Thanh Ngọc/ Báo Đại Kỷ Nguyên
Ăn uống, check-in nhà hàng theo trào lưu đã trở thành “mốt” thời thượng trong giới trẻ những năm gần đây. Các món ăn đã hoặc đang “gây sốt” đa phần đều có hương vị đặc biệt, hình thức bắt mắt, hoặc có yếu tố độc – lạ gây tò mò. Tuy nhiên, đằng sau chúng là những nguy cơ không hề nhỏ.
1. Mỳ cay
Mỳ cay 7 cấp độ từng lên cơn sốt cách đây một vài năm, trở thành một trào lưu ăn uống được các bạn trẻ nhiệt tình tham gia. Chính vì mang tính thách thức cao, nhiều cấp độ cay như vậy nên các bạn rất tò mò, cũng như muốn thử thách khả năng ăn cay của bản thân nên đã không ngại tìm kiếm nhiều nơi ăn thử.
Dù khoái khẩu nhưng mỳ cay làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày, loét dạ dày… Thường xuyên ăn mỳ cay còn làm mụn bùng phát hay tình trạng nhiệt miệng gia tăng rất khó chịu.
2. Cà phê sữa Latte nhiều màu
Latte là kiểu café sữa của Ý, được làm từ nguyên liệu chính là Espresso và sữa, trong đó Espresso chiếm 1/3, sữa nóng chiếm 1/3 và 1/3 còn lại là bọt sữa. Điều đặc biệt để tạo nên một ly Latte hấp dẫn đó chính là lớp bọt sữa được tạo hình nghệ thuật.
Chẳng có gì phải bàn cãi nếu thỉnh thoảng bạn ghé vào quán cà phê và uống một cốc latte, nhưng cốc latte sáng tạo đầy màu sắc này đã biến hỗn hợp cà phê và sữa thành một thứ đồ uống nguy hiểm vì chứa đầy phẩm màu công nghiệp. Chỉ có rất ít quán cà phê tạo nên những màu sắc này bằng các nguyên liệu tự nhiên như nghệ, củ cải đỏ và bột trà xanh matcha.
3. Bánh cầu vồng
Bánh vòng cầu vồng này trông rất bắt mắt và từng gây bão trên Instagram. Trào lưu ăn uống của giới trẻ này được làm từ chất nhuộm màu thực phẩm và phần kem toàn đường và mùi hương nhân tạo.
“Sống để ăn” hay “ăn để sống”?
Những món ăn thức uống theo trào lưu giờ đây không chỉ là để thoả mãn nhu cầu ẩm thực, mà còn được nhiều người chọn lựa như một cách thể hiện cho “đẳng cấp”, cho sự “sang chảnh”. Uống một thương hiệu nổi tiếng, check-in ở một quán đang hot là một loại “văn hóa thể hiện” mới, như xe sang hay điện thoại xịn.
Ở các nước khác, giới trẻ – những người nắm bắt xu hướng nhanh nhất vẫn luôn phát cuồng vì những trào lưu mới: kem dát vàng ở Nhật Bản, bánh hình thú ở Thái Lan hay “kẹo thối”, chocolate hình chiếc giày, v.v. Cũng giống như cách mà trà sữa đã làm mưa làm gió tại thị trường Đài Loan, Thái Lan trước khi tới Việt Nam.
Mỗi năm lại có những trào lưu ẩm thực mới ra đời. Nhưng những người tạo ra trào lưu ăn uống của giới trẻ lại quên mất điều gì mới làm nên giá trị thực sự của một món ăn.
Nền văn hoá truyền thống của Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung đều đề cao đức tính cần kiệm, chất phác. Nguyễn Trãi từng dạy con rằng: “Áo mặc miễn là cho cật ấm. Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon” (Huấn nam tử). Những nhà hiền triết cổ xưa đều cho rằng mục đích của thực phẩm chính là để no bụng; nếu sa vào hưởng thụ dục lạc, cầu kỳ xa hoa thì sẽ quên đi mục đích căn bản của đời người: tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức. Đạo đức mới là giá trị nội tại của một người, là “đẳng cấp” thực sự của con người.
Dĩ nhiên, trong xã hội hiện đại, muốn ăn ngon không phải là tội lỗi, nhưng vì chạy theo trào lưu mà làm hại sức khoẻ, lãng phí thời gian tuổi trẻ thì không đúng nữa rồi. Nói cách khác, “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”.