Những sự thật ít người biết về các đô vật Sumo

T. Nguyên theo Ranker/ Báo Dân Trí

Để trở thành đô vật sumo, ngoài thể chất, đòi hỏi rất nhiều đến sự cống hiến và phục tùng tận tụy cho môn thể thao lâu đời này.

Hầu hết những gì chúng ta biết về sumo là kích thước của các đô vật, trang phục trên võ đài và rất nhiều những điều kỳ lạ khác. Đấu vật sumo có nguồn gốc từ xa xưa, gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của Nhật Bản. Trải qua hàng bao thế kỷ, môn thể thao này vẫn duy trì được tính toàn vẹn nguyên sơ của nó.

Dưới đây là những sự thật thú vị về môn võ thuật nổi tiếng khắp hành tinh này.

Ngoài cân nặng, đô vật Sumo cũng phải đáp ứng yêu cầu về chiều cao

 

Trong khi các đấu sĩ Sumo thường chỉ được chú ý về cân nặng, ít ai biết rằng môn thể thao này có cả quy định dành cho chiều cao. Hai chỉ số chiều cao và cân nặng thay đổi thường xuyên trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng hiện nay, đô vật Sumo yêu cầu phải cao ít nhất 173cm và nặng ít nhất 75kg.

Đạt được chiều cao mong muốn khó hơn rất nhiều so với việc tăng cân. Do đó, có một số đô vật như Takeji Harada đã chọn cách cấy silicon lên đỉnh đầu. Năm 1994, Harada, khi đó mới 16 tuổi, đã sử dụng phương pháp này để tăng thêm 15cm chiều cao để đủ điều kiện tham gia các giải đấu sumo. Tuy nhiên, Hiệp hội Sumo Nhật Bản đã cấm việc áp dụng thủ thuật này vì các lý do sức khỏe.

Trọng tài mang dao găm trong các trận đấu

Trọng tài của các trận đấu Sumo, còn được gọi là Gyoji, có trách nhiệm giám sát trận đấu từ đầu đến cuối và trao giải cho người thắng cuộc. Sự hiện diện của họ vừa mang tính chính thức, vừa mang tính nghi lễ.

Các Gyoji mặc áo kimonos có màu sắc thay đổi theo từng cấp độ. Các trọng tài bắt đầu được huấn luyện làm công việc của mình ở tuổi thiếu niên. Nhiều người trong số họ khởi nghiệp từ mong muốn trở thành đô vật Sumo nhưng không đạt được các chỉ số cần thiết.

Bên trong tấm áo kimonos các Gyoji gài bên mình một con dao găm mà trọng tài Shonosuke Kimura gọi là “biểu tượng về trách nhiệm nặng nề. Nếu một trọng tài đưa ra một phán quyết sai lầm, anh ta sẽ phải chuẩn bị cho nghi lễ hara-kiri, tức là tự sát bằng việc mổ bụng. Tuy nhiên, hiện nay đó chỉ là nghi lễ chứ không thật sự diễn ra. Nếu như vậy, chúng tôi sẽ không đủ trọng tài để tham dự các giải đấu”, Kimura nói.

Các trận đấu chỉ diễn ra trong vòng vài giây

 

Nếu một trận thi đấu Sumo kéo dài bốn phút, sẽ có khoảng thời gian nghỉ cho các đô vật uống nước. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra vì phần lớn các trận đấu diễn ra dưới một phút. Thậm chí, một số trận kết thúc chỉ sau vài giây. Năm 2016, khi Hakuho và Harumafuji đối mặt trong trận tranh chức vô địch tại giải đấu Haru Basho, họ chỉ mất một giây để tìm ra người chiến thắng.

Mục đích của đô vật Sumo là đẩy được đối thủ ra khỏi chiếc nhẫn tròn trên sàn đấu hoặc khiến anh ta chạm bất kỳ phần thân thể nào, trừ bàn chân, xuống sàn đấu. Sau khi hai đối thủ tham gia vào nghi thức chào hỏi trước trận đấu, họ cúi xuống và chạm nắm đấm xuống sàn. Từ đó, họ có thể bắt đầu sử dụng bất kỳ kỹ thuật nào để chiến thắng, ngoại trừ việc túm tóc, đấm, bóp, làm nghẹt thở… Đô vật Sumo cũng không được đá nhưng họ có thể quét chân hoặc tát đối thủ.

Đô vật Sumo phải búi tóc và mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày

Các quy tắc nghiêm ngặt yêu cầu đô vật Sumo phải tuân thủ việc ăn mặc ở trong và bên ngoài các trận đấu. Các đô vật sử dụng một loại dầu bôi lên tóc để búi cho gọn và chỉ gội đầu vài tuần một lần. Ngoài ra còn có các thợ làm đầu chuyên nghiệp để tạo ra các kiểu tóc truyền thống với kiểu dáng đặc biệt.

Các đô vật không tự lái xe nên sẽ có người đưa họ đến nơi mà họ muốn đi. Họ có thể sử dụng phương tiện công cộng nhưng khi đi ra ngoài, họ phải mặc trang phục Nhật Bản truyền thống như kimonos.

Trong khi tập luyện và thi đấu, các đô vật Sumo mặc mawashi trông giống như khố được làm từ vải cotton, vải bố hoặc lụa tùy theo cấp độ của từng đô vật. Những chiếc mawashi không bao giờ được giặt, không được cuộn lại, và làm sạch bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời. Các đô vật cao cấp được mặc mawashi màu trắng hoặc nhiều màu trong khi các đô vật cấp thấp hơn chỉ được mặc màu đen.

Sáu cấp độ của các đô vật Sumo

Hệ thống phân cấp quyết định uy tín của các đô vật sumo. Tuy nhiên, hệ thống này không phụ thuộc vào cân nặng.

Ở cấp thấp nhất là các đô vật tập sự, có khoảng từ 100 đến 300 người. Theo thứ tự từ thấp đến cao là jonokuchi, jonidan, sandanme, và makushita. Trên đô vật tập sự là jūryō và cao nhất là makuuchi. Ở cấp makuuchi cũng được chia ra làm năm hạng từ thấp đến cao là maegashira, komusubi, sekiwake, ozeki, và yokozuna.

Chỉ có những đô vật cấp cao và có thành tích mới nhận được lương. Mức lương có thể lên đến 60.000 USD mỗi tháng. Càng lên cao, số lượng đô vật của mỗi nhóm càng ít đi và người ở cấp thấp phải phục vụ người cấp cao trong các việc nấu nướng, dọn dẹp.

Món ăn đặc biệt của các đô vật

Các đô vật Sumo phải ăn hàng nghìn calo mỗi ngày để tăng cân và duy trì kích thước khổng lồ của cơ thể. Có những đô vật nặng đến 200kg, đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Trong thực đơn hàng ngày của họ luôn có một món ăn đặc biệt là chanko nabe, một món hầm gồm có rau, proteins và gạo.

Nước dùng để nấu chanko nabe là dashi, một loại nước làm từ tảo bẹ, cá mòi hoặc cá cơm. Đây là bữa ăn sau khi luyện tập và thường là bữa ăn trưa. Các đô vật thường chỉ ăn hai bữa trong ngày. Sau bữa trưa, họ nghỉ ngơi đến chiều trước khi thưởng thức một bữa tối thịnh soạn. Họ cũng có thể ăn nhẹ vào tối muộn.

Các đô vật chuyên nghiệp phải ở tập trung suốt cuộc đời

 

Khi một người bắt đầu luyện tập để trở thành đô vật Sumo, anh ta phải cống hiến cả đời mình cho môn thể thao này. Người tập và cả các đô vật có kinh nghiệm đều chung sống ở heya. Có tất cả 45 heya, hay còn được gọi là phòng. Tại đây, các đô vật cấp thấp phải nấu đồ ăn và phục vụ các đô vật cấp cao trong khi vẫn thực hiện các công việc thường ngày khác như luyện tập, ăn uống và ngủ.

Phần lớn nam giới vào heya ở lứa tuổi thiếu niên (sau 23 tuổi họ sẽ không được ở vào đây) và đó là nghĩa vụ cả cuộc đời. Cách duy nhất để rời khỏi heya là từ bỏ sumo. Tuy nhiên, một khi một đô vật lên đến cấp độ 2, và trở thành võ sĩ chuyên nghiệp, anh ta có thể lập gia đình và sống bên ngoài heya (nhưng vẫn phải duy trì danh nghĩa thành viên). Nếu anh ta bị rớt xuống hạng ba, anh ta sẽ phải quay trở lại sống trong heya.

Sumo là một nghi lễ tôn giáo

So với hầu hết các môn thể thao trên thế giới ngày nay, sumo có nguồn gốc từ rất lâu, khoảng 1.500 năm về trước. Ngay từ đầu, sumo đã gắn liền với nghi lễ Thần đạo Shinto, và thường được thực hiện tại các đền thờ với mong muốn mang đến một vụ thu hoạch bội thu và để thờ cúng các linh hồn.

Ngày nay, sumo vẫn gắn liền với nguồn gốc tôn giáo của mình. Các nghi lễ của Shinto vẫn tiếp tục chi phối cuộc sống hàng ngày của các đô vật sumo. Mỗi yokozuna mới được thăng cấp sẽ thực hiện nghi lễ nhập nhẫn của mình tại Đền Meiji ở Tokyo.

Các đô vật Sumo thi đấu quanh năm

Không có mùa giải Sumo giống như các môn thể thao khác. Thay vào đó, các đô vật sumo chuyên nghiệp thi đấu 6 giải quan trọng trong suốt một năm.

Các giải đấu diễn ra trong 15 ngày, các đô vật hạng cao nhất sẽ phải thi đấu mỗi ngày. Điều này không áp dụng với các đô vật hạng thấp hơn. Ngày thi đấu diễn ra từ 8h30 sáng đến 6h tối. Các đấu sĩ hạng thấp sẽ thi đấu vào buổi sáng và những người cấp cao sẽ thi đấu vào buổi tối.

Giữa các giải đấu, các cuộc triển lãm diễn ra khắp Nhật Bản vì sumo là môn thể thao nổi tiếng toàn cầu. Bên cạnh các giải đấu liên tục diễn ra, việc luyện tập cũng không bao giờ có thời gian nghỉ.

NGUỒN: Theo Báo Dân Trí

Link bài: Những sự thật…

https://dantri.com.vn/du-lich/nhung-su-that-it-nguoi-biet-ve-cac-do-vat-sumo-20210826105233243.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *