Nguyên Nga – Hà Mai / Báo Thanh Niên
Không chỉ người lao động, doanh nghiệp cũng đang gặp khó trước cơn bão giá nguyên vật liệu. Chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải tính toán nhiều phương án để đạt được mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Bão giá càn quét, len lỏi… vào mỗi bữa ăn trưa của người lao động, không ít người cho biết đã chạy đến “hụt hơi” trên con đường mưu sinh kiếm sống…
Chạy hụt hơi theo đà tăng giá
“Làm gì có chuyện dư, nay cố gắng để không bị thiếu ăn là may rồi”.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lựu (quê Quảng Trị) là nhân viên bán hàng cho cửa hàng thời trang D.H trên đường Tân Thọ (Q.Tân Bình, TP.HCM) khi được hỏi mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Bà Lựu tính toán, lương trung bình mỗi tháng bà nhận 7,5 triệu đồng, trong đó bao gồm cả tiền cơm trưa. Tuy nhiên, trưa bà không ăn ngoài mà chạy về nhà trọ gần đó để ăn cơm cùng với cô con gái.
“7,5 triệu đồng cho cả 2 mẹ con bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học, tiền áo quần… Nếu ăn cơm bụi vào bữa trưa thôi, mỗi bữa cũng hết 60.000 đồng/2 hộp cơm. Nhưng nói vậy thôi, nếu về nấu không kịp, thỉnh thoảng mua một hộp cơm cho con bé kịp ăn đi học cũng mất 30.000 đồng. Mà “ác nhơn” chi lạ, hộp cơm bụi năm ngoái có 20.000 đồng, hồi sau dịch mới đi làm lại họ bán 25.000 đồng/hộp đã thấy cao, nay tăng lên 30.000 đồng/hộp luôn”, bà Lựu nói và tính toán: Tiền thuê nhà 2 triệu đồng; tiền mạng internet để con học online, tiền điện thoại và tiền điện nước hết hơn 1 triệu đồng; tiền học thêm, học ở trường của con gái gần 1 triệu đồng; tiền xăng xe cho mẹ đi làm và đưa con đi học hết 300.000 – 400.000 đồng, còn lại tiền ăn 2 mẹ con khoảng 3 triệu đồng trong 1 tháng.
Thực tế, vật giá leo thang quá chừng khiến người lao động và những doanh nghiệp nhỏ cực kỳ khó khăn, áp lực tiền bạc, giá cả mỗi ngày căng vô cùng
Bà Nguyễn Bính, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính
“Xăng ngày trước đổ 50.000 đồng một lần đi được 4 ngày, nay chạy 3 ngày đã hết. Trước thỉnh thoảng buổi sáng cho con 15.000 đồng mua ổ bánh mì, cả tháng nay cho ăn sáng toàn mì gói lẩu thái giá 6.200 đồng. Mẹ con lo “chắt bóp” trong khoản đó thôi, tháng nào hết sạch tiền tháng đó, khéo vén lắm vẫn thiếu trước hụt sau. Hồi học sinh đi học lại, phải vào trường mua cho con bé 2 bộ đồ đồng phục hết 460.000 đồng, may bà chủ cho 300.000 đồng cũng đỡ”, bà nói giọng chưa hết cảm kích.
Lao động tự do khó khăn đã đành, công nhân, nhân viên văn phòng cũng chật vật không kém. Đang công tác tại 1 công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế tại TP.HCM, Thùy Dung (25 tuổi, quê Bình Phước, trọ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chưa hết sốc vì bất ngờ bị cho thôi việc cách đây gần 1 tuần.
Dung kể giai đoạn cao điểm dịch năm 2021, công ty vẫn hoạt động bình thường. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, lấy lý do tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, nên công ty sắp xếp cho nhân viên luân phiên, chia ca làm tại nhà. Cuối tháng 2 vừa qua, trong thời gian Dung đang làm việc tại nhà thì quản lý trực tiếp gọi điện và bảo kết thúc hợp đồng lao động vì công ty thay đổi định hướng phát triển. Mỗi nhân viên bị cho thôi việc sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng để tìm công việc mới.
“Nghe nghẹn luôn. Mới lên lại Sài Gòn dự định ổn định việc làm lâu dài…”, Dung buồn bã bỏ lửng câu nói và cho biết, thất nghiệp đúng giai đoạn vật giá leo thang chóng mặt, dịch bệnh tăng cao trở lại nên cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó gấp bội đối với cô gái 25 tuổi này. Dung nói thêm: Thu nhập trước đây lương 8 – 9 triệu đồng/tháng, đóng tiền thuê nhà cộng điện nước hết khoảng 3 triệu đồng; thêm xăng xe đi lại, tiền điện thoại 500.000 đồng/tháng, chi phí cho ăn uống hết 4 triệu đồng… Tính ra, không dư dả được bao nhiêu. Thu nhập thấp, tiền phòng cao nên “phải cố gắng cân đối thu chi, tính toán cẩn thận vì tháng nào có đám cưới, tiệc tùng hay xe cộ hư hỏng là coi như xong, không còn đồng nào”, Dung nói.
Cùng tuổi, cùng quê và trọ cùng nơi với Dung, Mai Hương cũng đang trong những tháng ngày chật vật vì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Đầu năm 2021, Hương quyết định xuống TP.HCM làm việc sau 3 năm công tác tại Bình Phước. Vừa ổn định được chỗ ở và xin được công việc khá tốt thì dịch ập tới. Chưa kịp đi làm được ngày nào, Hương đã nhận thông tin “tạm thời ở nhà chờ, khi nào bớt dịch công ty sẽ liên hệ tới làm việc”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-lao-dong-lao-dao-truoc-bao-gia-post1434854.html