Trần Quí Thanh
—–
Mỗi lần đọc những thông tin nông sản của Việt Nam bị dội hàng, nông dân ôm sản vật mà khóc ròng, có lẽ nhiều người không khỏi xót xa. Nông dân mình khổ quá.
Có những vụ dưa hấu, bắp cải, lợn, thanh long, tuy được mùa nhưng không bán được, cả xã hội đưa tay ra giải cứu. Một nền kinh tế từ thiện thì làm sao tồn tại được. Tôi có thể giúp anh một lần, nhưng chẳng lẽ cứ mua thịt heo của anh để ăn suốt tháng.
Nông dân không có lỗi gì trong việc này, mà trách nhiệm thuộc về ngành quản lý. Đất nước có một bộ để quản về nông nghiệp, có bộ để lo về chuyện buôn bán làm ăn, có các địa phương để lo chuyện kinh tế trên địa bàn mình quản lý. Cho nên, để xảy ra tình trạng thừa cung đến mức phải đổ cho bò ăn chứng tỏ năng lực quản lý điều hành còn hạn chế.
Thực ra, cũng không phải ai tài giỏi đến mức làm cái gì cũng trúng, vì thị trường có những xáo trộn, vượt ra khỏi dự báo của các nhà chuyên môn. Nhưng nếu năm nào cũng như năm nào, chúng ta đều vấp phải chuyện bội thực hàng nông sản thì đó là chúng ta tự tạo ra “quy luật thất bại” cho riêng mình.
Việt Nam có một nền nông nghiệp lâu đời, nhưng chưa xây dựng được một nền nông nghiệp mạnh như các nước New Zealand, Nhật Bản, Israel là do chúng ta kém. Nói vậy hơi thẳng nhưng mà thật.
Các chuyên gia chỉ ra rất nhiều điểm hạn chế của ngành nông nghiệp, như thiếu năng lực dự báo, quy hoạch manh mún dẫn đến sản xuất manh mún, nguyên nhân manh mún là vướng từ các quy định của pháp luật về đất đai. Tui đọc những điều này từ lâu, thấy rất hợp lý, nhưng đến nay chưa có sự chuyển biến tích cực.
Tui không bàn sâu về những hạn chế vừa nêu trên, chỉ đưa ra nhận định thế này. Thế giới đã nghiên cứu sâu về công nghệ sinh học và áp dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp của họ rất chất lượng vì khai thác tối đa các giá trị hỗ trợ. Họ có trình độ tạo ra con giống tốt, nghĩa là tốt từ đầu vào, cho đến quá trình sản xuất và cuối cùng là công nghệ sau thu hoạch. Cho nên, vấn đề của nông nghiệp Việt nam không chỉ dừng lại ở chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì”, mà là trồng và nuôi như thế nào?
Khoa học kỹ thuật tiến như vũ bão, chúng ta cứ loay hoay mãi trong mớ kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu thì không thể cạnh tranh được với thiên hạ.
Sài Gòn ngày 03/07/2018
TQT
Đọc thêm bài, Link: Nỗi gian truân của người nông dân và trách nhiệm của các Bộ trưởng
(http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Noi-gian-truan-cua-nguoi-nong-dan-va-trach-nhiem-cua-cac-Bo-truong-post187309.gd)