Vụ việc Trường THCS Ngô Quyền, Q.Tân Bình (TP.HCM) bắt một học sinh đọc kiểm điểm trước toàn trường, quay clip đưa lên mạng vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS đã tạm lắng. Nhưng quanh vấn đề này, vẫn có hai luồng dư luận, ủng hộ và phản đối hình phạt này. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình.
Vậy trừng phạt và khen thưởng – hiểu thế nào cho đúng?
Khi nào thì nên trừng phạt?
Khen thưởng (từ chuyên môn của ngành tâm lý học là củng cố) là những kích thích từ môi trường khiến hành vi tiếp tục xảy ra. Phần thưởng có thể là vật chất (đồ chơi, sách vở, quần áo, tiền bạc…), cũng có thể là phi vật chất (lời khen, cái ôm, nụ hôn…). Còn trừng phạt là những kích thích khiến hành vi thay đổi hoặc xảy ra ít hơn. Ví dụ như đánh đòn, cấm xem ti vi, cấm đi chơi, phạt tiền… Khen thưởng và trừng phạt là hai biện pháp không thể thiếu trong quá trình giáo dục một đứa trẻ.
Dù nhiều người phản đối quan niệm “thương cho roi cho vọt” nhưng trên thực tế, trừng phạt vẫn hiệu quả trong một số trường hợp nhất định, ví dụ như khi trẻ thực hiện các hành vi nguy hiểm: chuẩn bị thọc tay vào ổ điện, sắp đụng vào bếp lò đang nóng… Khi đó, thay vì nhẹ nhàng giải thích, việc người lớn cần kéo trẻ ra, thậm chí đánh vào bàn tay trẻ có thể sẽ khiến trẻ nhớ và không lặp lại hành vi đó nữa.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc trừng phạt phải đi kèm với lời giải thích. Phạt nặng không hiệu quả bằng phạt ngay và phạt chắc chắn. Tốt hơn hết là ngay từ đầu, giữa cha mẹ, thầy cô và trẻ cần nói chuyện, thỏa thuận về những hành vi mà trẻ sẽ được khen thưởng hay bị trừng phạt.
Khi việc đã xảy ra, sẽ có căn cứ để thực hiện sự cam kết ban đầu. Hiệu quả nhất là cho đối tượng có quyền lựa chọn hình phạt dành cho mình, khi đó trẻ sẽ dễ “tâm phục khẩu phục” hơn.
Một nguyên tắc nữa khi trừng phạt là không bao giờ lấy đi những thứ thiết yếu mà chỉ cắt đi những thứ thêm vào. Những thứ thiết yếu chính là những thứ trẻ cần để duy trì cuộc sống hằng ngày: cơm ăn, nước uống…
Trong trường hợp này thì nhu cầu được yêu thương, được tôn trọng, cảm giác an toàn… cũng chính là thứ trẻ cần cho cuộc sống và sự trưởng thành về mặt cảm xúc lẫn nhân cách của mình. Còn những thứ thêm vào là những thứ trẻ muốn: ví dụ ăn nhà hàng, đi xem phim… Đây là những thứ mình có thể “lấy” đi của trẻ khi trẻ không thực hiện những hành vi tốt hoặc thực hiện hành vi xấu. Thêm vào đó, việc trừng phạt cũng cần cân nhắc tới độ tuổi của đối tượng và bảo đảm tính giáo dục.
Mặt trái của việc trừng phạt
Việc đe dọa bằng hình phạt thường không có tác dụng trong việc củng cố hành vi tốt. Trong khi xây dựng thói quen thực hiện hành vi tốt là mục tiêu quan trọng của giáo dục. Tính hiệu quả lâu dài của trừng phạt thường không được đảm bảo. Khi hình phạt kết thúc cũng là lúc trẻ dễ tái lập hành vi xấu.
Thay vì biết cách làm những việc tốt, trẻ sẽ có các hình thức lẩn tránh hoặc đối phó để tránh bị trừng phạt. Ngoài ra, trẻ có thể sợ hãi với hình phạt, thù hận người trừng phạt mình, điều này không tốt cho trẻ trong việc học hỏi. Dần dần, trẻ sẽ có thái độ tương tự khi trưởng thành.
Việc trừng phạt – đặc biệt là trừng phạt bằng bạo lực – đối với trẻ sẽ khiến trẻ cảm nhận rằng trừng phạt là cách nhanh nhất, dễ nhất để giải quyết vấn đề. Do đó, khi lớn lên trẻ dễ dùng các biện pháp hung bạo để kiểm soát mọi thứ; có thể ngăn cản trẻ trong quá trình học cách chung sống với mọi người, ngăn cản trẻ đến với thành công, hạnh phúc và bình an.
Sức mạnh của khích lệ
Trừng phạt – một mặt nào đó, chỉ cho trẻ biết việc xấu không được làm, chứ không dạy trẻ những việc tốt cần thực hiện. Chưa kể, cấm hành vi này thì có thể có hành vi khác xuất hiện khi cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khen thưởng điều đúng tốt hơn là trừng phạt điều sai.
Đôi khi, trừng phạt chỉ là cách mà người lớn thực hiện để trấn an mình và thường là không đạt được hiệu quả như mong muốn. Ví dụ, thay vì la mắng, đánh đòn, cấm đoán, cần phân tích cho trẻ hiểu những điều trẻ đã làm tốt và chỉ ra cho trẻ những điều trẻ chưa làm tốt, tạo cơ hội cho trẻ sửa sai.
Người lớn cũng cần lưu ý sử dụng các từ ngữ tích cực trong giao tiếp với trẻ, thay vì: “mẹ cấm con chơi game” thì có thể bảo rằng “vui chơi, giải trí là nhu cầu cần thiết của con và mẹ tôn trọng điều đó. Nếu mỗi ngày con học và làm bài xong thì mẹ sẽ thưởng cho con 30 phút chơi game”. Phần thưởng và sự khích lệ sẽ tạo cho trẻ động lực trong học tập, sinh hoạt và thắt chặt mối quan hệ trong gia đình.
Trên báo chí, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp những câu chuyện cảm động mà tác giả kể về những sai lầm thuở nhỏ, được thầy cô, người lớn phân tích đúng sai và bao dung tha thứ, khiến họ học được bài học sâu sắc và sau đó không bao giờ lặp lại những hành vi sai trái đó nữa. Rõ ràng là trong nhiều trường hợp, sự khích lệ hiệu quả hơn so với trừng phạt – kể cả trừng phạt liên quan tới thể xác hay tinh thần của trẻ.
Quay lại với câu chuyện xảy ra ở Trường Ngô Quyền, biện pháp trừng phạt của nhà trường không bảo đảm tính giáo dục, không chắc chắn về hiệu quả của việc ngăn ngừa hành vi xấu (xúc phạm người khác trên mạng xã hội) và khích lệ hành vi tốt (sử dụng mạng xã hội hiệu quả, đúng cách). Chưa kể, việc công khai đưa hình ảnh em học sinh đọc lời xin lỗi lên mạng xã hội như vậy, rõ ràng là quyền trẻ em chưa được tôn trọng. Và chính nhà trường cũng chưa biết cách sử dụng mạng xã hội đúng cách!