Phải thay gạo bằng khai thác thủy sản có giá trị cao ở ĐBSCL

Trần Quí Thanh

Canh tác thuần cây lúa có kéo người nông dân thoát nghèo và bất ổn? Ảnh: Lê Anh Tuấn

—–

Với trình độ phát triển khoa học kỹ thuật ngày nay, lối sản xuất nông nghiệp cũ không còn phù hợp, hiểu theo cả hai khía cạnh năng suất và chất lượng.

Cụ thể về việc sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay vẫn chạy theo số lượng, bao năm nay chất lượng vẫn không thay đổi. Việt Nam chưa nghiên cứu sản xuất được những giống lúa có năng suất và chất lượng cao như Thái Lan, tỉ lệ tấm thấp nhất.

Chúng ta không mượn sức khoa học mà lấy sức nông dân để khai thác thật nhiều diện tích canh tác, thay vì hai vụ thì nâng lên ba vụ để thu hoạch thật nhiều lúa nhằm xuất khẩu.

Nhưng, xuất khẩu gạo có lúc đứng đầu thế giới vẫn không mang lại điều gì ghê gớm cho nền kinh tế, chẳng qua chỉ là niềm tự hào cảm xúc nhất thời và an tâm vì đã từ một nước từng thiếu đói nay đã dư gạo xuất khẩu.

Các chuyên gia kinh tế từng phân tích, một chiếc iphone 6 đổi được 1,2 tấn gạo, nếu quy đổi khẩu phần ăn 15kg gạo/người/tháng thì đủ cho một gia đình ăn trong 20 tháng.

Đó là tính với sản phẩm công nghệ, còn so với hàng nông sản, thì lúa thua xa con tôm, vậy thì tại sao cứ chạy theo số lượng gạo xuất khẩu.

Để cho lúa gạo “có giá” thì không nên chạy theo số lượng, mà quy hoạch sản xuất và cải tạo giống để sản xuất giới hạn trong bảo đảm an ninh lương thực và có nguồn xuất khẩu chất lượng cao nhưng không để dư thừa vượt nhu cầu của thị trường, dẫn đến phải giải cứu lúa.

Dành nguồn lực tài nguyên đất và con người cho nuôi trồng thủy sản, phát huy giá trị của con tôm, các thủy sản khác và cây ăn trái.

Nghị quyết 120 xác định ba trụ cột ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo. Có nghĩa rằng, thủy sản là ưu tiên.

Nhưng có một khó khăn hiện nay, đó là vùng biển nuôi tôm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nuôi tôm được 2 mùa, quá lắm là ba mùa, sau đó không còn hiệu quả, thậm chí thua lỗ vì tôm chết. Nguyên nhân duy nhất là nguồn nước bị ô nhiễm .

Tui không phải nghề nông nghiệp, nhưng thích đọc, tìm hiểu, cho nên xin đưa ra quan điểm riêng như vầy:

  1. Không ưu tiên trồng lúa, ưu tiên nuôi trồng thủy sản.
  2. Áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để nuôi trồng thủy sản nhưng không ảnh hưởng tới môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
  3. Không can thiệp vào thủy văn ĐBSCL, mà thuận theo tự nhiên để nuôi trồng thủy sản và tạo lập vùng cây ăn trái nhiệt đới xuất khẩu có giá giá cao.
  4. Không khai thác đất trồng lúa sâu vào lục địa để mặn xâm nhập, vượt quá sức thau chua rửa mặn tự nhiên. Đất sẽ bị nhiễm mặn nặng nề, nhất là trong điều kiện tiêu cực, nguồn nước sông Mekong không về đủ lượng phù sa bù đắp và tẩy phèn, do các đập thủy điện chặn dòng từ thượng nguồn.
  5. Không khai thác nguồn nước ngầm cho sinh hoạt và trồng trọt, bởi vì cách sử dụng tài nguyên nước này sẽ làm cho ĐBSCL sụt lún nhanh hơn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

 

Sài Gòn ngày 17/03/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Chuyện đê bao, lúa ba vụ và giải cứu lúa

(https://www.thesaigontimes.vn/286233/chuyen-de-bao-lua-ba-vu-va-giai-cuu-lua-.html?fbclid=IwAR1IZe0-1elZ1UmYxACQq7UDrRlJ7j8Ey9OAuk0vJSRNNtBgmOkDOE3x7d8)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *