Người dại dột biến xung đột nhỏ thành hoạ lớn

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo DNSG.

—–

Kính gửi bác Dr Thanh,

Cháu viết thư này trong tâm trạng buồn bã và hoang mang. Vắn tắt thế này ạ: 5 đứa cháu cùng tuổi cùng lớp phổ thông, cùng làng, cùng trường đại học, và quan trọng nhất là cùng chí hướng lập nghiệp. Chúng cháu đã cùng nhau làm lễ “kết nghĩa  vườn đào” cùng nhau lập công ty. Nhưng chỉ được một năm thì mọi việc đang đứng trước nguy cơ đổ bể. Tất cả vì cái tôi của mỗi người, những cái tôi không chịu nhau…Chuyện là thế đấy bác ạ.

Bác kính mến ơi, hãy cho cháu một lời khuyên!

Lê Minh Hiền Thương (Huế): hienthuongminhle_1984@gmail.com

—–

Lê Minh Hiền Thương mến!

Vấn đề mà cháu nêu ra là một trong những điểm cực xấu của người Việt, nếu như có ai đó viết cuốn sách “Người Việt xấu xí” thì nên đưa chuyện cái tôi của người Việt vào để phê bình.

Dân gian có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” là để kêu gọi tinh thần hợp tác, đoàn kết của con người. Phải chăng vì thấy đây là điểm yếu của chính dân mình và cần phải khắc phục.

Dân gian còn có câu ”Một người Việt thắng một người Nhật, nhưng ba người Việt thì thua ba người Nhật”, đây cũng là một sự nhắc nhở.

Trở lại chuyện của cháu, và cũng giống như nhiều trường hợp khác, mới bắt tay nhau xây dựng doanh nghiệp thì “cắt máu ăn thề” như hảo hán Lương Sơn, nhưng được ba bữa thì không ai chịu nghe ai, ai cũng cho mình là nhất, ý kiến của mình là đúng. Dân Việt Nam còn xa lạ với dân chủ, tinh thần dân chủ không có nghĩa là mình được quyền nói mà phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Người Tây họ hợp tác với nhau rất tốt vì họ sống đúng tinh thần dân chủ.

Cách khắc phục là không bao giờ đánh giá đồng sự, người đồng sáng lập bằng cảm tính. Trong công việc, nên suy xét thấu đáo bằng con mắt khoa học, bằng ý chí sáng suốt. Làm ăn kinh doanh chung cũng giống như hôn nhân, chắc chắn có khi hai bên bất đồng quan điểm, nhưng nếu không nhẫn nhịn, lắng nghe nhau, thậm chí phải tha thứ cho nhau thì ra tòa sớm.

Nhưng cái cốt lõi của việc giữ gìn quan hệ, có thể dễ dàng thông cảm cho nhau nhất đó chính là sự trung thực và minh bạch. Để làm ăn chung được lâu dài thì phải tuyệt đối minh bạch về tài chính, trung thực trong thụ hưởng các quyền lợi, công bằng trong trách nhiệm. Chỉ cần một sự hoài nghi về lợi ích, thì cái tôi sẽ nổi dậy choán hết lý trí.

Không cảm tính trong ứng xử, nhưng sâu xa nhất, cao thượng nhất đó là tình thương yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. Bỏ qua những chuyện vụn vặt, hướng tới cái lớn lao, giúp nhau trưởng thành trong cảm xúc và suy nghĩ, đó là nền tảng cho sự vững bền.

Người dại dột làm cho xung đột nhỏ thành họa lớn, người thông minh biến chuyện lớn thành cái móng tay. Sự khác nhau ở đây không chỉ là trí tuệ mà còn là nhân cách.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *