TS. Lê Hồng Giang/ Báo TBKTSG
—–
Hai khu vực kinh tế đầu tàu là Trung Quốc và Mỹ thương chiến thì kinh tế thế giới không thể không lao đao. Nhưng có vẻ như cuộc chiến chưa ngừng lại, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, và Ông Trump thì tuyên bố xanh rờn Trung Quốc “thao túng tiền tệ”, đồng thời đe doạ đưa ra chiến thuật tương tự.
Nếu đến nước này thì sẽ bất lợi cho cả hai bên, xin không phân tích dài dòng, vì lịch sử của các cuộc phá giá đồng tiền có nguyên nhân từ chiến tranh thương mại đều gây tổn thương cho các bên “tham chiến”. Ở đây, xin nói đến sự ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế Việt Nam.
Khi đồng nhân dân tệ mất giá với Mỹ kim, thì hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc gặp bất lợi, Trung Quốc sẽ ép giá hàng hoá nhập khẩu để bù lại khoảng chênh lệch do nhân dân tệ vượt qua ngưỡng 7. Hàng nông sản Việt Nam vào Trung Quốc kiếm đồng lãi rất khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Thêm nữa, Việt Nam vay vốn từ Trung Quốc để thực hiện nhiều dự án hạ tầng. Nếu tính từ nhân dân tệ chuyển qua Mỹ kim, đúng là quá bất lợi cho Việt Nam.
Tui nói thiệt, ai mừng khi Trung Quốc thương chiến với Mỹ chứ tui thì không, ở trong môi trường “chiến tranh”, mà mình thì sát nách, không trúng đạn cũng trúng bom.
Tuy nhiên, cách phòng tránh “hòn tên mũi đạn” chính là ổn định kinh tế vĩ mô, đưa ra các chính sách phát triển bền vững và lành mạnh hoá nền hành chính, điều hướng thị trường tránh khỏi những méo mó do sự can thiệp phi quy luật.
Trần Quí Thanh
—–
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chắc chắn không muốn kịch bản năm 2015 tái diễn cho dù một đồng nhân dân tệ yếu sẽ là đối trọng với thuế nhập khẩu của Mỹ. Nếu các nhà đầu tư hoảng loạn như năm 2015, ảnh hưởng tiêu cực của dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích của việc phá giá để hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là trong hoàn cảnh bất ổn hiện tại. Nhiều chuyên gia cho rằng dù đã “đánh tiếng”, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ khí này, chí ít không khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ trên diện rộng.
Chưa đầy hai tuần sau một cuộc họp nội bộ Nhà Trắng bàn về việc phá giá đồng đô la Mỹ (nhưng cả Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Larry Kudlow đều bác bỏ), Mỹ chính thức kết án Trung Quốc tội “thao túng tiền tệ” sau khi tỷ giá giữa đô la Mỹ và nhân dân tệ (CNY) vượt qua ngưỡng 7. Thực ra việc đồng tiền của Trung Quốc mất giá 2,3% (tính từ đầu năm) là quá nhỏ để có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Giới kinh tế cho rằng CNY bị trượt giá hoàn toàn phù hợp với sự chựng lại của kinh tế Trung Quốc từ mấy năm gần đây và tình hình bất an do cuộc chiến thương mại gây ra. Nếu đồng tiền này được thả nổi có lẽ nó phải mất giá hơn 6% kể từ đầu năm như những gì đang xảy ra với đô la Úc (AUD) mà giới tài chính cho là một “hàn thử biểu” khá chính xác cho CNY.
Trên thực tế, Trung Quốc đã cố chống đỡ cho đồng tiền của mình không mất giá quá nhanh, một phần để tránh gây hoảng loạn trên thị trường, một phần để không làm mích lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong mấy tháng đàm phán vừa qua. Khi cuộc đàm phán cuối tháng 7 tiếp tục bế tắc rồi Tổng thống Donald Trump chấm dứt “thỏa thuận ngừng bắn” với cú áp thuế 10% lên 300 tỉ đô la Mỹ hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc (mới đây, một số mặt hàng trong danh sách 300 tỉ đô la Mỹ này đã được loại ra và một số mặt hàng được lùi thời điểm bị đánh thuế đến giữa tháng 12-2019 thay vì từ ngày 1-9-2019), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) chộp ngay lấy cơ hội phá giá CNY, vừa để giảm bớt sức ép tỷ giá vừa đánh tiếng với ông Trump về thứ vũ khí này.
Vũ khí lợi bất cập hại
Tuy nhiên, đây là một thứ vũ khí lợi bất cập hại. Tháng 8-2015, Trung Quốc bất ngờ phát giá và mở rộng biên độ giao dịch cho CNY, một động thái được cho là để kích thích kinh tế và chuẩn bị cho việc đồng tiền này chính thức được đưa vào rổ SDR (Special drawing right) của IMF. Nhưng sau đó CNY mất giá liên tục bất chấp các nỗ lực chống đỡ của PBoC.
Đến cuối năm 2016, CNY mất giá hơn 10%, xuống gần sát ngưỡng tâm lý 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ bất chấp PBoC đã chi hơn 50 tỉ đô la Mỹ để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng, theo Brat Setser (CFR – Council Foreign Relation), trong vòng 12 tháng trước đó Trung Quốc mất khoảng 600 tỉ đô la Mỹ ngoại tệ chảy ra ngoài, tăng trưởng GDP tụt xuống dưới 7%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Trung Quốc đã buộc phải tạm ngưng kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế (chuyển trọng tâm từ đầu tư sang tiêu dùng) và tạm ngưng chính sách giảm đòn bẩy tài chính (deleveraging) để chặn đà suy giảm. CNY đã được ổn định và phục hồi trong hai năm 2017-2018 cho đến khi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào bùng nổ. PBoC chắc chắn không muốn kịch bản năm 2015 tái diễn cho dù CNY yếu sẽ là đối trọng với thuế nhập khẩu của Mỹ. Nếu các nhà đầu tư hoảng loạn như năm 2015, ảnh hưởng tiêu cực của dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích của việc phá giá để hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là trong hoàn cảnh bất ổn hiện tại. Nhiều chuyên gia cho rằng dù đã “đánh tiếng”, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ khí này, chí ít không khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ trên diện rộng.
Thị trường quốc tế rúng động vì đàm phán Mỹ – Trung càng gặp khó
Nhưng tại sao thị trường quốc tế vẫn rúng động khi CNY vượt qua ngưỡng 7?
Trong một tháng tới, mọi chỉ số kinh tế sẽ không quan trọng bằng quyết định tỷ giá trung tâm hàng ngày của PBoC, một động thái phá giá mạnh hơn ngày 5-8 vừa rồi sẽ làm lung lay khả năng thỏa thuận Mỹ – Trung đạt được trong tháng 9 để chấm dứt chiến tranh thương mại. |
Ngoài yếu tố tâm lý và một số phản ứng thái quá, điều mà các nhà đầu tư lo ngại là chỉ một ngày sau khi Trung Quốc phá giá, Bộ Tài chính Mỹ đã ném các tiêu chí đánh giá thao túng tiền tệ của mình vào sọt rác, chính thức cáo buộc quốc gia này thao túng tiền tệ. Dù đây chỉ là hình thức, ai cũng hiểu ông Trump chẳng cần cáo buộc này vẫn có thể trừng phạt Trung Quốc vô tội vạ, nhưng nó cho thấy Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin không còn khuyên nhủ được sếp của mình và các quan chức diều hâu trong Nhà Trắng nữa.
Ngoài ra, cáo buộc chính thức như vậy sẽ gây khó khăn hơn cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Nếu Mỹ không gỡ bỏ cáo buộc này, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Mỹ sẽ vô nghĩa vì trên danh chính ngôn thuận Tổng thống Donald Trump vẫn có thể áp thuế trở lại với một quốc gia có mác thao túng tiền tệ.
Trong một tháng tới, mọi chỉ số kinh tế sẽ không quan trọng bằng quyết định tỷ giá trung tâm hàng ngày của PBoC, một động thái phá giá mạnh hơn ngày 5-8 vừa rồi sẽ làm lung lay khả năng thỏa thuận Mỹ – Trung đạt được trong tháng 9 để chấm dứt chiến tranh thương mại.
