Những ưu tiên chính sách khi ‘mở cửa’ nền kinh tế

Hoàng Thắng/ Báo TBKTSG

Đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt trong bất kỳ tình huống dịch bệnh nào phải là ưu tiên hàng đầu của TPHCM và các địa phương lân cận. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Lãnh đạo TPHCM cần chấp nhận sự tồn tại một số lượng người bị lây nhiễm nhất định trong cộng đồng, nhưng kiềm chế không để xảy ra đại dịch nghiêm trọng khi thực hiện lộ trình ‘mở cửa’ nền kinh tế, theo TS Vũ Thành Tự Anh.

Chia sẻ với báo chí trước thời điểm TPHCM thực hiện lộ trình ‘mở cửa’ nền kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright – nhấn mạnh các ưu tiên chính sách cần thực hiện, gồm bảo vệ sinh mạng và đảm bảo sinh kế cho người dân; tìm cách thích nghi, tiến hóa để phù hợp với môi trường dịch bệnh và kinh tế đã khác trước.

Thay đổi nhận thức trước khi ‘mở cửa’ kinh tế

Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng việc lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo TPHCM chuyển mục tiêu từ ‘zero covid’ – loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh ra khỏi cộng đồng – sang sống chung với virus là rất quan trọng.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, ông cho rằng lãnh đạo TPHCM cần thay đổi tư duy theo hướng chấp nhận sự tồn tại một số lượng người bị lây nhiễm nhất định trong cộng đồng, nhưng kiềm chế không để xảy ra đại dịch nghiêm trọng. Theo đó, phải đảm bảo trạng thái đỉnh dịch luôn nằm dưới năng lực kiểm soát, xử lý của hệ thống y tế.

“Đó là trạng thái cân bằng mới, được gọi là trạng thái bình thường hóa trong điều kiện tồn tại dịch bệnh”, ông Tự Anh nói.

Hiện TPHCM có 3 thuận lợi khi thực hiện mục tiêu sống chung với virus, gồm tỷ lệ tiêm vaccine đã đạt mức đáng kể và tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp có phương án thích nghi với dịch bệnh; người dân dần điều chỉnh hành vi để thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Cũng theo vị chuyên gia này, trạng thái ‘cân bằng mới’ có thể đạt được thông qua ưu tiên triển khai ba chính sách, gồm bảo vệ sinh mạng người dân – giảm số F0 tử vong, bảo vệ nhóm yếu thế, bảo vệ hệ thống y tế, thúc đẩy tiêm chủng vaccine, kiểm chế dịch bệnh lây lan; bảo vệ sinh kế của người dân và doanh nghiệp; tìm cách thích nghi, tiến hóa để phù hợp với môi trường dịch bệnh và kinh tế đã khác trước.

“Bài học lớn nhất của lịch sử loài người là tiến hóa. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta đã nhìn thấy bối cảnh của dịch bệnh thay đổi, bối cảnh của nền kinh tế thay đổi, bối cảnh tâm lý cộng đồng và xã hội thay đổi, thì chúng ta phải tiến hóa và thích nghi”, ông Tự Anh lý giải.

Ngoài ra, ông khuyến nghị lãnh đạo TPHCM cần có tư duy chống dịch theo vùng trong bối cảnh dịch bệnh tại các tỉnh, thành lân cận còn phức tạp.

Lý giải điều này, ông cho rằng dịch bệnh không dừng lại ở phạm vi địa giới hành chính mà có tính liên vùng. Vì vậy, TPHCM và các địa phương xung quanh cần có sự hợp tác, thống nhất giải pháp để đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế cả vùng nếu muốn chống dịch hiệu quả.

Theo đó, ưu tiên hàng đầu của các địa phương là cùng nhau thống nhất giải pháp đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế cả vùng.

“Các chuỗi cung ứng và các dòng lưu thông có tính huyết mạch có tính liên vùng như dòng về lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu, logistics phải thông suốt trong bất kỳ kịch bản dịch bệnh nào. Ngoài ra, phải có sự tương hỗ về hệ thống y tế mà quan trọng nhất là chia sẻ vaccine, hỗ trợ năng lực xét nghiệm và điều trị”, ông Tự Anh nhấn mạnh.

Với TPHCM – địa phương giữ vai trò trung tâm của cả vùng, ông cho rằng cần đảm bảo hai mục tiêu. Thứ nhất, đảm bảo chính sách chống dịch của mình hiệu quả.

Thứ hai, hỗ trợ vaccine như đã làm với Đồng Nai, Bình Dương. Đồng thời, hỗ trợ lực lượng y tế, dịch vụ chữa bệnh từ xa, nhận bệnh nhân từ địa phương khác trong khả năng cho phép.

3 nhóm dữ liệu quyết định việc mở cửa

Về kịch bản ‘mở cửa’ nền kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị TPHCM nên ‘mở cửa’ theo từng cấp độ, tương ứng với mức độ rủi ro, vì bài toán xử lý dịch bệnh là bài toán quản lý và kiểm soát rủi ro nếu nhìn từ góc độ chính sách.

Cụ thể, ông cho rằng có thể thí điểm mở cửa dần với các quận, huyện đã kiểm soát được dịch, tiến độ tiêm vaccine tốt, có thể ứng phó hiệu quả nếu dịch tái bùng phát. Tương tự, với các ngành kinh tế, chính quyền thành phố nên cân nhắc các yếu tố tầm quan trọng, mức độ rủi ro nội tại của mỗi ngành/phân ngành khi mở cửa trở lại.

Ngoài ra, mỗi chính sách đưa ra phải có tầm nhìn bền vững và dài hạn vì với Covid-19 thì bài toán kiểm soát dịch bệnh là lâu dài.

“Ở mỗi cấp độ sẽ có các tiêu chí rõ ràng về tiêm chủng, năng lực điều trị của hệ thống y tế, tổ chức sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội. Ví dụ, nếu trong trường hợp chưa có vaccine, điều trị chưa tốt thì bắt buộc phải có giãn cách nghiêm để virus không lây lan thành đại dịch ngoài tầm kiểm soát”, ông Tự Anh nói.

Bên cạnh đó, mỗi quyết định về giãn cách – dù nới lỏng hay siết chặt – đều phải dựa vào dữ liệu cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, nên có “dự lệnh” trước khi có quyết định khoảng một tuần để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thích nghi.

TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: fulbright.edu.vn

Để thực hiện việc này, ông Tự Anh đề xuất xây dựng 3 nhóm dữ liệu làm cơ sở. Thứ nhất, dữ liệu về y tế và dịch tễ, liên quan tới tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng với các thông tin: tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ dương tính trên tổng số ca xét nghiệm, tỷ lệ nhiễm bệnh…

Thứ hai, dữ liệu về năng lực y tế, đặc biệt là dữ liệu tiêm chủng phải được cập nhật chính xác, hiệu quả. Với nhóm này, ông cho rằng dữ liệu về tiêm chủng vaccine của người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai là cực kỳ quan trọng vì đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi nhiễm Covid-19.

Ngoài ra, cần có thông tin về tỷ lệ sử dụng giường bệnh, năng lực cấp cứu và chữa trị bệnh nhân trở nặng, năng lực xét nghiệm và truy vết phát hiện ca mới trong nhóm dữ liệu này.

Thứ ba, dữ liệu về tầm quan trọng và mức độ rủi ro của từng ngành, phân ngành kinh tế của thành phố. Nhóm dữ liệu này, theo ông Tự Anh, sẽ cho lãnh đạo thành phố thấy những ngành huyết mạch cần ưu tiên và bảo vệ.

Với đặc thù ở TPHCM, ông cho rằng những nhóm ngành này gồm dịch vụ thiết yếu – cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm, y tế; dịch vụ tài chính-ngân hàng; logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Xây dựng kịch bản ‘mở cửa’ theo từng cấp độ

Với các nhóm dữ liệu đầu vào, TS Vũ Thành Tự Anh đề xuất cách xây dựng kịch bản kiểm soát dịch bệnh và giãn cách xã hội khi bình thường hóa đời sống trong điều kiện mới dựa trên 2 ma trận.

Thứ nhất, ma trận dịch bệnh và mức độ phủ vaccine. Với giả định mức độ dịch được phân thành 3 cấp độ: thấp, trung bình và cao thì vaccine cũng được phân thành 3 cấp độ. Theo đó, lãnh đạo thành phố sẽ tính toán, đánh giá được mức độ dịch bệnh và độ phủ vaccine để có biện pháp giãn cách xã hội tương ứng.

“Khi dịch còn nghiêm trọng, độ phủ vaccine còn hạn chế thì giãn cách phải nghiêm ngặt – màu đỏ. Còn khi vaccine đã phủ rộng, đặc biệt cho đối tượng nhiều tuổi, có bệnh nền, đồng thời dịch được kiểm soát hoàn toàn thì chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường hóa – màu xanh. Giữa đỏ và xanh có chuyển biến cam, vàng cho thấy mức độ giãn cách xã hội được điều chỉnh vào từng giai đoạn cụ thể”, ông Tự Anh cho biết.

Với ma trận này, TPHCM sẽ có một số kịch bản kiểm soát mức độ dịch bệnh, gồm:

  • Lấy vaccine làm chủ đạo để giảm mức độ dịch;
  • Lấy vaccine để mở đường, có sự phối hợp tiếp bước của công tác điều trị;
  • Lấy công tác điều trị làm chủ đạo;
  • Đẩy mạnh song song công tác tiêm chủng và điều trị cho bệnh nhân để giảm mức độ dịch bệnh.

Cũng với ma trận này, ông Tự Anh cho rằng thành phố có thể đưa ra quyết định về giãn cách xã hội dựa trên 5 cơ sở, gồm:

  • Đánh giá tiến độ tiêm vaccine, nhất là nhóm trên 50 tuổi.
  • Phải có bằng chứng cho thấy vaccine có hiệu quả bao gồm ngừa lây nhiễm, trở nặng, tử vong.
  • Mức độ lây nhiễm không làm cho hệ thống y tế quá tải đến mức không thể trụ được bền vững.
  • Cần có đánh giá của Bộ Y tế về mức độ rủi ro dịch bệnh nếu xảy ra trường hợp có biến chủng mới của Covid-19.
  • Khả năng cung ứng của gói an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế.
Dữ liệu về tiêm chủng vaccine của đối tượng từ 50 tuổi trở lên là một trong những cơ sở quyết định biện pháp nới lỏng hoặc siết chặt giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Vũ.

Thứ hai, ma trận phối hợp giữa mức độ giãn cách xã hội, kết quả phân tích từ ma trận thứ nhất với mức độ ưu tiên, tầm quan trọng của ngành, phân ngành kinh tế của thành phố.

Theo ông Tự Anh, với mỗi trạng thái giãn cách xã hội khác nhau thì chính quyền thành phố sẽ có phương án ‘mở cửa’ phù hợp với từng ngành, phân ngành kinh tế. Cụ thể, các ngành có mức độ ưu tiên cao là điện, nước, viễn thông, lương thực, thực phẩm, y tế. Còn các ngành ưu tiên thấp là kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke…

“Nếu cấp độ giãn cách đang nghiêm ngặt báo động đỏ thì ngoại trừ các ngành rất quan trọng, các ngành còn lại phải đóng cửa. Trái lại thì các ngành khác được hoạt động trở lại”, ông Tự Anh cho biết.

Với hai ma trận này, ông cho rằng lãnh đạo TPHCM sẽ có một bảng điều khiển dữ liệu (dashboard – PV) về tình hình dịch bệnh, mức độ tiêm phủ vaccine ở từng địa bàn cụ thể, từ đó có quyết sách phù hợp nhất.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Những ưu tiên…

https://thesaigontimes.vn/nhung-uu-tien-chinh-sach-khi-mo-cua-nen-kinh-te/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *