Những cái tên chồng lưu trong danh bạ điện thoại hay chuyện 1001 tâm trạng của phụ nữ trong cuộc hôn nhân

Scarlett  & Tranh: Hà Nam/ Báo A Family

—–

Ai đó bảo: Bạn lưu tên chồng trong điện thoại là gì tôi sẽ nói cho bạn biết cuộc hôn nhân của bạn như thế nào.

“Đàn bà là chúa thay đổi”, người-đàn-ông-mà-tôi-gọi-là-chồng-mỗi-khi-cần-giới-thiệu-với-ai-đó-về-mối-quan-hệ đã nói như thế vào mặt tôi.

Ngậm đắng nuốt cay, tôi phải thừa nhận đó là sự thật.

Ngoài việc thường xuyên ra đường là thiên thần về nhà hóa phù thủy thì nhiều sở thích của tôi cũng đã thay đổi so với hồi con gái. Như tôi chuyển sang thích những món quà là váy vóc trang sức thay cho hoa hồng vào các dịp lễ, rung động trước những người đàn ông bên ngoài ấm áp bên trong nhiều tiền thay cho các chàng trai má lúm thông minh thư sinh dí dỏm.

Rồi một lần tôi chợt nhớ ra, đến cái tên chồng tôi trong danh bạ điện thoại cũng bị tôi khai sinh tới 3 lần trong 10 năm. Hồi yêu nhau, tôi để tên anh ta là “Anh yêu”, anh ta để tên tôi là “Ey” tức “Em yêu”. Sau 10 năm kết hôn với nhiều lần mất điện thoại, tên của tôi trong danh bạ anh ta vẫn là “Ey”, còn tên anh ta trong danh bạ của tôi rút lại còn 1 chữ “A”.

Có đợt cãi nhau to, thằng dưới đất thằng trên giường cả tuần thì anh ta điện cho tôi vì việc gì đó, nhìn cái chữ “Anh yêu” nó hiện lên màn hình, tôi giận mình ghê gớm. Tôi vào mục chỉnh sửa, xóa chữ “yêu” đi, giữ lại chữ “Anh”. Rồi vào một đận cãi vã nào đó không nhớ nữa, chắc một hai đòi li dị, nhìn cái chữ “Anh” hiện lên vẫn âu yếm đến ngứa mắt, tôi bỏ chữ “nh” đi, để lại nhõn chữ “A”. Kể từ đó, anh ta chễm trệ leo lên đầu danh bạ ngồi.

Bạn bè tôi cũng nhiều người lưu tên chồng là A. Hỏi thì người bảo A là đầu tiên, là trên hết, là nhỡ chẳng may đi đường có chuyện gì thì người lạ mở điện thoại mình ra cũng biết A chắc chắn là người quan trọng để mà gọi điện thông báo tình hình. Người thì bảo A nó đứng đầu danh bạ, muốn gọi cho chồng thì thao tác 1 cái chạm tay là ra, “gọi cho dễ”. 

Thi thoảng tôi cũng thắc mắc, là nếu chỉ để gọi khi khẩn cấp hay gọi cho dễ thì sao không để SOS hay X nhỉ? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nói gì thì nói, A chắc chắn khác X. Chỉ cần mở danh bạ ra là thấy A mà không cần phải nhấn thêm bất kì phím nào, X thì phải tìm (gọi nôm na là tìm X). Mà xét ra, dù A chỉ là một chữ cái và “chẳng ra gì”, “chẳng được cái tích sự gì” thì mỗi khi có chuyện khẩn cấp lẫn không khẩn cấp, người đầu tiên các chị em cứ phải ấn phím gọi chính là A.

Từ “Anh yêu” thành A kể cũng là một sự thay đổi hệ trọng về ý thức hệ, từ lãng mạn sang thực tế, từ tinh thần sang vật chất, từ ngọt thành nhạt toẹt. Nếu “Anh yêu” nó thể hiện một mối quan hệ có sức nặng ái tình, có sự tươi mới, có chút nịnh nọt kiểu lạt mềm buộc chặt, hay chí ít là có sự yếu đuối nương tựa, thì A thuần túy là một mối quan hệ mang tính lợi ích. 

Không chỉ tiện cho việc gọi điện, A còn là biểu hiện của một cuộc hôn nhân bão hòa, mà ở đó, hai kẻ trong cuộc không say đắm nhau nhưng cũng chẳng ghét bỏ gì nhau, có thể đã chán ngán nhau nhưng có thể vẫn yêu thương khăng khít, chỉ là hiểu nhau đến mức không còn nhu cầu phải trở nên lung linh đẹp đẽ trong mắt nhau, và việc lột trần trước mặt nhau không khiến họ ngượng bằng việc để tên đối phương trong điện thoại là “Anh yêu”.

Suy bụng ta ra bụng thiên hạ, thì những người đàn bà đặt tên chồng là A thường không có nhu cầu xác lập quyền sở hữu với chồng mình, cũng không có xu hướng nương tựa dựa dẫm vào chồng. Họ vẫn phải gọi cho A mỗi khi có việc cần, nhưng lại luôn nghĩ có thể làm mọi việc mà không cần A. Nhưng đừng lo cho những cuộc hôn nhân của người đàn bà gọi chồng là A. Khi những ông chồng còn xuất hiện chồm hỗm trên đầu danh bạ, nghĩa là anh ta vẫn là một người đặc biệt với các mụ vợ như tôi. Chỉ khi nào A trở thành Anh Hùng, Anh Kiên, Anh Xuân thì lúc đó anh ta mới không còn là “Anh ấy” nữa.

Từa tựa như “A” là “Chồng”. “Chồng” là một từ rất trung dung. Một mặt nó khẳng định quyền sở hữu của các bà vợ đối với người đàn ông chung giường, điều mà nhiều bà vợ dùng chữ “A” không có nhu cầu. Nhưng một mặt nó thể hiện sự thờ ơ, lãnh đạm, kiểu đơn giản chỉ là một mối quan hệ bị pháp luật ràng buộc. Đôi khi có thể “Chồng” gợi lên cảm xúc dịu dàng, nhẹ nhàng như kiểu “cái gì là của mình thì luôn là của mình”, hoặc đôi khi nó gợi lên một cảm giác khó chịu na ná như từ “của nợ”. 

Tuy vậy, so với “A”, “Chồng” thường không chứa những cơn giận dữ điên cuồng đến mức có thể chất củi đốt nhà. Hay nói chính xác, các chị em gọi chồng là “Chồng” vẫn có cảm xúc yên tâm và gắn bó khi chữ “Chồng” hiện lên màn hình điện thoại ngay cả lúc vừa đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Tất nhiên sẽ có lúc điên lên họ xóa luôn số. Nhưng nếu sau cơn giận mà họ vẫn dùng lại chữ “Chồng” thì cuộc hôn nhân ấy coi như vẫn đang chạy tốt.

Mang hình thái giống “A” và “Chồng” nhưng không cảm xúc đó là KHÔNG LƯU SỐ. Tất nhiên, đó cũng thường là kết quả của liên hoàn trận cãi vã đánh chửi, ngủ đất, dọa đâm đơn. Nhưng không phải các chị em giận chồng tới mức không muốn nhìn chồng hiện hình dưới bất kỳ cái tên nào, mà chỉ đơn giản là lười. Thật, chỉ vì lười thôi. 

Tôi từng nghe họ bảo: “Xóa nhiều lần rồi, lưu lại cũng nhiều lần rồi, mỗi lần một tên khác nhau, xong mỗi lần tức lại xóa, làm nhiều quá đâm ngại, không lưu là xong chuyện.”

Thực ra, số điện thoại của chồng vốn dĩ đâu cần lưu. Có thể đi xe máy ra chợ, mua rau cỏ thịt thà xong thì đi bộ về nhà, chứ số điện thoại của chồng thì luôn khắc cốt ghi tâm. Nhưng các chị vẫn lưu bởi hai nhẽ: một là thay vì nhấn liên tục 11 cái phím thì chỉ cần 1 – 2 phím là gọi được rồi; hai là chồng vẫn là thứ gì đấy cần được định danh. 

Với các bà vợ không định danh chồng trên điện thoại, các ông chồng nên mở tiệc ăn mừng. Bởi tìm được người phụ nữ “lười” như thế không dễ đâu. Cái sự lười ấy cho thấy họ rất đơn giản, mạch lạc, biết việc gì là phù phiếm vớ vẩn tốn sức lực thì bỏ qua, trong khi số đông còn lại rất hay thích làm phức tạp mọi vấn đề. Và vì đơn giản nên họ cũng ít bức xúc, ít tức giận thái quá, ít suy diễn, ít đòi hỏi. Mà vì ít đòi hỏi nên dễ hài lòng. Hôn nhân của người phụ nữ không lưu số chồng như cơm tẻ, ngày nào cũng ăn được, ngay cả khi không ngon.

Ở một mâm khác, có những chị em thuộc hội phụ nữ chuẩn mực. Họ lưu tên chồng là “My husband”, là “Daddy”, là “Ba Bông Bống” là “Bố Ong Zin”, hoặc là những biệt danh mà hồi yêu đương quấn quýt năm nào vẫn thường gọi nhau như Kid yêu, Thành béo, Long đẹp trai, Đạt gấu, Doraemon, Chivas 18… 

Những chị em này có thể vẫn nói xấu chồng như lên đồng, nhưng nhất định là phải dành cho chồng sự tôn trọng tuyệt đối trước mặt anh ta. Sâu thẳm trong lòng họ, họ tin rằng chê thì chê thôi chứ chẳng ai bằng được chồng mình, chẳng ai làm bố của các con mình tốt như chồng mình. Họ và chồng có sự gắn kết và đồng thuận lớn trong việc giữ gìn một gia đình bình ổn cho con cái. Đây cũng là mẫu phụ nữ đề cao giá trị gia đình và khá truyền thống trong hôn nhân. Nhờ có họ, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam mới chỉ chiếm 2,1% dân số mà thôi.

Thế bạn có biết, phần trăm tinh hoa ít ỏi hay gọi nôm là “vợ người ta” lưu tên chồng là gì trong điện thoại không? Nhóm tinh hoa này thực ra rất đa sắc và nhiều trường phái. Trường phái lãng mạn gọi chồng là “Honey”, là “Cưng”, là “My love”. Trường phái thực tế gọi chồng là “My ATM”, “Ví Việt”. Trường phái quý bà gọi chồng là “Anh”, “Anh yêu”, “Chồng em”. Trường phái đường phố gọi chồng là “Chó”, “Thằng Điên”.

Có gì điểm gì chung giữa Honey, My ATM, Chồng em và Thằng Điên? Đó đều là một tình yêu nồng nàn với các cấp độ biểu đạt khác nhau. Là một sự nũng nịu, yếu đuối, nữ tính rất… “đàn bà” mà mọi đàn ông đều mê đắm nhưng không phải đàn bà nào cũng biết thể hiện ra ngoài. Là sự tự nguyện lép vế và đặt chồng ở thế cửa trên (dù thực tế cuộc sống gia đình diễn ra không như vậy, cũng bởi phàm ông chồng nào được vợ đẩy lên cao thì lại cứ thích cúi xuống). Là một thông điệp tha thiết dành cho người đàn ông của họ: Người vô cùng quan trọng đối với em, người em yêu, người em trân quý giữ gìn! 

Phụ nữ tinh hoa không bao giờ nói xấu chồng trên mạng xã hội. Ngược lại họ thường tự hào khoe chồng bằng những lời âu yếm. Đám phụ nữ còn lại có thể chê họ sến súa, làm màu, sống ảo, hoặc có thể chậc lưỡi ghen tị bảo họ có “số hưởng”. Nhưng xét cho cùng, muốn lấy được Louis Nguyễn thì trước hết phải là Tăng Thanh Hà, muốn lấy được Khải Anh thì trước hết phải là Đan Lê, phỏng ạ? Các chị cứ lưu tên chồng là “A” thì sao mong ngày nào cũng được “Ă” lên vì sung sướng? 

A và Ă thực ra không liền kề nhau như mắt thường nhìn thấy. Từ A đến Ă là một khoảng cách dài với nhiều kí tự. Mỗi khi tức giận mà rút bớt đi một kí tự phía sau chữ A thì đoạn đường tới Ă càng trở nên xa xôi trở ngại. Bởi vì từ “Anh yêu” thành A dễ như trở bàn tay mà từ A về lại “Anh yêu” hay “Chồng em” thì khó như đường đi Tây Trúc thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tam Tạng. 

Tất nhiên, chồng người ta không bao giờ làm tôi thất vọng. A của họ phải như thế nào thì mới xứng với mấy chữ “Chồng em” hay “My ATM” chứ. Nhưng nếu bạn cũng đang tìm kiếm hoặc mong muốn chồng mình là một người đàn ông bên ngoài ấm áp bên trong nhiều tiền, tin tôi đi, bạn cần thay chữ A trong danh bạ điện thoại của bạn thành “My Sponky” hoặc “Chồng em” cái đã. Mỗi cái tên âu yếm bạn còn không viết ra được để gọi chồng, thì gã đàn ông nào có thể ưu tú được với bạn đây?

Viết đến đây, tôi liền tạm dừng quay ra tìm điện thoại, vào mục danh bạ, nhấn tiếp nút chỉnh sửa, định bụng sẽ thêm vào chữ A một vài kí tự để tạo thành tiếng có nghĩa. Nhưng vừa mới thêm được hai chữ cái “n – h” đã thấy ngượng hết cả tay. Cố làm ra vẻ tự nhiên và mềm mại hỏi người-đàn-ông-mà-tôi-gọi-là-chồng-mỗi-khi-cần-giới-thiệu-với-ai-đó-về-mối-quan-hệ, rằng: Anh muốn em lưu tên anh trong điện thoại là gì? Anh ta đáp: “Điên à? Gì mà chả được.”

NGUỒN:  A Family dẫn theo Báo Tri Thức Trẻ

Link bài: Những cái tên chồng…

(http://afamily.vn/chuyen-phiem-dan-ba-tu-a-den-atu-ten-chong-trong-dien-thoai-moi-thu-ve-nguoi-dan-ba-nhung-cai-ten-chong-luu-trong-danh-ba-dien-thoai-hay-chuyen-dan-ba-tu-20191209040613941.chn)

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *