trình, chiến dịch trong một thời điểm, không phải giới hạn sự lựa chọn.
Dù mới cùng Versace ra mắt bộ sưu tập đầu tiên, Anne Hathaway vẫn diện trang phục của nhà mốt Valentino, Area. Cô thậm chí còn xuất hiện tại sự kiện của nhãn hàng trang sức Bulgari.
Mức độ ảnh hưởng của gương mặt chiến dịch thường thấp hơn nhiều so với đại sứ thương hiệu. Khả năng ghi nhớ của công chúng về những màn hợp tác ngắn hạn cũng không cao bằng sự gắn bó lâu dài.
Trang phục, mỹ phẩm và giày dép của nhãn hàng Dior xuất hiện liên tục trong MV mới của Jisoo. |
Ngoài ra, theo Prime Marketing Agency, vị trí đại sứ thương hiệu có thể chia ra thành nhiều loại khác:
- Đại sứ trải nghiệm: gần tương đương với đại sứ nhãn hàng nói chung, là người đại diện phát ngôn, dùng tên tuổi cá nhân đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Đại sứ khách hàng: không có mối quan hệ hợp tác với nhãn hiệu, đưa ra đánh giá khách quan, thể hiện sự yêu thích sau khi tiêu dùng món đồ thời trang.
- Đại sứ chuyên gia: là những người có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực thời trang, đưa ra ý kiến đáng tin cậy về các mặt hàng.
- Đại sứ liên kết: hợp tác với thương hiệu trong một số chương trình, chiến dịch nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng, nhận hoa hồng trực tiếp từ doanh thu.
Nguồn: https://zingnews.vn/ngo-nhan-dai-su-thuong-hieu-post1420404.html