Nhớ lần công đoàn công ty tổ chức tặng quà cho bọn trẻ Nhà Tình thương ở một vùng ven. Trước tiên, tôi tra Google đọc hết trang này qua trang kia rồi hô hào quyên góp để mua truyện tranh với sách vở, bút chì màu, và con nít thì dĩ nhiên không thể thiếu bánh kẹo.
Đến ngày, có mấy bà mấy cô dắt con cháu đi theo để các cháu được học cách chia sẻ. Thế rồi khi hồ hởi bưng mấy thùng quà qua cổng ai cũng chưng hửng vì trẻ em ở đó phần lớn còn bú bình! Vậy, lẽ ra nên đem sữa tới mới đúng. Nhưng…
Trên đường về, cả đoàn xúm vô trách móc tôi tìm hiểu thông tin kiểu gì mà khiến công sức mọi người thành công cốc. Thì ra có nhiều nơi dùng tên gọi Nhà Tình thương mà tôi đã tra nhầm địa chỉ. Tôi ước gì mình có thể sửa sai được.
Có lần bạn bè rủ nhau đi picnic. Phân công vợ chồng tôi chuẩn bị thức ăn, cặp kia là thức uống, cặp nọ là phao bơi cho mấy đứa nhỏ. Đi chơi thì chủ yếu là vui và có dịp cho bọn nhỏ chạy nhảy thỏa thích giữa thiên nhiên, ăn uống giản tiện cho khỏe. Vậy nên tôi chọn xúc xích, chả lụa và thêm món thịt ba chỉ luộc cuốn rau sống dưa leo.
Khi lên xe tôi còn kiểm tra lại cái túi xem có đem theo mấy trái ớt không, phải cẩn thận để ớt riêng vì sợ bọn nhỏ không ăn cay. Đến giờ ăn, bày biện mọi thứ ra xong thì mới phát hiện quên hũ nước chấm chua ngọt ở nhà! Món nào quên nước chấm còn được, chứ bánh tráng cuốn mà quên nước chấm thì…
Tôi là một người đàn bà hậu đậu vậy đó.
2. Tuổi ba lăm mà còn mơ tưởng điều ước là rất kỳ khôi, tôi biết vậy. Nhưng có nhiều lần kẻ hậu đậu là tôi ước được quay trở lại ngày hôm qua.
Vợ chồng gốc gác ở tỉnh, về thành phố học hành rồi gặp nhau yêu nhau, rủ nhau góp gạo nấu cơm chung mấy năm trước khi chính thức cưới, tưởng chẳng còn gì chưa hiểu về nhau, tưởng đã thấu chân tơ kẽ tóc cả điều dở lẫn điều hay. Vậy mà…
Lần chuyển chỗ trọ đầu tiên sau cưới, khi đó tôi ở chung phòng với hai người bạn. Lý do chia tay để theo chồng diễn ra rất vui vẻ, tôi gói ghém đồ đạc của riêng mình nhét vô hai cái thùng chất lên taxi, là xong.
Cuộc sống gia đình không đơn giản vậy. Căn phòng trọ mười hai mét vuông dần chật chội hơn vì nay thêm cái cối xay thịt, mai thêm cái kệ để chén bát, rồi thì kệ giày dép và tủ đựng áo quần… Đến khi em bé chào đời thì thêm cái tủ đựng khăn lông, tã lót…
Nền nhà thì có thêm cái nôi và tấm nệm cuộn tròn vào ban ngày cho gọn, còn ban đêm trải ra giữa lối đi làm chỗ ngủ cho bà ngoại từ quê lên chăm con gái nằm ổ. Bà ngoại tạm bợ thì cũng đành vì bà chỉ giúp chăm cháu vài ba tháng, nhưng cu Bi lớn thêm một tí nữa thì thật sự cần một căn phòng rộng hơn thoáng hơn.
Chuyển trọ vào ngày cuối tháng mà không phải là Chủ nhật nên lu xa bu, từ tối hôm trước tôi đã phải đóng gói đồ đạc bếp núc, sáng dậy sớm đóng gói tiếp chăn gối mùng mền, áo quần, giày dép…
Người ta nói quét nhà ra rác, còn tôi thì dọn nhà ra rác. Đúng vậy, những thứ thường ngày không dùng đến nhưng bỏ đi thì tiếc nên cứ nhét đại đâu đó giờ đây trở thành rác bởi lẽ chẳng ai mất công đóng gói vô thùng rồi phải tốn tiền thuê xe chở đến nơi mới để rồi không dùng tới; giày dép hơi cũ hơi rách một chút để dành đi mùa mưa giờ đây cũng thành rác… Vô số rác kiểu như vậy ngổn ngang khắp phòng khi vợ chồng tôi rời đi.
Bình thường thôi. Vì khi chuyển tới chỗ mới, tôi cũng nhìn thấy ngổn ngang rác. Bà chủ trọ luôn miệng xin lỗi vì tôi có con mọn chỉ mong được vô phòng ngay mà bà thì đang còn dọn dẹp chưa xong. “Cứ mỗi lần khách trả phòng là tôi phải mất cả ngày lau dọn” bà vừa phân bua vừa quơ tấm rèm cửa sổ rách lỗ chỗ vứt vô sọt rác lổn nhổn những chai hũ nhựa móp méo và mấy món đồ chơi sứt sẹo.
Tôi có thêm em bé và lại chuyển chỗ rộng hơn. Ba lần chuyển trọ đều như vậy. Không có gì đáng kể ra đây nếu không có lần thứ tư khác biệt.
Đó là căn hộ hai mươi lăm mét vuông nằm trên tầng năm của một chung cư cũ không có thang máy. Vợ chồng tôi chọn căn hộ này vì nó gần trường tiểu học và trường mẫu giáo, tiện việc đưa đón con. Chủ nhà ở xa, chúng tôi biết địa chỉ này trên mạng và sau đó liên lạc qua điện thoại. Thông tin là vào ngày đó khách cũ trả phòng, chúng tôi đến nhận chìa khóa.
Vừa leo lên năm tầng lầu tôi vừa nghĩ thầm, không có chủ nhà ở đây thì tự mình phải dọn dẹp sao? Quá ngán. Rồi tôi nhìn thấy cánh cửa đóng kín và mẩu giấy ghi dòng chữ “xin vui lòng gõ phòng bên cạnh để lấy chìa khóa”.
3. Bước vô phòng, tôi chờ đợi nhìn thấy rác ngổn ngang. Nhưng không…
Trần nhà được quét mạng nhện sạch sẽ, nền nhà không tí rác nào. Khu vực bếp cũng được lau dọn tươm tất, chỉ một vài chỗ bẩn mà con mắt nội trợ tôi nhận ra đó là vết ố lưu cữu không thể chà rửa được. Đáng nói là trên bàn có một cái dĩa đựng mấy trái cam và bình hoa cúc. Một phong thư bên dưới lọ hoa.
Thư viết tay, nét chữ phụ nữ mềm mại “Chào khách trọ mới. Leo cầu thang năm tầng lầu chưa quen nên hẳn là bạn mệt lắm, hãy nhấm nháp múi cam cho khỏe. Đây là căn hộ may mắn, từ ngày ở đây mình có được vài thành công đáng kể. Phải chuyển đi vì công việc mới ở quá xa. Chúc bạn được nhiều niềm vui khi sống nơi này”.
Lá thư và sự sạch sẽ tinh tươm khiến vợ chồng tôi cảm động; bao nỗi lo lắng khi đến nơi mới trở nên nhẹ nhàng. Tôi chợt nghĩ tới căn phòng mình vừa rời đi với nỗi áy náy và hối tiếc. Những người khách mới đến hẳn đang quay mòng mòng dọn dẹp và chắc là đang cãi cọ vì mệt quá. Nếu được quay trở lại ngày hôm qua, tôi sẽ bắt chước người phụ nữ này, lau dọn sạch sẽ và để lại một lá thư thân tình chào đón.
Nghĩ trong lòng vậy thôi, rồi thời gian và công việc thường nhật cuốn tôi đi. Cho tới một buổi chiều đi làm về, tôi nhìn thấy chồng mình và ông hàng xóm đang trò chuyện vui vẻ trên hành lang.
Thấy tôi, cả hai im lặng, chỉ cười cười thôi. Mấy lần như vậy, tôi mới biết là chồng mình hay hỏi thăm về người phụ nữ ấy. Rồi tôi chợt nhận ra dạo này chồng thích ăn cam!