Phòng chống dịch COVID-19: Niềm tin về năng lực quản lý điều hành của Chính phủ

Trần Quí Thanh

—–

Có những kết quả quản trị xã hội được đo đếm rất cụ thể, và dịch COVID-19 này là một ví dụ. So sánh con số kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu để rút ra kết luận về khả năng ứng phó của từng quốc gia.

Không biết cách làm của mỗi nước như thế nào, ví dụ như Anh áp dụng biện pháp “lây nhiễm cộng đồng”, Việt Nam phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, vấn đề là kết quả. Đến sáng 7.4, Việt Nam có  245 trường hợp nhiễm COVID-19, chưa có trường hợp tử vong, khá thấp so với nhiều quốc gia khác.

Trong số ca nhiễm bệnh, có 153 người từ nước ngoài về, chiếm 62,4%. Ca bệnh do lây nhiễm nội địa là 62 trường hợp, và tỉ lệ chữa lành khoảng 40%.  Đáng lưu ý là 3 ngày liên tiếp không có ca nhiễm công bố buổi sáng, số ca nhiễm trong ngày thấp. Nếu số ca chữa lành tăng cao và ca nhiễm thấp, thì tỉ lệ chữa lành có thể lên 50% trong vài ngày tới.

Báo chí quốc tế đánh giá cao khả năng phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam là trên cơ sở kết quả đo lường được. Đặc biệt là Việt Nam sát biên giới Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên, nhưng Việt Nam không là ổ dịch của thế giới như một số quốc gia ở xa Trung Quốc, đó không phải là sự may mắn mà là năng lực quản trị xã hội khi có biến cố đại dịch.

Việt Nam đã chủ động các biện pháp phòng dịch, đúc kết kinh nghiệm quản trị  qua các đợt phòng dịch trước đây của quốc gia, đồng thời nghiên cứu học tập các biện pháp phòng dịch hiệu quả của các nước, tích cực hợp tác quốc tế.

Ngoài các giải pháp phòng chống dịch COVID -19 rất kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, còn có những ứng xử nhân văn của người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Các bệnh nhân nhiễm dịch là người nước ngoài, đều được điều trị, chăm sóc ân cần, chu đáo, miễn phí. Tất cả những người được chữa khỏi bệnh đều có lời bày tỏ sự khen  ngợi và biết ơn  Việt Nam.

Chúng ta không chủ quan và  tự mãn về những kết quả phòng chống dịch COVID-19, nhưng chúng ta có cơ sở để tự tin về chính mình. Đó là niềm tin về năng lực quản lý điều hành của Chính phủ, tin vào trí tuệ và trình độ chuyên môn của của đội ngũ y bác sĩ, tin vào tinh thần đoàn kết một lòng của người dân.

Niềm tin từ biến cố đại dịch COVID-19 không phải để đóng khung treo lên tường để vuốt ve mình, mà biến nó thành nguồn năng lượng và sức mạnh để phát triển đất nước.

Việt Nam đã chủ động ứng phó với địa dịch COVID-19 và đã kiểm soát rất tốt, hơn nhiều quốc gia có nền y học tiến bộ trên thế giới. Vậy thì Việt Nam cũng có thể chủ động để vượt lên ở nhiều lĩnh vực khác, trong phát chế sáng tạo, trong sản xuất kinh doanh, trong khoa học công nghệ…

Nếu Chính phủ đưa ra chính sách kịp thời, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương làm việc tích cực, phục vụ nhân dân hết mình, thì sẽ đạt được nhiều thành tựu sánh ngang với các quốc gia phát triển.

Nếu người dân Việt Nam đoàn kết một lòng, công dân Việt Nam chấp hành pháp luật, sống có kỷ luật, thì sẽ có một cộng đồng rất mạnh, vượt qua được các thử thách như vượt qua đại dịch COVId-19, để xây dựng và phát triển đất nước.

Sài Gòn ngày 07/04/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *