Hoàng Anh Tú/ Báo VnExpress
Tính tự giác chấp hành pháp luật của con người được nâng cao chỉ khi pháp luật thực thi một cách nghiêm minh, đó chính là quy luật của xã hội.
Chúng ta hay khen người dân Singapore, Nhật bản, Hàn Quốc nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, đơn giản vì đối với nước họ, vi phạm luật đã bị xử phạt thẳng tay.
Các quốc gia đó xử phạt thẳng tay là vì người thi hành công vụ dựa trên các kết quả đo được từ công cụ công nghệ, không cảm tính, không xin xỏ, không tiêu cực.
Việt Nam đang kêu gọi chuyển đổi số, sẽ là một quốc gia công nghệ với slogan “Make in Việt Nam”, nếu làm được một sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho giám sát, quản lý và xử phạt vi phạm giao thông thì quá tuyệt.
Sản phẩm trí tuệ nhân tạo đó không chỉ giúp cảnh sát giao thông phạt nguội chính xác, mà quản lý lái xe không sót một hành vi vi phạm nào. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu để áp dụng các mức xử phạt, kể cả trừ điểm bằng lái, đóng bằng lái nếu muốn.
4 năm qua, Việt nam có gần 40.000 người chết vì tai nạn giao thông, đó là tính bình quân, còn năm 2020 có giảm hơn các năm trước, tuy nhiên không đáng kể.
Giảm tai nạn giao thông năm qua không phải hoàn toàn do người tham gia giao thông tự giác, mà một phần do có nhiều thời gian giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19, có một phần do tác động của Nghị định 100, “uống rượu bia thì không được lái xe”.
Nếu như áp dụng ngay phát nguội, có ứng dụng công nghệ và sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong quản lý, giám sát và xử phạt các hành vi v i phạm pháp luật giao thông, tui tin chắc trong 3 năm, tai nạn giao thông sẽ giảm xuống một nửa so với con số của năm 2020.
Trần Quí Thanh
Không ai muốn gặp và bị phạt bởi cảnh sát giao thông trên suốt con đường mình đi.
Đặc biệt là các tay lái ẩu. Đặc điểm: hay nhìn trước ngó sau, thấy không có cảnh sát giao thông là vượt đèn, lấn làn, đi vào làn BRT hay đỗ bậy, dừng sai.
Thế nên không ngạc nhiên khi năm vừa qua, chỉ với 200 camera mà công an Hà Nội đã phạt nguội đến 16 nghìn trường hợp. Có những điển hình như tài xế taxi công nghệ vi phạm 28 lần cùng một lỗi, hay nam tài xế 16 lần vi phạm. Riêng tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, hơn 1.200 ôtô đã bị camera ghi lại việc dừng đỗ trái phép.
Nếu số camera nhiều hơn 200, tôi tin chắc biên bản phạt không dừng lại ở 16 nghìn. Bởi mỗi ngày ra đường, thử đếm sơ sơ, tôi cũng liệt kê được 10 – 20 tài xế phạm luật chỉ trên một chặng ngắn. Bóng dáng cảnh sát giao thông trên các con đường, dù không phải phương án tối ưu, đã thực sự “giúp” cánh tài xế trở nên tuân thủ giao thông hơn.
Hơn hai tuần qua, sau khi triển khai hình thức phạt nguội ôtô dừng sai nơi quy định, công an Hà Nội đã xử lý được hơn 500 trường hợp vi phạm. Đây mới là thử nghiệm tại 8 tuyến phố chứ chưa phải toàn thành.
“Phạt nguội” đang trở thành từ khoá khá nóng mùa đông này. Và thú vị là hầu hết mọi người đều ủng hộ. Chỉ có một số, như mọi khi, trước những quy định mới, sẽ lại cắc cớ đưa ra những lý do. “Lỡ tôi cho bạn mượn xe, chả lẽ tôi cũng bị phạt oan à?”, hay “nhiều người che biển số hoặc dán băng dính đen lên biển số, biến số 3 thành số 8, lỡ trùng biển xe tôi, tự nhiên tôi bị phạt oan?”…
Không nóng sao được khi mà đầu tiên phải thẳng thắn rằng, phạt nguội giúp triệt thoái những tiêu cực. Sẽ chẳng ai giúi tờ 200 hay 500 nghìn vào những “mắt thần”. Mọi thứ trở nên tường minh với những lỗi bị camera chụp được. Mọi tài xế đều bình đẳng trước “mắt thần” không phân biệt biển đỏ hay biển xanh; miễn phân bua bằng những cuộc “gọi điện cho người thân”; không lớn tiếng tị nạnh “tại sao ông đi trước vi phạm anh không bắt mà lại bắt tôi?”. Nên, tôi tin thị dân ủng hộ nhiệt liệt phạt nguội.
Với công nghệ, chỉ có hai kiểu người ở đây: vi phạm và đúng luật. Cứ đi đúng luật thì không sao cả. Thậm chí, đường xa bon bon lái, chẳng phải hơi một tí xuống xe cho các chiến sĩ cảnh sát giao thông chào hỏi.
Có vài lần đi công tác tại Hàn Quốc hay Trung Quốc, tôi luôn được chính các tài xế ở đó cho thấy họ “sợ” vi phạm giao thông đến thế nào. Dù chỉ nhấp môi vào ly bia, họ cũng kiên quyết không lái xe. Chở chúng tôi đi ăn, họ đỗ ngay trước cửa quán cho khách xuống và phải mất đến 30 phút để đi tìm chỗ đỗ xe được phép. Dù khi ấy là một giờ sáng, họ quyết không dám đậu sai. Chuyện vượt đèn đỏ thì chẳng bao giờ dù đường vắng thế nào hay lúc đó là bốn giờ sáng đi chăng nữa.
Có những chuyến đi, tôi không tìm thấy bóng dáng cảnh sát đâu. Bởi ở đó, cảnh sát giao thông còn bận làm những công việc khác chứ không rảnh mà đi lập chốt hay lòng vòng trên phố. Mọi thứ đều đã có camera phụ trách. Rét mướt, họ ngồi trong phòng ấm soi màn hình chứ không run cầm cập lái xe vòng vèo trên phố như bên mình. Khi đó, tôi vẫn nghĩ “ý thức người ta cao hơn mình”. Nhưng không phải, ý thức nào mà không cần chế tài và một cơ chế giám sát thường xuyên?
Đợt gần cuối năm 2020, công an cả nước ra quân xử lý vi phạm giao thông, đo nồng độ cồn và ma tuý, tôi nghe rát tai từ chính các tài xế rằng họ bị “ngoắc vào kiểm tra” mệt mỏi thế nào. Và họ đều chép miệng nói với tôi: “đợi mấy hôm nữa hết chuyên đề thì đâu lại hoàn đấy thôi”.
Lâu nay, thành thông lệ, cảnh sát giao thông ra quân xử lý rầm rộ theo từng đợt, hết đợt đâu lại vào đấy. Kể cả việc đội mũ bảo hiểm, nói là thành công nhưng ta vẫn không hiếm gặp người không mũ bảo hiểm chạy trên đường. Hay sau vụ người đi đường bị tôn cứa cổ, giờ vẫn thấy những xe chở tôn chạy hà rầm trên phố. Nghị định 100 rộ lên xong lại “hiền hoà” trở lại, khi quanh các quán nhậu, ta vẫn thấy người mặt đỏ phừng phừng leo lên xe “mát chân ga” chạy về nhà. Chỉ đến khi những tai nạn thương tâm xảy ra…
Phạt nguội đừng để nguội. Phạt nguội nhưng phải thật nóng. Ý tôi là rất nóng trong việc xử lý đến cùng, để công tâm và không bỏ lọt bất cứ trường hợp vi phạm nào. Nếu tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, sẽ không một ai có thể vi phạm rồi nói: “may mà thoát”. Chừng nào người vi phạm còn cầu may được, chừng đó luật pháp vẫn lỏng tay dung dưỡng bất công.
Phạt nguội càng không phải để nguội mới phạt. Không phải 18 tháng sau, đến thời hạn đăng kiểm, người lái xe mới ngớ ra những lỗi vi phạm từ bao giờ. Thậm chí mới mua xe đã gánh tiền phạt từ chủ cũ. Tôi thực sự chờ đợi lô hàng camera công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ có mặt trên khắp phố phường cả nước. Hệ thống camera này sẽ nhận diện được cả những biển số xe đã từng vi phạm để “thông báo” ngay cho chốt kiểm soát gần nhất biết được lộ trình xe đó đang di chuyển mà gọi vào xử lý. Hay công nghệ bằng lái gắn chip sẽ kết nối đến tài khoản ngân hàng của chủ nhân để “thu” tiền phạt ngay và luôn, đồng thời giảm điểm bằng lái hoặc vô hiệu hoá bằng. Công nghệ chúng ta đều đã có, tại sao phải chờ đợi người lái xe có ý thức cao?
Tôi khấp khởi về viễn cảnh một thành phố xe cộ xếp hàng ngay ngắn, người lái ôtô không mang “tư duy hai bánh” trèo lên vỉa hè. Sẽ không còn những hình ảnh vừa giận vừa thương khi những chiếc xe đỗ bậy bị người dân sơn xịt bẩn và tặng thêm những từ chợ búa. Sẽ không còn những hội nhóm báo chốt giao thông kiểu đuổi hình bắt chữ. Sẽ không còn những lái xe “khôn lỏi” dán băng dính vào biển số xe. Thậm chí, camera của chính những nhà hàng, quán bia sẽ đánh dấu được những tài xế bước ra khỏi nhà hàng trong trạng thái không bình thường để ngăn chặn một vụ tai nạn từ xa.
Tôi hy vọng con số hơn 6 nghìn người chết vì tai nạn giao thông trong 11 tháng đầu năm 2020 sẽ giảm mạnh trong năm 2021. Hơn 12 nghìn vụ tai nạn giao thông có nghĩa ít nhất 12 nghìn gia đình đã phải chịu đau đớn. Đã đủ rồi. Phạt nguội vì thế mà trở nên cần thiết và cấp thiết được triển khai rộng khắp.
Giảm được bao nhiêu bằng lái thật mà ý thức dởm, ta sẽ giảm được bấy nhiêu người vợ mất chồng, người mẹ mất con… Những bữa cơm chiều vì thế mà đủ đầy trọn vẹn.