Làn sóng nới lỏng tiền tệ
Quay lại vấn đề chiến tranh tiền tệ, ngay cả nếu không có cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, giá trị của CNY vẫn sẽ sụt giảm khi nền kinh tế Trung Quốc tụt xuống dưới mức tăng trưởng 7% từ mấy năm nay và các nước đang phát triển khác sẽ khó ngồi yên nhìn đồng tiền của mình lên giá so với CNY.
Trong tuần rồi, một loạt ngân hàng trung ương khu vực châu Á bất ngờ cắt giảm lãi suất, không ai nói ra nhưng có thể hiểu đó là động thái chống lại vụ phá giá CNY vừa rồi.
Giới kinh tế nghi ngờ hiệu quả của làn sóng nới lỏng tiền tệ lần này, họ cho rằng nguyên nhân sâu xa là một cú sốc tổng cung, hệ lụy trực tiếp từ cuộc chiến thương mại. Bài học của thập niên 1980 cho thấy cắt giảm lãi suất không chống được lại các cú sốc loại này mà có thể còn làm tình hình tồi tệ hơn.
Nhưng nhìn từ phía tỷ giá, có thể thấy không nước nào muốn đồng tiền của mình mạnh lên so với đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh và cắt giảm lãi suất là công cụ duy nhất để đạt được mục tiêu này mà không bị Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc thao túng tỷ giá. Giảm lãi suất lúc này chỉ có tác dụng giữ tính cạnh tranh chứ không giúp gì cho kích cầu nội địa. Tổng cầu trên thế giới, nhất là ở các khu vực kinh tế đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào việc tháo ngòi cuộc chiến thương mại và các bất ổn khác như Brexit hay căng thẳng ở eo biển Hormuz với Iran.
Việt Nam giữa hai gọng kìm
Riêng với Việt Nam, tình hình có lẽ còn xấu hơn vì đã bị ông Trump cho vào tầm ngắm. Khi không thể phá giá tiền đồng so với đô la Mỹ để tránh bị cáo buộc thao túng tiền tệ, tỷ giá giữa CNY và tiền đồng sẽ tăng theo chiều hướng bất lợi cho Việt Nam. Trong bối cảnh hàng tiêu dùng trong nước bị hàng Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt, khả năng cán cân thương mại với nước láng giềng này sẽ tiếp tục xấu đi khi tiền đồng mất dần sức cạnh tranh. Ngay cả nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung giảm nhiệt, Việt Nam vẫn có khả năng sẽ bị ông Trump áp thuế để lấy điểm chính trị trước cuộc bầu cử cuối năm tới.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam không thể đáp trả lại bất kỳ chính sách bảo hộ nào từ Mỹ như đã từng ngậm đắng nuốt cay chấp nhận thuế bán phá giá lên cá ba sa. Chiến thuật đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ khó khăn hơn bất kể các hiệp định thương mại vừa ký kết vì kinh tế thế giới đang đi xuống. Điểm an ủi duy nhất có lẽ là các tập đoàn đa quốc gia đã “đặt cược” vào Việt Nam như Samsung, Intel, Nike, Adidas sẽ không rút chạy, họ thừa hiểu tương lai dài hạn của Việt Nam vẫn sáng sủa. Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn và Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến gần nhất và thuận lợi nhất.
Bởi vậy, trong hoàn cảnh khó khăn trước mắt, Việt Nam nên quay về phát triển nội lực với các chính sách cải cách hành chính, thể chế, luật pháp để tạo ra một thị trường lành mạnh. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng, cả vật chất lẫn con người. Và vẫn nên kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô chứ đừng vì vài quí tăng trưởng kinh tế sụt giảm mà lại bỏ hết chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá.
Trong hoàn cảnh khó khăn trước mắt, Việt Nam nên quay về phát triển nội lực với các chính sách cải cách hành chính, thể chế, luật pháp để tạo ra một thị trường lành mạnh. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng, cả vật chất lẫn con người. Và vẫn nên kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô chứ đừng vì vài quí tăng trưởng kinh tế sụt giảm mà lại bỏ hết chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá. |
NGUỒN: Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài:Nguy cơ chiến tranh tiền tệ…
(https://www.thesaigontimes.vn/292796/Nguy-co-chien-tranh-tien-te-Tat-ca-se-cung-thua!.html)