Thử đọc xem mình có phải “cái mặt không chơi” được, luôn khiến bạn bè mình mệt mỏi, nặng nề khi ở bên cạnh hay không?
Lờ đi những ý kiến của người khác và coi điều đó không quan trọng là một điều nhiều người luôn được dặn dò – “cuộc đời này là của bạn và không ai có thể ép bạn làm gì”. Tuy nhiên, khi nhiều người cùng chung một ý kiến về bạn, hãy suy nghĩ thật kỹ xem có vấn đề gì tồn tại không? Những phản hồi của một cộng đồng về ai đó phần nào có thể nói lên tính cách của một người.
Điều thú vị là thường những người “toxic” (từ dùng để chỉ người đem lại cảm giác tiêu cực cho người khác) không nhận thức được bản thân mình gặp vấn đề như vậy. Họ sẽ không bao giờ thú nhận rằng, “này, tao là một người tiêu cực với mọi người xung quanh”.
Thử nhìn nhận bản thân xem có những điều dưới đây không, bạn sẽ biết mình có phải kẻ độc hại luôn đem lại cảm giác tiêu cực cho người khác.
Những người toxic thường không chấp nhận một mối quan hệ với sự thỏa hiệp – họ không bao giờ chịu để mình thua thiệt hơn người khác, dù trong những chuyện nhỏ nhất. Khi phải chấp nhận việc mình không giỏi như người khác, những kẻ toxic sẽ tìm mọi điều nhỏ nhất của đối phương để soi mói, dùng nó như bàn đạp để áp đảo đối phương.
Ở trong một mối quan hệ lành mạnh, mọi sự chỉ trích không mang tính xúc phạm hay áp đảo đối phương. Những người tiêu cực chỉ trích người khác chỉ vì sở thích của bản thân, không vì lợi ích cho người còn lại.
Chúng ta thấy những người như vậy khá nhiều trong cuộc sống. Cô bạn A của tôi chia sẻ về việc làm đám cưới với người bạn B, thay vì chúc mừng A với một đám cưới hạnh phúc, B ngồi chất vấn với rất nhiều câu hỏi: “Có chắc là muốn cưới sớm không?”, “Sao lại cưới anh này, có giàu có đâu?”, “cưới xin sớm thế là khổ lắm đó”… Cô bạn tôi méo mặt, chẳng biết nên cười hay nên vui.
Những người toxic không tìm thấy niềm vui cho bản thân từ niềm vui của người khác. Ngược lại, chính những lo lắng, sợ hãi của đối phương mới thực sự khiến họ thỏa mãn. Có lẽ vì vậy, bạn sẽ luôn chỉ nhìn vào những mặt trái của câu chuyện thay vì chia vui với bạn bè mình.
Rơi vào những mối quan hệ toxic có lẽ là điều nhiều người gặp phải. Cái khó của những mối quan hệ toxic không nằm ở việc làm sao để đương đầu với nó mà làm sao để rút chân ra khỏi mối quan hệ. Những kẻ tiêu cực, họ sẽ không chọn rút ra khỏi mối quan hệ dễ dàng. Họ sẽ tìm cách khiến bạn dằn vặt, tội lỗi, duy trì một mối quan hệ trở thành gánh nặng với bạn nhưng rút ra khỏi mối quan hệ đó cũng không được.
Đó thực sự là tình cảnh “Đi không được, ở không xong”. Nếu nhận ra bản thân có xu hướng kìm kẹp một mối quan hệ như vậy, bạn hẳn là một người khó chịu “độc hại” với bạn bè.
Trong con mắt của người “độc hại”, họ nhìn nhận đối phương từ giá trị mang lại. Không có mối quan hệ vô tư, không vụ lợi trong câu chuyện của những người toxic. Khi họ cần, suy nghĩ vụ lợi sẽ dẫn lối tâm trí họ tìm đến bạn: Những hộp thư cả năm chẳng có tin nhắn, số điện thoại lưu chỉ để đó hay Facebook không bao giờ tương tác.
Còn không, điều họ làm sẽ chỉ là “seen”.
Bạn có thấy mình có những điều trên không?
Thực ra, bạn không hề đơn độc khi đó là vấn đề của nhiều người. Sự độc hại trong một mối quan hệ chính là biểu hiện của sự độc hại bạn đang có với chính mình. Đôi khi như điều số 9, chính những nỗi đau bạn đã có hoặc tự gây ra cho bản thân mình đã lan tỏa đến những người xung quanh. Hãy học cách lắng nghe và đừng phủ định ngay ý kiến của người khác – ít người tự bịa đặt ra điều gì đó để nói với bạn, hơn nữa lại là ý kiến của cả nhóm đông.
Sự độc hại không phải một tính cách bẩm sinh khi nhiều người phải trải qua những điều tiêu cực trong quá khứ. Chúng ta không đi tìm ra những điều trên chỉ để một ai đó ngồi than vãn, tự trách bản thân hay dằn vặt tội lỗi. Việc nhận ra bản thân là điều quan trọng nhất trước khi có thể tìm cách giải quyết vấn đề: Điều trị tâm lý, dần thay đổi bản thân, nhìn nhận lại con người mình trước khi tìm cách tháo gỡ vấn đề trong các mối quan hệ.
Để có thể thực sự giải quyết được mối quan hệ độc hại của bạn với mọi người xung quanh, điều quan trọng nhất là bạn phải giải quyết được mối quan hệ độc hại với chính bản thân.