Nước và ba câu chuyện bàn về nước sạch

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Nước là nguồn tài nguyên quý giá, con người không thể làm ra được, và nó không phải là vô tận.

Nhiều quốc gia trên thế giới thiếu nước sạch, người dân sống trong tình trạng mất vệ sinh vì không có đủ nước sử dụng. Chiến tranh vì tranh giành nguồn nước cũng có thể xảy ra.

Còn Việt Nam thì sao, chúng ta đang phá hoại môi trường sống và chúng ta đang trả giá vì đã ứng xử không đúng với nguồn tài nguyên nước.

Trước hết là gây ô nhiễm nguồn nước. Tất cả những loại chất thải hiện nay đều thải thẳng ra sông, người ta tha hồ vứt rác xuống sông suối kênh rạch, chưa kể các loại chất thải khác, đổ trực tiếp từ khu dân cư, cơ sở sản xuất, bệnh viện ra sông hồ.

Lượng chất thải quá lớn, vượt quá khả năng tự làm sạch của sông suối, ô nhiễm nghiêm trọng. Rốt cuộc là con người gánh chịu hậu quả của sự ô nhiễm đó. Mới đây, tui xem phóng sự về ô nhiễm một số hồ và kênh rạch ở Hà Nội, nói thiệt là rùng mình sợ hãi.

Tiếp theo là nước ngầm đang bị bòn rút. Chúng ta khai thác nguồn nước ngầm một cách tùy tiện, và chắc chắn phải trả giá. Riêng Sài Gòn sẽ sụt lún nhanh hơn, cộng với nước biển dâng, chi phí cho việc chống chọi sụt lún là khủng khiếp. Đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy, với tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay, cùng với biến đổi khí hậu, 100 năm sau e vùng châu thổ này chìm trong nước biển. Bãi bể nương dâu là đây chứ đâu.

Thứ ba, trong khi thiếu nước sạch để dùng thì lại thừa nước bẩn và thừa nước ngập lụt. Tui từng có bài viết nói về quá trình đô thị hóa là đứt kinh mạch của cơ thể địa lý, trái với quy luật của tự nhiên, nên sinh ra ngập lụt. Một khu đô thị mọc lên là nhiều ao hồ lớn bé, kênh rạch bị lấp. Những ao hồ là túi chứa nước, những kênh rạch vừa để chứa nước vừa là lối thoát nước. Khi các ao hồ và kênh rạch bị chặn, có nghĩa là xóa bỏ toàn bộ hệ thống cân bằng nguồn nước trong tự nhiên. Tui nói thiệt, ngập ở Sài Gòn là hết cứu.

Nhưng cứu được cái gì thì cứ cứu, còn hơn tiếp tục làm cho nó tệ hại, trầm trọng hơn. Đầu tiên là làm sạch tất cả các sông suối, ao hồ, nạo vét hết rác và tuyên truyền cùng với đưa ra các biện pháp để người dân không xả rác ra môi trường nữa.

Những kênh rạch, ao hồ nào có thể “phục hồi” được thì làm ngay. Trịnh Công Sơn nói “có một dòng sông đã qua đời”, thì cũng có thể có một dòng sông sẽ tái sinh. Chúng ta dư khu đô thị, khu dân cư, nhưng thiếu hệ thống chứa nước tự nhiên như nó đã từng có.

Về thái độ ứng xử của con người với nước, không còn chữ nào hay hơn là tiết kiệm. Các bạn có biết không, cho dù các bạn có rất nhiều tiền, thừa sức trả cho việc xài nước vô tư của mình, thì cũng hãy tiết kiệm, vì hành tinh của chúng ta đang thiếu nước, nhiều người chung quanh ta không có đủ nước sạch để sử dụng.

Sài Gòn ngày 12/09/2018

TQT

Đọc thêm bài, Link: Quản lý nước đô thị: Từ ‘quả ngọt’ địa ốc đến ‘trái đắng’ tài nguyên nước

(https://nguoidothi.net.vn/quan-ly-nuoc-do-thi-tu-qua-ngot-dia-oc-den-trai-dang-tai-nguyen-nuoc-15197.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

3 Comments

  • · Edit

    Con đọc và trộm nghĩ:
    Có lẽ trước học xây dựng những tòa nhà cao tầng, chọc trời, những cao ốc…thì có lẽ người ta nên học xây dựng những hệ thống thoát nước – xử lý nước tiên tiến và bền vững trước đã. Chứ cứ để hiện trạng: mất bò mới lo làm chuồng – ngập thì thông, lút thì lấp như thế này hoài thì thật…đau lòng hết sức ạ!!!
    Cảm ơn chú đã chia sẻ <3

    Reply
      • Từ việc cho xây dựng khu Phú Mỹ Hưng là đã đặt “cơ sở” cho căn bệnh ngập triền miên rồi chú à. Q7 là vùng thoát nước tự nhiên của thành phố, giờ bị bê tông hóa, không còn có khả năng diều tiết nước tự nhiên luôn chú ơi

        Reply

Bình luận

Required fields are marked *