Lê Tấn Lộc – Báo Thanh Hóa
(Baothanhhoa.vn) – Chủ tịch Hội đồng quản trị TRISO Group Trần Đức Minh, biệt hiệu bạn bè thường gọi thân mật là Minh râu. Anh sinh ngày 27-7-1979, quê quán xã An Nông, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, là một doanh nhân trẻ của xứ Thanh. Anh có nhiều đặc biệt, từ khi học phổ thông là học sinh cá biệt, không đỗ vào lớp 10. Đến khi nhận ra lỗ hổng kiến thức, anh quyết tâm học lại kiến thức cơ bản và thi đỗ 3 trường đại học. Nhưng anh quyết định học Đại học Tài chính – Kế toán (nay là Học viện Tài chính), khoa Kế toán. Vào đại học, khi đang là sinh viên, anh đã có cách kiếm tiền mỗi tháng hàng nghìn đô. Chưa hết năm thứ tư, anh quyết định bỏ học đi kinh doanh…
Anh Trần Đức Minh (người đứng bên trái) và nhà thơ Lê Tuấn Lộc tại khu trồng sâm Báo xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc).
Trong số các doanh nhân trẻ xứ Thanh tại Hà Nội, tôi chỉ biết đại khái anh là Minh, giám đốc một công ty kinh doanh cái gì đó. Anh trẻ và để râu nên anh em gọi là Minh râu. Thế thôi.
Tình cờ, trong một ngày đại lễ, tôi không nhớ rõ. Tôi đại diện cho văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội lên tặng hoa và sách (cuốn ký văn học “Người xứ Thanh” của tôi) cho đại diện các doanh nhân. Minh râu nhận sách xong, nói ngay: “Nếu anh tiếp tục viết về người xứ Thanh, tôi sẽ tài trợ toàn bộ việc in sách. Hôm nào mời anh đến công ty tôi chơi cho biết. Rượu sâm Báo và cà phê sâm Báo mà Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội tặng anh hôm tết là của công ty tôi làm ra đấy”. Rồi anh gửi danh thiếp cho tôi, đồng thời hẹn ngày để tôi đến thăm. Từ hôm ấy, tự nhiên Minh râu làm tôi chú ý.
Từ tư duy: Luôn đi trước thời đại…
Minh râu kể: Tuổi thơ của tôi khá dữ dội. Từ năm lớp 10 về trước, tôi là một đứa trẻ rất nghịch ngợm. Hầu như tôi chỉ mải chơi. Mỗi lần bố tôi vào kiểm tra tôi học ở bàn là một trận đòn. Có lẽ cũng vì thế mà tôi “sợ” học. Năm thi vào THPT, tôi trượt thẳng cẳng. Lúc ấy, tôi mới tỉnh ra rằng: Phải học nghiêm chỉnh thì sau này mới trở thành người thành đạt được. Ngay từ bé, tôi cũng có khát vọng trở thành người thành đạt, nhưng làm cách nào để trở thành người thành đạt và thành đạt về cái gì thì tôi không biết được. Không cần bố tôi đốc thúc nữa, tôi quyết tâm học lại từ đầu kiến thức cơ bản vì mất gốc, học lại từ bảng cửu chương đến 7 hằng đẳng thức đáng nhớ trở đi. Cuối cùng tôi vượt qua được cái rào cản của cấp 2. Trong ba năm cấp 3, tôi nghiền nát 3 cuốn sổ tay toán, lý, hóa. Năm đầu tiên học bán công, sau hết lớp 10, tôi bỏ bán công thi luôn vào lớp chọn của Trường cấp 3 Triệu Sơn I. Lớp chọn của tôi học là lớp giỏi nhất Trường cấp 3 Triệu Sơn I Thanh Hóa lúc bấy giờ. Thi đại học, tôi được điểm cao nhất huyện và đỗ cả ba trường đại học (Đại học Tài chính – Kế toán, Đại học Công đoàn và Đại học Phương Đông). Bố tôi là cán bộ thuế huyện Triệu Sơn nên định hướng cho tôi học Đại học Tài chính để sau này nếu không xin được việc thì về quê làm thuế thay thế chỗ của bố tôi.
