Quyền lợi quá lớn sẽ khó từ chức

Trần Quí Thanh

Tranh của hoạ sĩ Mai Sơn (Báo Thể thao & Văn hoá)

……………………………………

Anh Thanh yêu quí

Em Hải Yến nè,

Cảm ơn anh đã trả lời em về chuyện nhạc Bolero. Tính hỏi anh thêm nữa nhưng thấy đó là chuyện nhỏ, hơn nữa giờ thấy người ta phát triển bolero tùm lum, nghe mà phát sợ, nên hết muốn nói chuyện này.

Chuyện lớn hơn nha anh.

Ý em muốn hỏi anh về văn hoá từ chức. Chuyện này bàn tới bàn lui cả chục năm mà vẫn không ra đầu cua tai nheo gì cả. Tóm lại người ta vẫn vin vào “nhiệm vụ trên giao” mà kiên quyết không từ chức. Bao giờ văn hoá từ chức mới nảy mầm trên xứ sở mình được, anh?

Mạnh giỏi nghe anh

Phạm Thị Hải Yến (Sài Gòn):  yenchimtroi17@gmail.com

……………………….

Hải Yến mến,

Em hỏi một việc lớn của đất nước, đã bàn nhiều rồi, nhưng trên thực tế chưa có nhiều người từ chức, thời nay không có văn hóa cao sang này. Nhưng cha ông đã từng làm, thế mới lạ.

Năm xưa Chu An dâng sớ chém 7 đầu nịnh thần. “Thất trảm sớ” không được vua Trần Dụ Tông nghe nên ông treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi từ quan về ở ẩn dạy học và viết sách. Chu An có câu nói bất hủ về đạo làm quan: “Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì”.

Chưa cần có lỗi hay gây hại mới từ quan, tự thấy làm quan mà không đem lại lợi ích cho dân, cho nước thì đã treo mũ cởi ấn rồi. Như Chu An, chỉ cần can vua không được, cũng thấy mình là người bất xứng với ơn vua lộc nước. Phẩm giá của một vị quan như vậy mấy ai theo kịp.

Người thời nay không mấy ai theo kịp vì đạo làm quan ngày nay khác xưa chăng? Anh nghĩ dạo làm quan chỉ có một, là vì dân vì nước, chỉ có con người làm quan thay đổi. Phẩm giá của người làm quan cũng chẳng khác xưa, đó là công minh chính trực, chỉ có cá nhân con người không làm mất phẩm giá của mình mà thôi.

Hãy xem các nước thì rõ, họ tôn trọng phẩm giá của chính mình nên ứng xử theo nguyên tắc tôn trọng mình trước. Không quản lý tốt công việc mình được giao, để xảy ra hậu quả hay dân chúng không còn tin tưởng thì họ từ chức.

Còn ở Việt Nam, do những ràng buộc cơ chế, trách nhiệm tập thể, cho nên khi có hậu quả xảy ra do quản lý kém, người đứng đầu có vạn cách để giải thích, đổ lỗi cho cơ chế và cho tập thể vô hình.

Một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra, bộ trưởng giao thông của một nước đứng ra từ chức. Vụ chìm phà làm 300 người chết ở Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Hong Won nhận trách nhiệm và từ chức, ông Chung nói: “Điều đúng đắn tôi cần làm là nhận trách nhiệm và từ chức. Tôi đã muốn làm điều này từ trước nhưng việc xử lý tình huống là ưu tiên hàng đầu, và tôi nghĩ hành động có trách nhiệm là giúp đỡ trước khi ra đi”.

Một chiếc tàu bị chìm do nhiều nguyên nhân, trách nhiệm của thuyền trưởng, nhưng Thủ tướng từ chức, và trước khi ra đi, phải làm cho xong việc xử lý hậu quả. Sự ra đi của ông khiến người đời phải ngả nón, và quan trọng là làm cho quan chức Hàn Quốc tự thấy phải có trách nhiệm với chức vụ của mình hơn.

Nếu Hải Yến chịu khó đọc, sẽ biết có nhiều bộ trưởng của các nước từ chức khi trong ngành mình quản lý xảy ra tai nạn hay những sai phạm nghiêm trọng. Họ từ chức vì nhận trách nhiệm quản lý, không phải do họ là người gây ra sai phạm. Còn ở mình, có khi chính cá nhân quan chức gây ra sai phạm, cũng không chịu từ chức.

Có thể quyền lợi của một quan chức lớn quá cho nên cũng khó rũ bỏ nó, chưa kể để có được chức quan đó họ đã đầu tư quá nhiều. Cho nên, anh nghĩ có ba lý do chưa có văn hóa từ chức:

– Cơ chế không rõ ràng để bắt buộc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

– Thiếu cái gọi là phẩm giá như Chu An đặt ra.

– Quyền và lợi của quan chức quá lớn.

Anh trao đổi với Hải Yến như vậy, không biết em có đồng quan điểm với anh không?

Hẹn gặp lại.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)

 

 

 

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *