Trần Quí Thanh
Rất nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến quy định giảm giờ làm được đề xuất nhằm sửa đổi Bộ luật Lao Động từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.
Người ủng hộ cho rằng đó là nhân văn, để giúp người lao động giữ gìn sức khỏe, tái tạo sức lao động. Nghe qua rất hợp tai, vì ai cũng thấy rằng cần phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, đó mới là văn minh.
Nhưng thực tế cuộc sống khác xa với những gì con người ta ngồi trong căn phòng để mơ mộng. Các nhà làm chính sách cũng nên bước ra với cuộc sống, quan sát những công nhân trong các nhà máy, ăn cùng bữa cơm với họ, đến các nhà trẻ mà con họ đang được gửi, để thấy họ cần cái gì. Cần nghỉ ngơi hay cần được đi làm.
Singapore quy định 44 giờ/tuần thì Việt Nam phải theo cho kịp họ hay sao? Không thể được vì trình độ phát triển của Việt Nam không bằng Singapore. Năng suất lao động của chúng ta thấp hơn họ, đầu tư dây chuyền công nghệ và áp dụng công nghệ của họ cao hơn chúng ta, đặc biệt là thị trường lao động Singapore khá ổn định.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển với nhiều nhà đầu tư tham gia vào nền kinh tế, cần nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư, tỉ lệ thất nghiệp thấp, tạo ra khan hiếm lao động. Cho nên, việc giữ giờ lao động như hiện nay là cần thiết, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Hiện nay, đang xảy ra tình trạng tranh giành lao động ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động, nếu như giảm giờ làm sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Quy định hạn chế giờ làm thêm cũng xa rời với cuộc sống. Công nhân rất muốn làm thêm để tăng thu nhập, và đó chính là thực tế mà các nhà chính sách cần phải đồng hành.
Hãy cứ quan sát chính cuộc sống thì sẽ hiểu. Nếu như không cho công nhân làm thêm trong nhà máy thì về nhà họ cũng tìm cách làm thêm, vì đó là nhu cầu của chính họ. Nhiều người chay grab hoặc làm nhiều việc khác. Vậy thì việc hạn chế giờ làm thêm trong nhà máy để họ được nghỉ ngơi là điều hết sức vô nghĩa.
Về phía doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn. Sức ép của tăng lương cho người lao động, nhưng giá gia công giảm, cạnh tranh thị trường tạo áp lực lên giá thành, vậy thì việc tuyển dụng người lao động mới thay vì phải tăng ca là điều quá sức với doanh nghiệp. Tuyển dụng công nhân không phải dễ, thêm người là thêm nhiều chi phí khác, không đơn giản chỉ là một cái tên trong bảng lương.
Đưa ra một quy định, mà chính nó không phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động, không phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vậy thì quy định đó không đồng hành với cuộc sống.
Sài Gòn ngày 02/10/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: “Giảm giờ làm tiêu chuẩn là thiếu thực tế”
(https://www.thesaigontimes.vn/294657/giam-gio-lam-tieu-chuan-la-thieu-thuc-te.html)