Trầm Hương (Nhà văn)/ VnExpress
Sống giữa lòng thành phố hàng chục năm qua và từng tiếp xúc với hàng trăm con người để viết tiểu thuyết “Đêm Sài Gòn không ngủ”, tôi không có xúc cảm gì đặc biệt khi lướt qua con số thống kê về kết quả của hơn 20 năm thực hiện chính sách vận động hiến đất mở hẻm.
Hơn 5,3 triệu m2 đất, trị giá hơn 10.000 tỷ đồng đã được 168.000 hộ dân đóng góp vào việc chung.
Nhưng chuyện này dường như khó tin với những người ở bên ngoài thành phố, đặc biệt là tại những nơi người dân vẫn luôn tìm mọi cách lấn từng cm đất công. Nhiều người hỏi tôi “nguyên nhân sâu xa là gì, tại sao TP HCM làm được điều khó khăn đó”.
Nếu hiểu lịch sử mảnh đất này, bạn sẽ không cảm thấy khó lý giải. Sự hào sảng, nghĩa khí người Sài Gòn có nguồn gốc sâu xa từ những lưu dân đặt nhát cuốc đầu tiên khai phá mảnh đất hoang sơ, đầy thú dữ để có Sài Gòn – Gia Định, có TP HCM trù phú như ngày nay.
Đầu những năm 2000, khi khởi sự tìm tư liệu để viết “Đêm Sài Gòn không ngủ” về Mậu Thân 1968, tôi đã gặp từ các chiến sĩ tình báo, nhân sĩ trí thức cho tới những người dân thường làm nên lịch sử thành phố này. Tôi rung cảm đặc biệt với những thân phận “cò”, “vạc” làm nên chiến công huyền thoại của Biệt động Sài Gòn. Tôi cũng tự hỏi điều gì đã giúp cho những “cò”, “vạc” ở Sài Gòn làm nên bản anh hùng ca bất tử. Và rồi, tôi – một “con vạc” từ Bến Tre lên Sài Gòn lập thân, lập nghiệp – nghiệm ra rằng, chính tính cách thân thiện, hào hiệp, bao dung, công bằng, chí thú làm ăn của người Sài Gòn đã cưu mang những anh hùng, những khát vọng bứt phá, vượt rào.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – người chỉ huy Cụm Tình báo chiến lược A.18 – H.63 kể, khi xâm nhập nội đô Sài Gòn, ông được gia đình bà Nguyễn Thị Yên Thảo cưu mang, hết lòng che chở. Cha Tám Thảo bộc bạch với ông: “Nói thiệt với con, vốn ba hiện nay, ngoài nhà cửa và sạp vải Tân Mỹ ở chợ Bến Thành, tiền gởi ngân hàng tính ra cũng hàng ngàn cây vàng. Nếu giặc bắt con trong nhà thì ba trắng tay. Gia đình, tài sản không còn gì, con cháu không được đi học nữa, nhiều người phải vào tù… Nhưng ba thương con, thương cách mạng. Ba tin cách mạng sẽ thành công. Con cứ yên tâm ở đây mà làm việc cho cách mạng, có gì bất trắc ba chết, con mới chết”.
Đêm Mậu Thân 1968, trên căn gác ngôi nhà 136B Gia Long, ông đã bắn phát đạn chia lửa cùng đội 5 biệt động đánh vào Dinh Độc lập và bị vây bủa. Địch lùng sục từng ngóc ngách ngôi nhà nhưng ông được cứu sống bởi sự bình tĩnh, mưu trí của Tám Thảo. Nơi ông ẩn nấp cũng do tay chủ nhân ngôi nhà cưa đục trên tầng áp mái.
Trong chiến tranh, những bà má ở mảnh đất này hiến cả nhẫn cưới, bông tai cho Tuần lễ vàng. Kháng chiến chống Pháp, người dân lại hiến mâm đồng, lư đồng… đúc làm vũ khí đánh giặc.
Bạn có thể cự nự với tôi, chiến tranh là bối cảnh đặc biệt, cả nước đồng lòng hy sinh, cứ gì người Sài Gòn. Nhưng chiến tranh qua đi, thời bình, người Sài Gòn vẫn giữ được tấm lòng nghĩa hiệp ấy, bởi nó có thể là căn tính đã thấm sâu vào máu thịt con người nơi đây.
Tôi kể thêm bạn nghe, ở Sài Gòn có nhà tư sản dân tộc Bùi Duy Cận – người sáng lập hãng sơn Bạch Tuyết, đã giúp hàng ngàn lượng vàng cho cách mạng. Sau Ngày Thống nhất, ông Cận sang Pháp chữa bệnh, đã ủy nhiệm cho người cháu, hiến toàn bộ tài sản và hướng dẫn cách sản xuất sơn Bạch Tuyết cho cách mạng.
Sài Gòn cũng có những đại trí thức mang tài sản ra hiến cho cộng đồng, bồi đắp cho lợi ích chung. Giáo sư Trần Văn Giàu, Bí thư xứ ủy Nam kỳ những năm 1940, từng bán căn nhà số 70, đường Phạm Ngọc Thạch, lấy 1.000 lượng vàng gửi ngân hàng để làm Quỹ Trần Văn Giàu, tặng cho những công trình xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, sử học về Nam Bộ.
Ông Năm Đông, tức cựu Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Dương Quang Đông, cũng bán một căn nhà, dành 40 cây vàng ủng hộ miền Trung trong đợt lũ lụt năm 1999 – hơn ba năm trước khi ông qua đời ở tuổi 101.
Sau này, với công việc của một chuyên viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ở TP HCM, tiếp xúc với những câu chuyện về nhiều bà má giữa đời thường, tôi hiểu rằng, tính cách hào sảng là điểm chung rất dễ thấy của người Sài Gòn, không riêng ở những người học rộng biết nhiều. Người dân ở đây quen đặt lợi ích của mình vào lợi ích chung, “nghĩ cho bà con nữa”, như cách họ thường nói.
Vậy thì sá gì chuyện hiến đất mở hẻm. Tôi cho là nhiều người Sài Gòn cũng suy nghĩ đơn giản vậy thôi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Lòng hào hiệp của người Sài Gòn đã không bị đặt sai chỗ. Chủ trương hiến đất mở hẻm thành công trước hết bởi nó là một ý tưởng xuất sắc, xuất phát từ việc nghĩ cho dân, vì lợi ích của dân. Những con hẻm được mở rộng, mang lợi đủ đường: Giúp đi lại thuận tiện, hạn chế ngập úng, giúp xe cứu thương, cứu hỏa vào tận nơi; khiến giá nhà đất về lâu dài sẽ tăng lên…
Dân hiến đất, nhà nước thêm tiền của, bền bỉ dày công vận động, tạo nên những cuộc đối thoại hơn 20 năm qua, như tôi thấy, vẫn đầy khúc mắc, trăn trở; nhưng thể hiện rõ sự chung tay, một lòng, cùng mục đích; rất khác với những cuộc đối thoại “hai lòng”, nhiều nước mắt ở Thủ Thiêm.
Trong tổng thể việc kiến tạo một đô thị, hiến đất mở hẻm có lẽ vẫn chỉ là chuyện nhỏ; nhưng nó mở ra những nhận thức lớn lao. Mở hẻm là câu chuyện về cách để “mở lòng” dân và “mở rộng” tư duy của nhà làm chính sách.
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-sai-gon-hao-sang-4491524.html