Chỉ còn 4 tháng là tốt nghiệp Học viện Tài chính (Học viện Tài chính thành lập năm 2001 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là Trường Đại học Tài chính – Kế toán, Viện Nghiên cứu Tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính – PV) nhưng tôi quyết định bỏ ngành Tài chính kế toán. Câu chuyện có nguyên do của nó: Tôi được cô giáo giao làm chuyên đề về kinh tế vĩ mô: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam. Sau khi nộp chuyên đề, cô giáo cho tôi điểm kém. Nguyên nhân là tôi đã lập luận: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam phải là doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân. Cô yêu cầu tôi làm lại thì sẽ chấm lại. Tôi nói tôi có quan điểm riêng của mình, cô giáo có quan điểm của cô giáo. Cô giáo không chấp nhận được lập luận của tôi và tôi cũng không sửa lại. Việc to gan ấy có khác nào tôi chống lại nhà trường. Đó là nguyên nhân tôi bỏ học ngành Tài chính kế toán, cho dù sắp tốt nghiệp. Tôi nghĩ: Nếu tiếp tục học sẽ lãng phí thời gian cho những kiến thức đã giáo điều. Thực ra, những kiến thức của cô giáo dạy trong bối cảnh bấy giờ là phù hợp vì giáo trình đào tạo là của Nhà nước và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Sách vở đều coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Mình viết trái bài giảng là mình sai nhưng mình đã nghĩ đến kinh tế tư nhân quá sớm, đi trước thời gian thì mình phải chấp nhận. Tôi có nhiều cái đi trước thời gian nên thất bại. Mười năm trước đây, công ty tôi đi lên bằng một sản phẩm duy nhất là Ancan – thực phẩm chức năng để chống ung thư, bệnh của thế kỷ XXI. Thực phẩm này có những chức năng như: Chống chất độc hại do con người đưa vào cơ thể sẽ gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, chống nguy cơ stress hàng ngày gây trầm cảm, bất an. Việc ăn quá nhiều thực phẩm đã chế biến công nghiệp làm cho hệ tiêu hóa quá tải do thực phẩm đã bị chuyển hóa. Từ 2008, công ty tôi đã đưa ra thực phẩm chức năng Ancan là để hạn chế những nguy cơ trên và chống ung thư. Nhưng 10 năm trước đó là xa xỉ, viển vông để chống bệnh ung thư nguy hiểm. Mình đi sớm quá mình vất vả. 5 năm trời tôi lỗ hàng chục tỷ đồng với sản phẩm Ancan. Bán đất, bán nhà để duy trì sản phẩm đi trước thời đại của mình. Đến bây giờ công ty đã có lãi vì có nhiều khách hàng nhưng ngày trước ai nghĩ đến phòng bệnh ung thư, ai nghĩ đến thực phẩm chức năng. Khi bệnh đã nặng rồi mới chữa thì đổ tiền tỷ mà vẫn chết người. Cũng như 16 năm trước, tôi nói động lực kinh tế là tư nhân nhưng lúc đó kinh tế tư nhân chỉ được coi là con buôn, là tư bản.
Lý do thứ hai tôi bỏ học đại học vì lúc bạn bè đang học thì tôi đã đi làm thêm và kiếm được hàng nghìn đô. Khi bạn bè ra trường chưa xin được việc, thu nhập của tôi đã là 2.000 USD/tháng. Tôi nghĩ làm kinh doanh sẽ kiếm được nhiều tiền và nếu làm doanh nghiệp tôi sẽ làm giàu cho đất nước hơn. Sau đó tôi mới thấy quyết định đó là chính xác. Tập đoàn của Pháp mà tôi làm cho họ, chuyên về thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe. Lúc được tự do kinh doanh, tôi thấy như con cá được thả xuống nước. Nước ngoài họ chỉ quan tâm đến hiệu quả chứ không quan tâm đến bằng cấp.
Nhưng khi tôi về quê, nói đến bỏ học đại học, bố tôi và các em của tôi rất buồn. Mỗi bữa cơm là mỗi lần chan nước mắt. Mọi người chỉ một mực thuyết phục tôi: Học hết đại học đi, mọi việc kinh doanh tính sau. Tôi nói với bố: Con đã lớn và đã tự quyết định được tương lai. Xin bố cho con thời gian. Bố tôi chỉ nín lặng…
… đến doanh nhân thành đạt với thương hiệu TRISO Group
Tôi làm ở công ty nước ngoài đến năm 2007 thì đi nước ngoài du lịch đến Brazil. Người nước ngoài hỏi tôi: Anh từ đâu đến?. Tôi tự hào trả lời: Tôi đến từ Việt Nam. Họ lắc đầu, không biết Việt Nam ở đâu. Ngồi trên máy bay về tôi nghĩ: Mình đang đi làm giàu cho nước ngoài và chính mình đang làm nghèo đất nước mình. Vì các nước nhập sản phẩm thô của mình, chế biến thành sản phẩm tinh, lại đem bán cho mình. Giá dược liệu rẻ như cho không, như củi đun. Tôi nung nấu ý muốn thành lập một tập đoàn để làm giàu giống như các tập đoàn DAEWOO (Hàn Quốc), TOYOTA (Nhật Bản)…, lúc đó con cháu mình ra nước ngoài sẽ tự hào về thương hiệu Việt Nam. Sau đó một năm, tôi thành lập công ty mới. Anh biết tôi đặt tên công ty là gì không. Quê tôi ở Triệu Sơn, tôi đặt tên công ty là Công ty Triệu Sơn, viết tắt là TRISO. Đặt tên thế để bắt buộc tôi phải thành công. Nếu không thành công, tôi sẽ không còn đường về quê. Công ty tôi có lĩnh vực chế biến thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe. Nước mình có mấy nghìn năm y học cổ truyền, có hàng nghìn cây, con có thể chế biến thuốc. Cây dược liệu thì bán đổ bán tháo. Người dân nằm trên đống thuốc mà khóc. Y học cổ truyền Việt Nam không ai biết đến. Tôi quyết định khởi nghiệp bằng sản phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe và làm đẹp cho con người bằng cách chế biến các dược liệu quý của Việt Nam. Tôi sẽ làm cho TRISO thành thương hiệu toàn cầu.
Từ năm 2008 đến nay, tôi đã tiến xa nhưng vẫn là nền móng cho khát vọng toàn cầu của tôi. Tôi gọi dược liệu Việt Nam là “vàng xanh”. Than là “vàng đen”, càng khai thác càng cạn kiệt, nước là “vàng trắng” nhưng cũng có giới hạn. Dược liệu, càng khai thác càng phát triển. Dược liệu cần cho con người. Cây nghệ, một vài củ, ăn thua gì, trồng nhiều bán sẽ có USD, rau má ăn bình thường rẻ lắm nhưng chế biến thành thuốc thì lại quý, bán khắp thế giới. Cách đây 1.000 năm, ai biết cây sâm Báo là gì đâu. Nếu anh không gặp tôi anh cũng không biết cây sâm Báo là gì. Tới đây, nó sẽ thành cây công nghiệp, thành tiền hết. Tôi đặt nền móng cho sản phẩm này, cho tập đoàn này không phải là 5 năm hay 10 năm, đích đến là thương hiệu cho toàn cầu. Công ty thành lập từ năm 2008, đến năm 2012 đã có sản phẩm Ancan – sản phẩm đầu tiên của tập đoàn (sản phẩm này nghiên cứu 4-5 năm). Thế kỷ XXI, con người đối mặt nhiều vấn đề sức khỏe, ăn uống không hợp vệ sinh, độc hại nhiều dẫn đến ung thư. Thực phẩm chức năng Ancan là để phòng chống ung thư. Sáu năm liền, tôi lỗ ròng, bán 3 mảnh đất trong Sài Gòn chỉ nuôi “đứa con” Ancan này. Giá trị cụ thể là những bệnh nhân từ cõi chết trở về.
Làm từ thiện thì từ khi khởi nghiệp tôi đã làm rồi chứ không phải gần đây mới làm. Tháng nào cũng đi thăm, tặng quà bệnh nhân nghèo ung thư, các cháu nhà nghèo học giỏi, tặng nhà tình nghĩa, cứu trợ miền Trung lũ lụt… Riêng xã tôi, xã An Nông, quỹ khuyến học tôi có đóng góp riêng. Dòng họ nội, ngoại tôi đều có quỹ, dòng họ Trần Việt Nam tôi cũng có đóng góp. Tâm nguyện trước khi tôi mất là có 200 triệu USD giành cho Quỹ Phát triển Việt Nam (giống như quỹ Nobel), lấy lãi chia cho 3 hoạt động: dùng tích vào gốc; nuôi bộ máy người quản lý quỹ; trao giải thưởng cho người xứng đáng nhất của năm về một thành tựu nào đó hay vì lý tưởng nào đấy.
Minh râu nói: Các bạn trẻ có cách vào đời của các bạn. Còn tôi, tôi chọn cách vào đời riêng của tôi: Học cách kinh doanh bằng trồng dược liệu và tạo thực phẩm chức năng Thanh Hóa quê tôi. Còn đi học, tôi không nói là tôi bỏ học mà tôi chọn cách học mang tính thực tiễn, học cách kiếm tiền nhanh nhất.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/nguoi-mang-thuong-hieu-triso-group-vuon-xa/179569.htm