Nước giải khát giả ‘uy hiếp’ người tiêu dùng, cần có cơ chế xử lý triệt để

Bảo Bình/ Báo VietQ.vn

Ông Nguyên Văn Tư (Thứ tư từ phải sang) đại diên Tân Hiệp Phát tham gia giao lưu trực tuyến: Hiểm hoạ từ nước giải khát giả.

Để giải quyết tình trạng nước giải khát giả đang uy hiếp sức khỏe người tiêu dùng, cần có các chế tài mạnh xử lý các vi phạm trong kinh doanh mặt hàng này.

Nhiều tác hại khi sử dụng nước giải khát giả

Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại nước giải khát có hình dáng và mẫu mã giống với các hãng nước có tiếng như Pepsi ,Cocacola,…những sản phẩm làm nhái được bán tràn lan trên thị trường.

Tuy nhiên, chỉ có người tinh ý mới nhận biết được đâu là hàng giả. Với mẫu chai hoàn toàn giống với STING người sản xuất hàng nhái thay bằng STINGP, STINHP,… thì người không chú ý khó có thể nhận biết. Những sản phẩm này được bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá hàng STING thật.

Đáng chú ý là những cơ sở sản xuất hàng nhái này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng chai không được khử trùng, nguyên liệu của một số cơ sở làm từ hương liệu, nước giếng khoan và đường. Một số cơ sở khác còn dùng cả hóa chất để sản xuất. Việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo chuyên gia, việc sử dụng những loại nước giải khát giả có thể gây hại không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Tư – Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát cho biết, nước giải khát giả, không nhãn mác sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và nặng hơn là ngộ độc.

Về thông tin có cơ sở sử dụng màu sơn móng tay, móng chân để làm màu cho nước giải khát giả nhìn thật, ông Tư cho rằng phẩm màu công nghiệp như sơn móng tay mà các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sử dụng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như gây ngộ độc cấp tính, hoặc ung thư nếu bị tích lũy lâu dài.

Nước giải khát giả có nhiều nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa: nguồn VTV

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tư, trong quá khứ, đã có một lần sản phẩm Nước tăng lực Number 1 của Tân Hiệp Phát bị làm giả và đã được phát hiện bởi cơ quan chức năng. Lúc đó, Tân Hiệp Phát cũng phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh và xử lý triệt để.

Xung quanh vấn đề trên, PGS.TS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã đưa ra nhiều thông tin quan trọng. Theo vị này,không chỉ nước ngọt, nước giải khát mà bất kỳ loại thực phẩm nào chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép đều có hại tới sức khỏe, bởi không phù hợp với tiêu chuẩn ATTP của Việt Nam và của Ủy ban Codex.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chì là kim loại rất độc đối với các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ em.Khi nồng độ chì trong máu càng tăng thì chỉ số IQ của trẻ càng giảm. Vì thế, tại các quốc gia phát triển, việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, xăng…bị cấm hoàn toàn.

Với trẻ em, một cơ thể rất non yếu, chì sẽ gây ra tổn hại rất kinh khủng. Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, xương gây nên những tổn thương cho hệ thần kinh, não, đặc biệt là chì thường tập trung ở chất xám và tủy sống. Không những thế, mức hấp thụ chì ở trẻ em thường nhanh và cao hơn người lớn 3-4 lần. Cho nên, hậu quả của việc nhiễm chì ở trẻ em là rất nguy hiểm.

Vì thế, các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi lựa chọn những thực phẩm, trong đó là nước ngọt an toàn, để trẻ có một sức khỏe tốt.

Quản lý chất lượng nước giải khát ra sao?

Theo ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đối với sản phẩm nước giải khát phải công bố hợp quy hoặc xác nhận phù hợp quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và định kỳ phải xét nghiệm mẫu để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Việc sản xuất kinh doanh nước giải khát giả có thể bị chế tài hành chính và hình sự; Ngoài xử phạt bằng tiền còn áp dụng các biện pháp bổ sung và khắc phục như tịch thu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm, loại bỏ yếu tố vi phạm, đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến hàng hóa vi phạm,…

Tuy nhiên, ông Danh cho rằng các quy định pháp luật chế tài đối với hàng giả còn chồng chéo, trùng lắp nên khó áp dụng. Thủ đoạn của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi. Bắt đã khó, bắt được cũng khó mà xử lý. Nhiều vụ việc đề nghị khởi tố hình sự nhưng sau một thời gian bị trả hồ sơ lại, lúc đó xử phạt vi phạm hành chính cũng rất khó khăn.

Đương nhiên, các quy định pháp luật cần phải được sửa đổi bổ sung theo hướng tách bạch giữa hàng giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng giả về nội dung, công dụng chất lượng; Giữa quy định pháp luật chung (Thương mại) và quy định pháp luật chuyên ngành (Sở hữu trí tuệ); Hành chính và hình sự phải nhất quán.

Ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP.HCM cho biết, hiện nay nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua các quy định của pháp luật trong đó có luật bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đó, người tiêu dùng sẽ được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đồng thời có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Cũng theo ông Hồng, để quản lý tốt chất lượng các loại nước ngọt, nước giải khát, trước hết cần tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm cho các đối tượng là nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; kế đến là việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là các biện pháp nhằm bảo đảm người tiêu dùng được sử dụng nước giải khát có chất lượng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không nên mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm rẻ tiền. Đặc biệt là trong các trường học, nhà trường cũng nên tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh không nên mua những sản phẩm nước giải khát nhái, rẻ tiền, không rõ ràng về nơi sản xuất.

Theo luật sư Đặng Thành Trí, tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP, đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu thì tùy theo giá trị hàng hóa xâm phạm sẽ có mức phạt từ 500.000 đồng đến tối đa 250.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có các hình thức phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục như: Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm; Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm…

Bên cạnh đó, người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam (cụ thể ở đây là nhãn hiệu hàng hoá) gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức, phạm tội nhiều lần hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về “tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 171 BLHS hiện hành.

Theo báo Viet Q.vn
Link bài: Nước giải khát giả ‘uy hiếp’ người tiêu dùng, cần có cơ chế xử lý triệt để

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *