Phan Minh Châu/ Báo TBKTSG
Vấn đề phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp dài hạn gần đây thường xuyên được bàn thảo trong giới làm chính sách và giới chuyên gia ở Việt Nam như là một giải pháp cấp thiết để hỗ trợ nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn dài hạn, cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tín dụng ngân hàng ngày càng có xu hướng bị thắt lại.
Vị thế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh sẽ có vai trò như một nhân tố ổn định, đặc biệt trong những giai đoạn có sự căng thẳng về tài chính, vốn thường dẫn đến đóng băng tín dụng ngân hàng. Sự phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tính thanh khoản cao và có chiều sâu sẽ giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào vốn vay ngân hàng và dẫn đến sự đa dạng hóa lớn hơn các nguồn vốn huy động cho nhiều loại hình tài sản khác nhau.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn giúp giảm rủi ro bất tương xứng về loại tiền và kỳ hạn của các nguồn vốn huy động và chi trả, đặc biệt là đối với các dự án có thời gian hoàn vốn dài.
Những lợi ích trên cho thấy nhu cầu cần phải có một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu và bề rộng tại mỗi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Tuy vậy, từ nhận thức này đến thực tiễn là cả một chặng đường dài bởi việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một quá trình có thể rất tốn thời gian và đầy thách thức.
Nhận dạng những nhân tố cản trở và giải pháp
Hoạch định chính sách chưa được đặt đúng tầm, thực hiện đúng cách
Dù tầm quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được nhìn nhận đầy đủ hơn ở Việt Nam gần đây nhưng việc phát triển thị trường này vẫn chưa phải là ưu tiên ở tầm quốc gia với một chiến lược phát triển khả thi và đúng đắn.
Bởi vậy, Chính phủ cần phải (thông qua một cơ quan chuyên trách/tổ công tác) nhanh chóng xây dựng và đề ra định hướng chiến lược dài hạn trong chương trình nghị sự phát triển thị trường với những bước đi và đầu công việc cụ thể, trong đó có những giải pháp xử lý các tồn tại nêu ở dưới đây, để đảm bảo sự phát triển trật tự và bền vững của thị trường này.
Vẫn lúng túng với những vấn đề sơ khai
Để đi xa hơn, nhanh hơn, cần giải quyết ngay những vấn đề tồn tại cơ bản như phương pháp phát hành (trên thị trường) sơ cấp, vẫn phải tốn nhiều thời gian để phê duyệt và đăng ký phát hành trái phiếu, thiếu nhất quán về tài liệu, giấy tờ thủ tục liên quan phát hành, cũng như thiếu một đường cong lãi suất chuẩn, hợp lý của Chính phủ và chưa đặt ra được lịch phát hành/đấu giá trái phiếu định trước…
Yếu kém về cơ sở hạ tầng thị trường và sự hạn hẹp cơ sở nhà đầu tư
Đây cũng là một trở ngại lớn khác đối với sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam. Để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu sơ cấp thì cần nhanh chóng củng cố tính hiệu quả của việc mua bán trái phiếu, phát triển một hệ thống tạo dựng thị trường, thiết lập một chỉ số trái phiếu doanh nghiệp, và tạo dựng tổ chức là bên thứ ba chuyên bảo lãnh phát hành.
Cơ sở nhà đầu tư hạn hẹp có thể khắc phục ngay bằng cách loại bỏ các rào cản hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường bán lẻ.
Nghèo nàn về công cụ
Yếu tố này làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp với nhà đầu tư và nhà phát hành vốn đa dạng về nhu cầu; hạn chế thanh khoản trên thị trường, dẫn đến cản trở sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo cả bề rộng lẫn chiều sâu. Do vậy, cơ quan chức năng cần phát triển thêm nữa các công cụ quản lý rủi ro, phòng chống rủi ro (hedging), hợp đồng mua lại và hợp đồng mua lại đảo ngược (repo và reverse repo), phái sinh lãi suất (interest rate derivative), hoán vị rủi ro tín dụng (CDS) và thị trường phái sinh, chứng khoán hóa…
Yếu kém trong bảo vệ nhà đầu tư
Sự an toàn của nhà đầu tư vẫn còn bị xem nhẹ, bỏ ngỏ. Hiện có thực tế là nhà đầu tư, nhất là những người không chuyên, rất dễ bị lạc/dụ vào “ma trận” trái phiếu doanh nghiệp với lẫn lộn thông tin thật – giả, mập mờ. Chính phủ cần xác định rõ muốn phát triển thị trường trái phiếu bền vững thì cần phải xây dựng một khuôn khổ pháp luật có tính chế tài mạnh, cũng như tăng cường thanh tra, giám sát tuân thủ để bảo vệ nhà đầu tư và buộc nhà phát hành phải minh bạch hóa đầy đủ thông tin theo yêu cầu trong thời hạn quy định.
Các quy chế cũng cần được xây dựng và thực thi để tăng cường sự minh bạch về giá và mua bán trái phiếu, đánh giá chất lượng xếp hạng tín dụng; quy chế về tái cơ cấu và phá sản cần được ban hành đầy đủ và hoàn thiện.
Bất bình đẳng về thuế
Khuôn khổ thuế cần được rà soát và xem xét lại để cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động bình đẳng với thị trường trái phiếu chính phủ cũng như thị trường tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.
Thuế đánh lên phát hành, nắm giữ, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp dưới các dạng thức có thể gồm thuế giao dịch, thuế trước bạ, thuế thu nhập, thuế đánh trên khoản lãi đầu tư…, nếu gộp lại mà trở nên quá nhiều so với các kênh huy động vốn khác thì sẽ khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc vay vốn ngân hàng.
Còn nhà đầu tư thì có thể chọn các kênh đầu tư khác có mức thuế nhẹ hơn. Thuế cao cũng sẽ cản trở các tổ chức tài chính thực hiện tư vấn và cơ cấu hóa trái phiếu cho khách hàng doanh nghiệp của họ bởi sẽ ảnh hưởng đến chi phí phát hành và cơ cấu trái phiếu.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài gòn
Link bài: Nhận diện những nhân tố…
(https://www.thesaigontimes.vn/