Khánh An/ Báo đầu tư
Rất ủng hộ ý kiến này. Giai đoạn 2022-2023 là giai đoạn quan trọng để Việt Nam tăng tốc sau hai năm kinh tế bị ảnh hưởng nặng vì COVID-19. Doanh nghiệp vốn là “linh hồn” của nền kinh tế và cần được lắng nghe, thấu hiểu.
TQT
—–
Cần có nhiều cuộc đối thoại, trao đổi giữa chính quyền địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp để kịp phát hiện các vướng mắc, khó khăn trong thực thi các gói giải pháp phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 126/CĐ-TTg nhằm đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tới từng bộ, ngành, địa phương. Về phía doanh nghiệp, việc tiếp cận các giải pháp của chương trình này thế nào, thưa ông?
Cho đến thời điểm này, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến giảm thuế, phí thường có tác động sớm, tác động ngay do việc áp dụng sớm, gần như ngay sau khi được thông qua.
Đặc biệt, cách tiếp cận theo hướng chọn bỏ, nghĩa là loại trừ một số ngành không được áp dụng, còn lại áp dụng hết của gói tài khóa giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cũng khiến việc thực hiện thuận lợi.
Hiện tại, doanh nghiệp đang chờ đợi các hướng dẫn cụ thể để thực hiện gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%, giải ngân qua ngân hàng thương mại. Với các doanh nghiệp trong nhóm được hỗ trợ, như du lịch, dịch vụ…, giảm được chi phí vốn là rất quan trọng. Mặc dù vẫn còn không ít lo ngại về việc thực hiện, nhưng tôi tin là với kinh nghiệm của lần áp dụng trước (giai đoạn 2009-2011), cả từ phía quản lý nhà nước, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, sẽ có các tiêu chí, đối tượng rõ ràng để các bên cùng yên tâm thực thi.
Nhưng theo quan sát của chúng tôi, thời điểm này, chính sách tác động lớn nhất tới hoạt động của doanh nghiệp vẫn là quản trị dịch bệnh. Doanh nghiệp vẫn đang cần nhìn thấy sự rõ ràng, chắc chắn trong lộ trình mở cửa đối với các ngành du lịch, hàng không, dịch vụ… Địa phương nào chủ động, thống nhất và minh bạch, thì ở đó, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Đơn cử, với quy định của Hà Nội là vùng cam không được bán hàng tại chỗ, thì không nhà hàng nào dám mở lại, vì chi phí vận hành sẽ quá cao…
Thưa ông, trong Công điện số 126/CĐ-TTg có nội dung giao các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Đây chính là vấn đề mà chúng tôi đề nghị nhiều, như hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp thông qua các tháo gỡ vướng mắc, các khó khăn trong thực tế. Nhiều doanh nghiệp nói, họ cần gói giảm chi phí này hơn cả.
Nhưng để thực hiện được nhiệm vụ này, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động xem xét các vấn đề từ góc độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo nghĩa những hoạt động gì tạo ra quá nhiều chi phí cho doanh nghiệp thì cần phải cắt giảm, chủ động đưa ra các cách thức, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tùy theo đặc thù từng địa phương.
Ví dụ, có thể làm ngay việc giảm các loại thanh tra, kiểm tra, tiến tới có thể miễn thanh tra, kiểm tra định kỳ, chỉ thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm. Hay giảm bớt các hoạt động vận động hỗ trợ từ doanh nghiệp, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết…
Nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở các địa phương cần được quan tâm hơn. Thực tế, đây là nhóm doanh nhiệp chịu ảnh hưởng lớn, nhưng thường ít thông tin, không đủ năng lực tiếp cận được các chính sách hỗ trợ cũng như không đủ điều kiện tiếp cận với các bộ, ngành, địa phương để kiến nghị. Sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, như du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng… đã ngừng hoạt động, đóng cửa. Chúng tôi đề nghị các địa phương có chương trình riêng hỗ trợ thêm cho nhóm đối tượng này.
Đang nổi lên tình trạng thiếu lao động ở các doanh nghiệp. Theo ông, có giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vào lúc này?
Chúng tôi đang thấy có tình trạng lao động có tay nghề trở về địa phương đã phải làm việc khác với chuyên môn. Nhiều người đã không có việc khi doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng và họ phải làm việc khác để mưu sinh. Nhưng nếu chính quyền địa phương có hệ thống thông tin cập nhật tình hình lao động của địa phương, kết nối với nhu cầu doanh nghiệp, của các địa phương khác, thì bài toán lao động sẽ được giải căn cơ hơn nhiều.
Nhưng phải thẳng thắn rằng, đang có sự trục trặc trong quản trị nhà nước, thiếu thống nhất trong phối hợp giữa các địa phương, bộ, ngành. Doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi, nếu quản lý nhà nước mà cắt xẻ, thiếu kết nối, thiếu chia sẻ thông tin, thì sẽ còn phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.
Đợt dịch căng thẳng vừa qua cũng cho thấy một thực tế, tỷ lệ lớn người lao động không bén rễ được ở vùng đất mới, sống tạm bợ, bị ảnh hưởng quá lớn… Mà không an cư, thì không thể lạc nghiệp. Bên cạnh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động mà Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ, giải pháp lâu dài về nhà ở cho công nhân, về quy hoạch khu công nghiệp cần được thúc đẩy sớm, thực sự gỡ được nút thắt để thu hút đầu tư. Chúng tôi đã từng đặt câu hỏi tại sao lâu nay phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, cho công nhân chưa được các doanh nghiệp quan tâm, dù nhu cầu lớn? Có phải thủ tục hành chính quá phức tạp, thời gian thực hiện dự án quá lâu, quá tốn kém khiến các nhà đầu tư không thể có lợi nhuận nếu đầu tư vào phân khúc này?
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… có thể là một giải pháp giảm chi phí đầu tư, tạo động lực cho các nhà đầu tư và cũng để giảm giá nhà ở cho công nhân, cho người thu nhập thấp bên cạnh các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch, đất sạch… hay không?
Có lẽ, các địa phương, bộ, ngành cần có nhiều cuộc đối thoại, trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư để xác định rõ các vướng mắc, các vấn đề cần giải quyết.
Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào làm tốt việc đối thoại với doanh nghiệp, thì ở đó, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Trong giai đoạn dịch bệnh, có nhiều lúc, chính quyền địa phương buộc phải đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, người dân, nhưng việc đối thoại, trao đổi đã khiến trách nhiệm của các bên rõ ràng hơn, hiểu nhau hơn, quyền lợi của người dân, doanh nghiệp cũng được đặt lên trên, thay vì cách ứng xử đẩy khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong quá trình phục hồi này, các quyết định chính sách càng không thể một chiều, rất cần sự tương tác giữa chính quyền địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp.
Nguồn: https://baodautu.vn/phuc-hoi-kinh-te-2022-2023-rat-can-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-d160694.html