Ở nhà với con thì làm gì cho hết ngày?

Anh Lưu/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Bãi chiến trường nhà tôi

“Ở nhà nuôi con, chơi với con thì làm gì cho hết ngày?”. Nhận xét này là của chung nhiều người, ngay cả chồng của bạn cũng nghĩ thế thôi.

Nhiều người cho rằng, ở nhà nội trợ chăm con giai đoạn bỉm sữa chính là khoảng thời gian nghỉ ngơi, nhàn nhã. Có người còn ngợi ca đó là thời điểm thư giãn tuyệt vời. 

Họ nghĩ, con trẻ ngủ suốt ngày, hễ nó khóc, cứ cho bú sữa. Mẹ nằm bên cạnh con, vừa canh giấc ngủ của nó vừa lướt web, tha hồ “tám” cùng nhóm trên Facebook. Đấy, có việc gì phải tất bật đâu? 

“Ở nhà nuôi con, chơi với con thì làm gì cho hết ngày?”. Nhận xét này là của chung nhiều người, ngay cả chồng của bạn cũng nghĩ thế thôi.

Không tin à, bạn cứ hỏi, ắt có câu trả lời. 

Nhưng nào đâu chỉ chăm con mới là mối quan tâm của người phụ nữ ở nhà? Còn phải giữ cho nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Bạn nghĩ việc này “nhỏ như con thỏ” chứ gì?  Không đâu, cũng dễ stress căng thẳng ngang ngửa việc chăm sóc con nhỏ đấy.

Có phải tôi “quan trọng hóa vấn đề” không?

Xin thưa, hai việc này liên quan mật thiết với nhau. Với em bé từ lúc sinh ra đến tuổi mẫu giáo, về tâm lý phát triển thì chúng bắt đầu tìm hiểu thế giới xung quanh, đầu tiên là mọi vật trong nhà. Mọi thứ đã sắp xếp ngăn nắp, qua sự tò mò của bé, sẽ là gỡ món kia, xem vật nọ, bạ đâu vứt đó khiến nhà cửa xáo trộn như… bãi chiến trường. 

Do không hiểu tâm lý và chưa chứng kiến hành động của trẻ nên nhiều người khó đồng cảm và chia sẻ. Với tư cách là “người trong cuộc”, tôi có thể khẳng định đây là giai đoạn người phụ nữ ở nhà cực nhọc nhất: vừa chăm con vừa phải làm việc không ngơi tay. Họ dễ dẫn tới tâm lý cau có, bực bội trong thời điểm  bé chập chững biết đi –  nói một cách hình tượng là chẳng khác gì… cơn bão cấp 12. “Bão” đi đến đâu là mọi vật dụng “đang yên đang lành” lại xáo trộn đến đấy. Bé lấy cái này, quăng cái kia, bạn tha hồ dọn dẹp từ ngày này qua 
ngày nọ…

Không riêng gì tôi, các bà mẹ trẻ khác cũng “biểu quyết đồng tình”: Sắp xếp nhà cửa và chăm sóc con cái là một công việc ngốn hết thời gian trong ngày. Vậy, giữa bận rộn, tất bật, ta phải làm sao để có thể nhàn nhã, thong dong? Thiết nghĩ, các mẹ chỉ cần thay đổi một chút thái độ và cách làm thôi, và tập… chấp nhận.  

Chẳng hạn, ta chấp nhận sự bừa bộn, bày biện không ngăn nắp, sạch sẽ do bé gây ra. Lúc con bày đồ chơi, cứ để con tự nhiên, con ăn uống có rơi rớt, hay tè dầm ra nệm… thì mình vẫn mỉm cười vui vẻ, bình thản và không cáu – một thái độ tích cực để giữ không khí gia đình vui vẻ. Chấp nhận bừa bộn là không nên vội vã thu dọn mọi thứ vì sẽ cản trở sự tìm hiểu, tò mò, khám phá của con. Mà, lúc đó mình dùng thời gian đó cùng chơi với con, há chẳng thích sao? Chỉ nên lau dọn, sắp xếp khi con chơi đã mệt, đã chán, không bày nữa… 

Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK

Chấp nhận, phân chia khu vực trong nhà rõ ràng. Đồ nào ở đâu sẽ luôn để cố định ở đó, hạn chế di chuyển chúng. Phải có những góc nhỏ dành riêng cho con, và vừa tầm với của con. Như kệ giày dép của bé riêng, cái móc đồ thấp để bé tự treo áo khoác, nón… Có thể tận dụng vài thùng giấy để phân loại đồ chơi sách vở. Kiên trì mỗi ngày con chơi xong thì hướng dẫn con xếp đồ vào,  dần dần hình thành ý thức về sự trật tự.

Chấp nhận mua sắm tối giản. Nói nôm na cứ chọn đồ đạc kiểu dáng đơn giản, có tính ổn định. Để tránh thay thế quá nhanh hay phải mua nhiều rồi chật nhà. Chỉ mua những món đồ chơi giáo dục, chơi được lâu dài như kiểu lắp ráp, tạo mô hình. Nên tận dụng giấy màu để sáng tạo đồ thủ công cho con. Vật dụng trong nhà hãy tuân thủ nguyên tắc đồ cũ rồi sẽ thay. Nếu muốn mua đồ mới, phải dọn bớt đồ cũ thừa không dùng nữa.

Chấp nhận sự hỗ trợ từ các thiết bị công nghệ, dù tốn kém, hoặc bị ai đó chê lười biếng kiểu như “có mấy hột bụi mà không cầm nổi cái chổi lên quét, cần gì máy hút tốn điện tốn tiền?”. Thật sự đây là những khoản đầu tư cần thiết. Có sự trợ giúp của công nghệ, như một cái hút bụi chẳng hạn, sẽ giải quyết rất nhiều mệt mỏi phiền phức với những lớp bụi mịn, tóc tai hay đồ ăn rơi vãi tứ tung trên sàn.

Một chiếc nồi điện đa năng, có những chế độ nấu hỗ trợ, chỉ việc cho nguyên liệu cắm điện và để đó, không cần canh lửa, nếu lỡ lo làm việc mà quên cũng không bị cháy khét… Những món đồ này tốn kém, nhưng bù lại tiết kiệm được thời gian công sức, tinh thần vui vẻ dành thời gian dẫn con đi chơi, cho chúng vận động sẽ ăn ngon và ngủ sớm… Rất đáng để đầu tư. 

Nguồn:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Ở nhà…

https://www.phunuonline.com.vn/o-nha-voi-con-thi-lam-gi-cho-het-ngay–a1451562.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *