Ronald Ferguson, giáo sư ĐH Harvard, tác giả cuốn sách “Những bí mật để nuôi dạy con cái thành công” đã quan sát phụ huynh của những học sinh thành công nhất (những quan chức trẻ tuổi, CEO của các công ty nổi tiếng như YouTube hay công ty di truyền học 23andMe…) và đưa ra 8 vai trò cha mẹ giúp con cái thành công.
1. Vai trò “Đối tác học tập sớm”
Nếu cha mẹ làm tốt vai trò này, trẻ sẽ thích học ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí trước khi chúng bắt đầu đi học. Ferguson cho rằng, những đứa trẻ thành công có thể đọc những từ cơ bản khi học ở mẫu giáo, có thể giữ vị trí đứng đầu lớp và luôn có những phản ánh tích cực trong bài giảng của giáo viên.
2. Vai trò “Kỹ sư máy bay”
Đây là mẫu phụ huynh theo dõi sát sao môi trường phát triển của trẻ, đảm bảo rằng chúng sẽ có được thứ chúng cần và sẵn sàng can thiệp khi trẻ phát triển sai lệch.
Tuy nhiên, không giống mẫu “phụ huynh trực thăng” luôn can thiệp vào cuộc sống của con và không tạo ra không gian để trẻ phát triển độc lập, mẫu phụ huynh này luôn để trẻ tự do trong tầm kiểm soát.
3. Vai trò “Người lắp đặt”
Trong vai trò này, phụ huynh đảm bảo trẻ không bỏ qua bất cứ cơ hội quan trọng nào. Họ cũng không vì sự thiếu thốn của mình làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái. Cha mẹ có thể sống khó khăn nhưng nếu họ nhìn thấy cơ hội cần thiết cho sự thành công của con ở trường học hay cuộc sống, họ sẽ tìm mọi cách bước qua rào cản đó để giúp con.
4. Vai trò “Người tiết lộ”
Những cha mẹ giúp con khám phá thế giới bằng cách đến bảo tàng, thư viện hay triển lãm… sẽ làm bất cứ điều gì để mở rộng thế giới quan của con. Thậm chí ngay cả khi gia đình không giàu có, những cha mẹ này vẫn có sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh nhằm giúp con hiểu biết hơn về thế giới.
5. Vai trò “Triết gia”
Ferguson cho rằng đây là vai trò quan trọng thứ hai sau “Đối tác học tập sớm” vì nó giúp trẻ tìm được mục đích của cuộc sống. Ở đây, cha mẹ sẽ cùng con đặt ra những câu hỏi và đưa ra những câu trả lời sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống. Cha mẹ làm tốt vai trò này khi không bao giờ đánh giá thấp năng lực hiểu biết cuộc sống cũng như lý tưởng sống của trẻ.
6. Vai trò “Làm gương”
Đây là mô hình vai trò cổ điển. Cha mẹ làm tốt điều này thường hiểu rất rõ giá trị nào là quan trọng nhất và làm thế nào để truyền những giá trị đó cho con cái họ. Ferguson cho biết vợ chồng ông luôn cố gắng sống theo giá trị cốt lõi của mình mỗi ngày – dù điều đó không dễ dàng và không phải lúc nào cũng thành công – để làm tấm gương cho con cái noi theo.
7. Vai trò “Người đàm phán”
Với vai trò này, cha mẹ dạy cho trẻ phải tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình khi đứng lên nói những gì chúng tin tưởng (đặc biệt là khi đối mặt với quyền lực và những người có quyền lực).
8. Vai trò “Giọng nói điều hướng GPS”
Ông Ferguson mô tả điều này: “Tiếng nói của cha mẹ luôn trong đầu đứa trẻ khi chúng rời khỏi nhà, giúp chúng trưởng thành thông qua những tình huống mới trong cuộc sống” .
Feguson hy vọng con gái mình sẽ không đòi “chỉ đường lại” nhờ đã thấu hiểu được những lời dạy của bố mẹ.
Giáo sư của ĐH Harvard cho rằng, tùy từng tình huống và mục đích cụ thể, phụ huynh có thể thể hiện những vai trò khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới việc trở thành cha mẹ tốt.
Những hành xử của cha mẹ có thể ảnh hưởng từ sai lầm trong thời thơ ấu mà họ không muốn lặp lại cho con cái. Đó cũng có thể là những điều tốt đẹp mà họ muốn truyền lại cho con cái mình.
Feguson khuyên các phụ huynh hãy sử dụng tốt 8 vai trò này, dù không hề dễ dàng, nhưng đều quan trọng để giúp con cái thành công.