Vietnam Finance – Minh Nguyệt
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, sang 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
2023: Tiếp tục biến động khó lường
Đến nay, nhiều tổ chức quốc tế đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về những rủi ro, thách thức, bất ổn kinh tế toàn cầu, điều chỉnh dự báo hạ thấp tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như của nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022 so với những dự báo trước đấy.
Sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực; thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước… một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Italia…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng…sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn.
Ông Dũng khẳng định, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do hậu quả rất nặng nề của đại dịch Covid-19; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự kéo dài; giá dầu thô, lương thực và các hàng hóa cơ bản biến động mạnh và giữ ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh; thiên tai, biến đổi khí hậu…diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia.
Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, sau đại dịch COVID-19, trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, quan điểm, nhu cầu tiêu dùng, cách thức hoạt động và tổ chức đời sống xã hội của thế giới bị tác động sâu sắc. Hoà bình, hợp tác, hội nhập, liên kết phát triển tuy vẫn là xu thế nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức do sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn diễn biến khó lường. Một số liên minh, liên kết được hình thành theo nhóm và khu vực mang tính đối đầu nhau ở cả chính trị, kinh tế và quốc phòng.
Xu hướng phát triển bền vững
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm và chi phối các hoạt động KTXH trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; chuyển dịch năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng xanh là lựa chọn mới của nhiều nước. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đột phá phát triển nhanh, tác động sâu, rộng…
Ông Dũng cũng cho rằng, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, với độ mở của nền kinh tế lớn khoảng 200% GDP, khi những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến dư địa điều hành chính sách, thị trường vốn, thị trường bất động sản thì từ nửa đầu quý IV/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm..
Bên cạnh đó, theo ông Dũng là quốc gia đang chuyển đổi và hội nhập nên nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá, chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, quản lý phát triển xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển; biến đổi khí hậu diễn biến khó lường; già hoá dân số nhanh; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu – nghèo giữa các tầng lớp dân cư, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn… và các yếu kém này còn chậm được khắc phục.
Về định hướng 2023, theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, bên cạnh việc thực hiện 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023, thì cần tiếp tục thực hiện các định hướng lớn về phát triển bền vững như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… để hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững chính, đây cũng chính là mục tiêu chiến lược góp phần đẩy lùi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
Nhìn về nền kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/sang-2023-viet-nam-se-gap-rat-nhieu-kho-khan-thach-thuc-20180504224278916.htm