Người Tân Hiệp Phát yêu: Rộng lượng để yêu thương và xây nghiệp lớn

Lâm Bình Thực hiện/ Báo ANTĐ

40 năm với lịch sử như cái chớp mắt, với đời người là cả một thế hệ sinh ra, lớn lên, kế tục sự nghiệp của thế hệ trước. Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày cưới của 2 nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) là ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ, cuộc phát động với chủ đề “Người THP yêu” đã đưa ra thông điệp yêu thương gần gũi: “Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở ngay trong nhà mình. Nếu tìm được sự cảm thông, biến người bạn trăm năm thành người bạn chia sẻ mọi vui buồn thì đó chính là hạnh phúc”. Cùng An ninh Thủ đô trò chuyện với nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, con gái cả của 2 nhà sáng lập Tập đoàn THP.

– Phóng viên: Sáng kiến tổ chức “Người THP yêu” sẽ góp phần làm bớt đi những vỡ tan hạnh phúc vì chưa đủ độ lùi, độ thấm thía sau cùng với người bạn đời ở trong mỗi gia đình? 

– Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương: Nói bớt đi những gia đình vỡ tan chỉ là một phần ngọn của vấn đề. Tôi nghĩ, cái gốc của vấn đề là văn hóa gia đình. Trong cuộc sống gia đình, nhìn chung có 3 trạng thái: im lặng, tiêu cực và tích cực (yêu thương). Nếu không thể hiện được ra những yêu thương, vậy chỉ còn lại trạng thái im lặng và tiêu cực (cằn nhằn, nghi ngờ, thậm chí xung đột…). “Người THP yêu” còn có thể là nơi bạn chia sẻ để thể hiện khả năng và thực hành khả năng lãnh đạo của mình ngay trong mỗi gia đình. Ở đó, mỗi con người thể hiện biểu cảm một cách tự nhiên. Đó là hình mẫu của người lãnh đạo thế hệ mới mà chúng tôi hướng đến.

– Lúc đọc “Chuyện nhà Dr.Thanh”, cảm xúc xâm chiếm độc giả dường như là cảm giác một gia đình không hạnh phúc. Sự khô khan, lạnh lùng của người cha như mây đen che mờ tình cảm gia đình. Phải mất bao nhiêu lâu, Uyên Phương nhận ra hạnh phúc hàm chứa trong một gia đình tưởng chừng như có thể vỡ tan ngày ấy? 

– Tưởng chừng như tan vỡ và tan vỡ là 2 sự thật rất khác nhau. Tôi vẫn luôn tin ở đâu đó và nhất là từ má tôi là ba rất yêu thương gia đình. Sự quan tâm và sự lạnh lùng luôn tồn tại trong gia đình tôi và nó chính là điều tôi thấy mơ hồ. Nhưng má tôi luôn tin vào ba tôi. Và khi má tôi chia sẻ, đạp đổ thì dễ, còn cái gì xây cũng khó thì tôi hiểu tình yêu mà ba má tôi dành cho nhau rất lớn.

– Nhưng người Á Đông thường ngại sẻ chia cuộc sống gia đình ra bên ngoài. Để ai cũng chia sẻ chuyện của nhà mình, điều đó khó đấy!

– Khó, nhưng tôi hy vọng nếu Dr.Thanh mà làm được, thì ít nhất cấp giám đốc khối, sau đó là cấp quản lý ở Tập đoàn THP sẽ làm được. Và tôi muốn lan tỏa từ đại gia đình THP một văn hóa khác. Theo đó, những con người THP rộng lượng hơn, yêu thương hơn và trách nhiệm hơn từ gia đình nhỏ của họ đến gia đình lớn THP và cùng tạo ra giá trị tích cực cho những người xung quanh, bao gồm cả khách hàng. 

– Cũng vì quá hiểu tận tường nhau, nên vợ chồng lại có thể ở 2 đầu “chiến tuyến” khi  đã quá xa cách nhau –  như câu chuyện một gia đình doanh nhân khác ly hôn trong sự rầm rĩ. Uyên Phương nghĩ sao, nếu ở vào tình huống đó thật khó hàn gắn họ?

– Không ai có thể hiểu ai tường tận. Tôi tin lời cam kết trăm năm là có thật. Dù giận nhau đến mấy, nếu cả hai đều muốn giữ lời giao ước hôn nhân đó thì họ sẽ có cách và có trách nhiệm biến tất cả những điều không thể thành có thể. Ba má tôi cũng thế.

– Hãy ngừng lại một phút, nghĩ về người bạn đời của mình, điều tưởng dễ mà quá khó trong cuộc sống hiện đại với đủ thứ chi phối và cám dỗ. Có vẻ Uyên Phương từng trải khi yêu nên mới có suy nghĩ và kêu gọi như vậy?

– 15 năm với THP, tôi học được rất nhiều, từ sự quan sát, sự chia sẻ, sự lắng nghe những khó khăn trong hôn nhân của các anh chị em THP. Từ “từng trải” sẽ không đúng cho tôi. Nhưng tôi nhìn thấy trải nghiệm và học hỏi từ cuộc hôn nhân của ba má tôi dành cho nhau. Tôi thấy ba má tôi 40 năm qua đã nỗ lực từng chút một để giữ nhau và thật sự rộng lượng để yêu thương và chấp nhận nhau đến hiện tại. Tôi mong đợi những anh chị em ở THP cũng sẽ làm được như vậy. Câu trả lời của má tôi khi được phỏng vấn: “Nếu có một điều bà muốn ông Thanh thay đổi, đó là điều gì”. Thật sự, câu trả lời của má đã giúp tôi tự trả lời nhiều câu hỏi cho bản thân tôi. Quý vị có thể chờ xem vào ngày thứ bảy (6-7-2019), kỷ niệm 40 năm ngày cưới của ba má tôi.

– Nếu như ông Thanh nhanh chóng thay đổi như bà Nụ muốn thì chắc gì hạnh phúc bền lâu được như ngày hôm nay? Cả ông Thanh và bà Nụ đều là những con người kiên định, rất kiên định mà.

– Thay đổi hay thích nghi là khả năng mà trong mỗi người ai cũng có. Nhưng thay đổi ở mức độ nào lại tuỳ vào mỗi cá nhân. Cuộc sống lại là sự tiến triển nên đòi hỏi khả năng thích nghi nhanh và liên tục. Sau 40 năm là 50 năm, 60 năm… Chặng đường phía trước vẫn là thách thức. Hai cá nhân muốn đạt được mục tiêu chung với ước mơ cá nhân hòa quyện vào ước mơ chung, thì chính người trong cuộc phải lớn hơn, yêu thương hơn và rộng lượng hơn. Theo tôi, đó là một quá trình 2 cá nhân liên tục thích nghi, liên tục phát triển để tạo ra hạnh phúc cho người mình yêu thương và một gia đình hạnh phúc.

– Nếu như Dr.Thanh ngày ấy không khắc nghiệt như thế thì chắc gì đã có Uyên Phương, Ngọc Bích và Quốc Dũng thành công ngày hôm nay. Có phải vậy không?

– Như ba tôi vẫn chia sẻ, để thành công thì cần được trui rèn, dạy dỗ. Mà đã là trui rèn dạy dỗ thì đó là quá trình khổ luyện. Không ai khổ luyện trong sự êm ái cả. Ba tôi rèn 3 người con như nhau. Và ai có năng lực hơn thì càng vào vòng khổ luyện cao hơn, đó chính là má tôi (cười).

– Trời ơi, mẹ cũng vào vòng khổ luyện mà cha đặt ra ư?

– Đó là cách ba tôi yêu. Yêu theo cách Dr.Thanh (cười). Yêu là mong muốn họ tốt hơn, giỏi hơn, kiên cường hơn và bản lĩnh hơn. Yêu là không muốn nhìn thấy họ ngây thơ hay ngu ngơ trước cuộc sống đầy cám dỗ. Thà họ đau trong vòng tay mình, cái giá họ trả vẫn nhẹ hơn của cuộc đời bắt họ trả giá.

– Dr. Thanh hẳn là một người đàn ông đặc biệt, hào hoa và nhiều phụ nữ si mê. Bà Nụ đã giữ chồng thế nào để không được “thoát ly” khỏi gia đình? 

– Câu nói bất hủ của má tôi: “Lạt mềm buộc chặt”. Đem con cái ra bù lu bù loa có khi lại là một trong những giải pháp mất chồng nhanh hơn. Tôi có câu nói đùa với ba mình rằng: “Nếu con mà được 10% của má, chắc chồng con sẽ là người hạnh phúc lắm”. Ba tôi lạnh lùng đáp: “Con tìm được người đàn ông bằng 10% như ba đi, rồi hẵng nói” (cười).

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương: Tôi thấy ba má tôi 40 năm qua đã nỗ lực từng chút một để giữ nhau và thật sự rộng lượng để yêu thương và chấp nhận nhau đến hiện tại.

– Lời nhắc nhở chăm sóc hạnh phúc gia đình mình, đừng nại ra lý do “cần gì làm thế, vợ chồng mà”. Rất đúng, nhưng nhiều khi, người bạn đời muốn chăm sóc nửa kia của mình đặc biệt hơn, thì lại bị nghi ngờ rằng, hay là có điều gì sai trái nên cần phải chuộc lỗi đây…

– Suy nghĩ thông thường đều cho rằng, hễ cái gì là của mình thì mình sẽ quên giữ gìn và chăm sóc, cho đến khi nó thật sự bị đe doạ hay mình nhận thức nó sắp mất đi thì lại muộn mất. Ví dụ: bố mẹ, sức khoẻ… Tôi hiểu, cái khó khi thể hiện và vượt qua rào cản văn hóa nên muốn thông qua câu chuyện tình yêu của Dr.Thanh để truyền cảm hứng. Và đây là lý do để tạo bối cảnh cho mọi người xung quanh dễ tham gia, nhìn thấy nó nhẹ nhàng hơn khi càng ngày càng đông người muốn thể hiện, chia sẻ. Câu chuyện của mỗi cá nhân xúc động vì đó là sự thật, không màu mè, không tô vẽ. Nó xúc động vì họ vượt qua được bản thân để làm cho người bạn đời của mình hạnh phúc.

– Trong Tập đoàn THP có nhiều cặp vợ chồng nên duyên? Họ có được hưởng chế độ gì hay sự khuyến khích đặc biệt nào không?

– Tập đoàn THP chúng tôi không khuyến khích vợ chồng làm cùng 1 bộ phận hay 2 bộ phận có hưởng lợi ích qua lại. Đó lại là mâu thuẫn lợi ích. Ngoài điều đó, tại THP cũng là nơi kết duyên của nhiều cặp vợ chồng. Chúng tôi không có sự khuyến khích đặc biệt nào. Nhưng chúng tôi nhận thấy họ đồng điệu vì tìm thấy những con người có cùng giá trị cốt lõi. Và riêng văn hóa THP, nếu ai là những người thành công tại THP khi ra đi họ rất quyến luyến và luôn giữ liên lạc vì họ thích môi trường, thích văn hóa. Chỉ trừ những người thất bại và không thích nghi được tại THP, họ sẽ có thể bị sốc hay phản ứng ngược vì họ quen bình yên, không quá nhiều áp lực.

– Cũng đã nghe và biết Uyên Phương đã dành tình yêu và cưới THP. Nhưng vẫn hỏi, sau khi đã cưới, Phương đã chăm sóc người mình yêu và giữ lại người ấy như thế nào?

– Điều tôi vẫn làm là tìm ra những điểm cải tiến để THP đi nhanh hơn, gần hơn tới tầm nhìn và giữ vững sứ mệnh, giá trị cốt lõi thông qua cá nhân tôi. Tôi tạo ra môi trường, giúp mọi người hiểu hơn, chia sẻ hơn về cơ hội mình đang có tại THP. Khát khao nhìn thấy THP thành công cũng chính là nhìn thấy từng cá nhân của THP thành công. Và đó cũng là một trong những lý do cho chương trình “Người THP yêu”.

– Hạnh phúc của đôi uyên ương 40 năm ấy đã tạo nên THP ngày nay. Cảm ơn Uyên Phương và chúc hạnh phúc mãi bền lâu trong mỗi gia đình Người THP. 

NGUỒN:  Theo Báo An Ninh Thủ Đô

Link bài: “Người Tân Hiệp Phát yêu”...

(https://anninhthudo.vn/con-duong-khoi-nghiep/nguoi-tan-hiep-phat-yeu-rong-luong-de-yeu-thuong-va-xay-nghiep-lon/815082.antd)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *