Nhà khoa học, nhà băng, nhà nông, nhà doanh nghiệp


Hoa nước- Ảnh Trần Tuý (Theo DNSG)

 
Kính gửi bác Trần Quí Thanh
 
Cháu là sinh viên năm cuối Đại học nông nghiệp. Đọc blog của bác có mấy bài bác đề cập về các thể loại “giải cứu” rất hay.   Đúng như bác nói , để chấm dứt các chiến dịch "giải cứu" nông sản, cần khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ý tưởng của bác về mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp, mỗi xã viên là doanh nhân cháu rất sướng. Mong bác bàn kĩ thêm vấn đề này đi ạ.
Kính.

Lê Tiến Toàn ( Nam Định): letientoan_yeuem@gmail.com
—–
 

Chào cháu Lê Tiến Toàn
Bác rất vui vì cháu còn trẻ nhưng quan tâm đến một lĩnh vực rất lớn của đất nước, đó là sản xuất nông nghiệp.
Như cháu biết, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, 70 %  là nông dân, nhưng càng ngày dân minh ly nông và ly hương, vào làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng đa số vẫn không đổi đời như họ mơ ước.
 


Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu chủ yếu đi nhập khẩu (Theo Đất Việt)

 
Không trách dân mình bỏ ruộng vườn quê quán được, bởi vì làm nông không đủ sống, đến thời này mà vẫn một nắng hai sương, phú sự may rủi của mùa màng cho ông trời, các mỹ từ hiện đại hóa , công nghiệp hóa vẫn chỉ trên giấy.

Làm nông nghiệp đâu phải nghèo, hãy nhìn sang các nước như New Zealand, Israel, họ sản xuất nông nghiệp như xiếc, năng suất cao, chất lượng cao, họ làm giàu bằng nông nghiệp.

Họ làm được như vậy vì họ có công nghệ sản xuất giống tiên tiến cho ra năng suất cao, kỹ thuật trồng trọt khoa học, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch hiện đại để cho ra sản phẩm chất lượng cao. Một nông dân của họ lao động trên một ha đất mang lại hiệu quả gấp trăm lần mình trên cùng diện tích và công lao động. Đừng so sánh với Israel cho xa, chỉ so với Thái Lan, cho đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm số lượng lớn, nhưng gạo Thái Lan vẫn vượt xa mình về chất lượng, do chúng ta không có giống lúa mang lại hiệu quả như họ. Tương tự, trái cây của Việt Nam không có kỹ thuật bảo quản tốt nên không xuất khẩu được vào các nước khối EU, Mỹ, nếu có cũng rất hạn chế.

Có nhiều ý kiến đưa ra mô hình liên kết 4 nhà “Nhà khoa học – nhà băng – nhà nông – nhà doanh nghiệp” , có nghĩa là khoa học kỹ thuật đi trước, tiếp theo là đầu tư tài chính, sau đó là người nông dân trực tiếp sản xuất. cuối cùng là doanh nghiệp tham gia giai đoạn sau thu hoạch và kinh doanh. Nhưng cháu biết đó, nước mình giáo sư tiến sĩ “đông như quân Nguyên”, có điều không tạo ra được nhiều sản phẩm khoa học áp dụng trực tiếp vào sản xuất, nông dân sản xuất manh mún, doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, không dám đầu tư lớn vì thiếu vốn và thiếu công nghệ sau thu hoạch. Kết quả là nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam “mãi mãi là người đến sau”.

Nhà nước cử cán bộ khoa học, cán bộ quản lý sang Thái Lan, Israel, New Zealand học tập, nghiên cứu mô hình sản xuất rất nhiều, nhưng cho đến nay, chúng ta chưa xây dựng được một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chưa phát triển nông nghiệp dựa trên nền khoa học công nghệ cao.

Bác có thể khẳng định rằng, nền nông nghiệp Việt Nam yếu kém như hiện nay vì chúng ta chưa có các ngành khoa học phát triển để hỗ trợ sản xuất và chế biến. Biết là vậy nhưng bao nhiêu năm không giải quyết được.

Chào cháu, hẹn gặp lại trong một đề tài khác.

Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *