Phải bắt đầu từ giáo dục thẩm mỹ ở nhà trường

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet.

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Ngưỡng mộ  anh từ lâu nhưng chưa có dịp được diện kiến. Được cô cháu giới thiệu trang blog  này, đọc rất thú. Bất ngờ  và thú vị  anh ạ. Thấy blog có chuyên mục Chat với mọi người bèn mạo muội gửi đến anh tâm sự này:

Vốn làm báo (địa phương), cũng có tham gia hoạt động văn học nghệ thuật, tôi rất buồn nhận ra rằng thẩm mỹ đại chúng đang đi xuống tới mức báo động. Một bộ phim không thể xem nỗi 10 phút lại có doanh thu hàng chục tỉ. Sách vở, âm nhạc, sân khấu đều ở tình trạng “nhố nhăng lên ngôi” anh ạ. Có thể nói thẩm mỹ đại chúng của chúng ta đang hư hỏng rất nặng. Theo anh lý do chính ở đâu, và làm thế nào để chữa chạy căn bệnh trầm kha này?

Chúc anh vui khoẻ, mần ăn tấn tới.

Lê Minh Khôi A (Sài Gòn): khoiaminhle_sg@gmail.com


—–

Anh Lê Minh Khôi mến!

Có một mẫu số chung ở bất cứ cộng đồng nào, quốc gia nào, đó là nghệ thuật càng cao thì đòi hỏi trình độ thẩm mỹ của công chúng phải cao. Bởi vì, không phải ai cũng đọc được tác phẩm văn chương đạt giải Nobel, cảm thụ được một buổi hòa nhạc cổ điển hay nuốt trôi được một vở kịch có nội dung mang tính triết lý sâu sắc.

Muốn có trình độ thẩm mỹ cao thì phải nói đến giáo dục thẩm mỹ, và đây là một hạn chế rất lớn trong hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay.

Anh thấy công chúng thích xem những phim rẻ tiền, chạy theo những sô hát chất lượng nghệ thuật thấp và cho rằng đó là do các nhà kinh doanh ngành giải trí đã thị trường hóa nghệ thuật. Điều đó không sai, nhưng công chúng nào thì thị trường đó, một công chúng được giáo dục thẩm mỹ ở trình độ thích xem phim truyền hình Hàn Quốc với nội dung lặp đi lặp lại gồm “tình tay ba, bị tai nạn giao thông, mất trí nhớ”, thì không thể cung cấp những món ăn nghệ thuật cao hơn.

Nghệ sĩ dương cầm lừng danh Richard Clayderman đến Việt Nam trong lặng lẽ, nhưng những ca sĩ Hàn Quốc sang thì cả vạn bạn trẻ ra đón ở sân bay, nhiều đứa khóc ré lên ngất xỉu vì được nhìn thấy thần tượng. Công chúng đó thì thị trường nghệ thuật rẻ tiền phải lên ngôi thôi. Và công chúng có thẩm mỹ đó là do giáo dục mà ra.

Nếu anh Khôi đi Nhật Bản hay châu Âu thì sẽ thấy rất rõ, ở các nhà ga, sân bay, bến xe, trong khi chờ đợi, người ta đọc sách rất chăm chỉ. Ở trên tàu, trên máy bay, người ta cũng tranh thủ đọc sách. Còn ở Việt Nam, văn hóa đọc càng ngày càng thấp, vì sao ư, xin dành câu hỏi đó cho ngành giáo dục.

Nói về giáo dục thẩm mỹ thì nhiều chuyện để bàn lắm, nhưng tui xin đưa ra ví dụ thế này. Ở các nước châu Âu, nhà trường có các chương trình ngoại khóa, cho học sinh đi tham quan bảo tàng, nhà lưu niệm các tài năng văn học nghệ thuật, âm nhạc, hội họa để các em được tiếp cận, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của những nhân tài nghệ thuật. Đó là giáo dục thẩm mỹ, đặt ra mục đích nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường thì mới có được những thế hệ có cảm thụ nghệ thuật và biết thưởng thức nghệ thuật.

Anh Khôi, tôi và mọi người tự xem lại chính cá nhân của mình thì tự khắc sẽ rõ, nhà trường đã giáo dục thẩm mỹ cho chúng ta những gì trong suốt cả quá trình học phổ thông cũng như đại học?

Hay là những câu khẩu hiệu sáo rỗng?

Chào anh, chúc anh năm mới vạn sự như ý.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1956@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *