Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—–
Từ xưa đến nay, trình độ giảng dạy của người thầy luôn là yếu tố quyết định chất lượng của nền giáo dục.
Có thầy tốt, sẽ có trò giỏi
Trong chế độ phong kiến, người thầy được gọi là sư phụ, nghĩa là họ như người cha chỉ dạy, dẫn dắt học trò bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình. Trong chế độ đó, người thầy chỉ xếp sau nhà vua, theo thứ tự quân, sư, phụ. Còn người thầy ngày nay được đào tạo bài bản trong trường sư phạm, có tri thức, có phương pháp dạy học và kỹ năng giáo dục.
Nhưng, người thầy ở thời nào cũng phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, yêu thương học trò, là gương sáng cho học trò.
Trong nền giáo dục hiện đại, tôi cho rằng, có hai nhân tố quan trọng nhất, đó là bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và giáo viên. Bộ trưởng gần như là người có quyền quyết định cao nhất trong việc thực hiện chính sách giáo dục: đề ra phương pháp và cách thức quản lý để đạt mục tiêu giáo dục do Chính phủ ban hành. Song, tất cả hệ thống tổ chức của giáo dục từ bộ, sở, phòng đến hiệu trưởng trường là để giúp cho người thầy giảng dạy học trò một cách tốt nhất, đem lại hiệu quả cao nhất.
Khi giáo viên có kinh nghiệm, có điều kiện học tập, họ sẽ từng bước được tín nhiệm và trở thành người quản lý nhằm giúp cho giáo viên giảng dạy tốt hơn ở các cấp, bậc.
Giáo viên có uy tín nghiệp vụ sẽ được chọn làm tổ trưởng. Trong quá trình làm tổ trưởng, cùng thầy cô trong tổ làm tốt, họ sẽ được chọn làm phó hiệu trưởng và hiệu trưởng, rồi lên các vị trí khác ở phòng, sở, bộ.
Quá trình thăng tiến qua từng vị trí đều phải bắt đầu từ người thầy. Thật không dễ để làm người thầy – nhà quản lý. Một người đứng lớp giỏi chưa chắc điều hành được bộ máy giáo dục có quy mô lớn hơn lớp học.
Người thầy phải biết, phải thuộc mục tiêu và chương trình môn học, phải thuộc nằm lòng kiến thức và kỹ năng theo yêu cầu của môn học, cấp học và coi đó là nhiệm vụ chính của nghề nghiệp. Người thầy đọc sách giáo khoa là đương nhiên nhưng cũng luôn luôn tìm tòi từ sách, báo, tạp chí, cuộc sống… nhằm bổ sung kiến thức, minh họa cho bài dạy của mình.
Từ trang sách giáo khoa, học sinh đọc chỉ thấy như đêm tối mờ mịt, khi có người thầy giỏi giảng dạy, cửa như mở rộng ra, ánh sáng tràn vào, học sinh nhìn thấy thật rõ ràng, dễ hiểu, dễ thuộc bài và biết thực hành, kiểm tra, thi cử và ứng dụng trong đời sống với tư cách một công dân.
Người thầy là nhà mô phạm, là người mẫu mực, có tiêu chuẩn và quy tắc trong phạm vi giới hạn của môi trường giáo dục. Ngoài xã hội, nơi người thầy cư trú, người ta nhận ra phong thái của người thầy qua lời ăn tiếng nói, cách hành xử đúng mực. Người xưa có câu “tâm sinh tướng”, cái tâm người thầy sinh ra sự đoan trang, lễ nghĩa của nhà giáo.
Người Việt Nam rất hiếu học, rất coi trọng việc học. Ai cũng muốn con trở thành người có kiến thức, kỹ năng, hiểu biết đạo lý ở đời, có nghề nghiệp để lao động và sống cuộc đời lương thiện. Người nghèo thì cho con học trường có học phí dễ chịu, người giàu thì cho con học trường tốt, thậm chí cho du học.
Chung quy lại, dù học trường nào, ở đâu thì hạnh phúc nhất chính là trò được học với người thầy đúng nghĩa. Có thầy tốt, sẽ có học trò giỏi và một quốc gia có nền giáo dục phát triển sẽ là quốc gia thịnh vượng.
Hãy để người thầy tự chủ, sáng tạo
Ngày nay, địa phương nào cũng có trường sư phạm, trường quản lý giáo dục. Nhiều hiệu trưởng tiểu học có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng tấm bằng không có tiếng nói trong chuyên môn trước các cấp có quyền lực. Giáo dục hiện đang được quản lý bằng quyền lực của hệ thống. Người thầy dạy theo hướng dẫn của sách giáo khoa cho an toàn. Sách bài tập, sách tham khảo quá phổ biến. Một bộ sách giáo khoa có đến hàng chục bộ sách tham khảo.
Khi người biên soạn sách tham khảo về hưu thì người ta thay ngay sách mới với người đứng tên đương chức và giáo viên phải sử dụng sách mới cho khỏi rắc rối. Đó là chưa kể, giáo viên thường chỉ làm theo lệnh từ trên xuống, ít dám sáng tạo, tự chủ.
Việc đánh giá năng lực giáo viên lệ thuộc vào cảm nhận của người quản lý. Tổ trưởng, hiệu phó, chuyên viên phòng, sở dự giờ, cho điểm, xếp loại, nhận xét rất chủ quan, thiếu sự tranh luận, trao đổi thẳng thắn trên nền tảng khoa học giáo dục và giáo học pháp, vì tranh luận sẽ làm khó cho giáo viên trong thi đua, khi xếp hạng, khen thưởng.
Do đó, tấm bằng sư phạm chỉ còn giá trị để được vào ngành. Hệ thống quản lý, đánh giá thi đua khen thưởng làm cho giáo dục trở thành hệ thống quyền lực thay vì một hệ thống khoa học và học thuật để giúp giáo viên ngày càng nâng cao năng lực giảng dạy.
Tôi cho rằng, trường đại học sư phạm – nơi đào tạo ra bộ máy cái – phải là nơi uy tín, đào tạo ra phải có chất lượng, không nên chạy theo số lượng.
Ngày trước, giáo sư ở trường sư phạm đều phải kinh qua thời gian làm giáo viên phổ thông rồi mới học lên và trở thành giảng viên. Chỉ có kinh qua việc đứng lớp thực tế, mới am hiểu giáo sinh cần gì để truyền đạt. Nhưng ngày nay, sinh viên cứ học lên là trở thành giảng viên nên việc đào tạo giáo sinh thiếu thực chất.
Cần phải trả người thầy về đúng vị trí, phải để người thầy được tự chủ từ tư duy đến học thuật. Bản thân người thầy cũng phải biết tự chủ. Nếu chỉ biết giảng dạy theo sách giáo khoa thì giáo dục không phát triển được.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Người thầy…
https://www.phunuonline.com.