Quản trị kém, không thất bại cũng thất thoát

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Kính chào anh Trần Quí Thanh!

Tôi chỉ là doanh nhân còm đã về hưu, rất ngưỡng mộ anh. Đọc blog anh thấy anh bàn nhiều về quản trị cũng xin góp đôi lời.

Tôi đọc nhiều báo thấy người ta chê quản trị Việt Nam rất yếu, có thể nói yếu nhất Đông Nam Á.

Theo anh điểm yếu nhất của quản trị trong các doanhnghiệp ở nước ta là gì? Các cổ đông phải làm thế nào để giúp cho Hội đồng quản trị vững mạnh? Rất mong anh trả lời.

Chúc anh vạn sự như ý.

Kính

Trương Chính Nghĩa (Hà Tĩnh): truong_chinh_nghia_12@gmail.com

…………………………

Anh Trương Chính Nghĩa mến!

Về trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam, tui đã có một bài viết, đưa ra nhận xét, đánh giá của mình. Thực lòng, tui không muốn bàn nhiều về chuyện này, vì nhiều người sẽ cho rằng tui cũng là doanh nghiệp như họ, lại tự cho mình giỏi, đi dạy khôn người khác.

Nhưng anh Nghĩa đã có lời, thì tui cũng mạnh dạn xin thưa rằng, những đánh giá của chuyên gia nước ngoài cho rằng trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam còn kém là hoàn toàn đúng.

Có nhiều điều để chứng minh nhận xét trên, nhưng tui xin gói gọn mấy vấn đề sau:

Chúng ta mới tiếp cận với kinh tế thị trường, khác với các quốc gia đã có nền kinh tế thị trường hàng trăm năm, cho nên còn có khoảng cách rất xa về trình độ quản trị. Họ có thể quản trị được những tập đoàn đa quốc gia, xuyên biên giới, có hàng trăm chi nhánh và hàng triệu lao động. Chúng ta không có gì để so sánh.

Việt Nam chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường nhưng còn sơ khai, thời kỳ tư bản hoang dã hình thành nhiều tập đoàn, công ty hoạt động cũng rất hoang dã. Chính vì quản trị kém nên nhiều doanh nghiệp tan hoang, để lại những món nợ khổng lồ hay làm thất thoát hàng tỉ USD, đa số doanh nghiệp làm ăn thất bại là doanh nghiệp quốc doanh. Tại diễn đàn  Quốc hội vừa qua, một công bố gây sốc là khối doanh nghiệp nhà nước nợ 1,6 triệu tỉ đồng, tương đương 73 tỉ đô la Mỹ. 

Làm ăn bê bết như vậy, chưa nói tới yếu tố tham nhũng, thì cũng cho thấy rõ quản trị kém.

Quản trị kém còn do yếu tố không minh bạch trong nhân sự lãnh đạo, có người giữ chức quản lý nhưng không có thực quyền, “giám đốc giấu mặt” đứng sau lưng điều hành hay can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở doanh nghiệp nhà nước mà tư nhân cũng như vậy.

Đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá, vốn nhà nước chiếm ưu thế, thì coi như ban giám đốc làm việc cho nhà nước, trong khi doanh nghiệp lại là cổ phần. Sự xung đột lợi ích này dẫn đến xung đột trong quản trị, các cổ đông gần như đứng ngoài cuộc, cho nên chất lượng quản trị kém, không thất bại cũng thất thoát.

Về sự tham gia của cổ đông để giúp Hội đồng quản trị là vô cùng cần thiết. Đa số cổ đông chỉ quan tâm đến chia cổ tức, cứ có lời để chia là tốt, nhưng không nghĩ rằng, mình phải có vai trò trong việc hỗ trợ cho Hội dồng quản trị để họ có tác động tích cực đến ban điều hành. Theo ngu ý của tui, những cổ đông lớn, cổ đông chiến lược phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến, tham mưu cho Hội đồng quản trị. Muốn làm tốt việc này không phải là tới kỳ họp là đứng lên phát biểu ngẫu hứng, mà có quá trình nghiên cứu, tập hợp thông tin, phân tích thị trường và thực trạng điều hành của doanh nghiệp để có những ý kiến xác đáng.

Cám ơn anh đã theo dõi blog của tui, có gì anh cứ trao đổi nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *