Sau Covid, start-up “ăn ít, sống dai” dễ được rót vốn

Nhĩ Anh/ Báo VnEconomy

Ảnh minh họa

—–

Khủng hoảng kinh tế xảy ra do đại địch trên phạm vi toàn cầu dẫn đến những khó khăn trong thu hút vốn từ các quỹ đầu tư là điều đương nhiên, nhất là đối với thị trường Việt Nam sau khi bùng phát dịch lần thứ tư.

Nhưng như tui thường nói trong các bài viết trước, đó là không bao giờ thiếu vốn. Các nhà đầu tư vẫn săn tìm start up triển vọng để bỏ tiền ra, ai cũng phải tìm cách làm ăn, không thể ngồi chờ thời mãi được.

Có điều chúng ta phải nhìn thấy, đó là có nhiều lĩnh vực kinh doanh, không phải lĩnh vực nào cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch, thậm chí ngược lại. Ví dụ những doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề khai thác công nghệ thì có lợi thế, vậy thì làm ra sản phẩm phục vụ cho kinh doanh trực tuyến là một lựa chọn phù hợp trong lúc này.

Các bạn trẻ khởi nghiệp hãy tìm cho mình một hướng đi, tạm thời đó là công nghệ, còn sản phẩm gì thì chỉ có “trời biết”. Bởi vì, nếu ai cũng có thể nhìn thấy được thì không còn là thứ quý giá nữa, hoặc làm ra sản phẩm tương tự như những sản phẩm có trên thị trường thì cũng chẳng ăn ai. Cái mà thị trường cần đó là những sản phẩm phục vụ cho con người thời đại dịch cho đến về sau, ai tìm ra nó thì người đó thành công.

Xin đưa ví dụ, hiện nay chúng ta thấy grab là chuyện bình thường, nhưng khi chưa có nó thì không ai nghĩ ra được trừ chính tác giả của công nghệ này.

Nhưng để thu hút vốn đầu tư thì không chỉ là sản phẩm có khả năng chinh phục thị trường, mà còn là con người là những cá nhân xuất sắc tạo thành team khởi nghiệp mạnh và đáng tin cậy. Doanh nghiệp xây dựng được chiến lược kinh doanh tốt có sức thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn, sản phẩm tốt mà kinh doanh kém thì hàng cũng chỉ nằm trong kho mà thôi.

Tất nhiên, còn một yếu tố quan trọng, đó là trong lúc khó khăn này, start up cần thích ứng bằng các kỹ năng thoát hiểm khác. Xin giới thiệu bài viết dưới đây để các bạn tham khảo.

Trần Quí Thanh

—–

Trong bối cảnh khó khăn thách thức bởi dịch bệnh như hiện nay, liệu các tiêu chí lựa chọn start-up để đầu tư, rót vốn của các quỹ có thay đổi? Khi nào hoạt động gọi vốn nước ngoài ngoài vào start-up mới qua “mùa đông” và những mô hình start-up nào sẽ có cơ hội lọt tầm mắt của các nhà đầu tư?…

Năm 2020 giới khởi nghiệp chứng kiến nhiều thương vụ gọi vốn thành công. Nhưng 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp khởi nghiệp đối diện với nhiều thách thức khi dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh những doanh nghiệp chọn giải pháp “ngủ đông”, nhiều start-up có sản phẩm và dịch vụ phù hợp với xã hội thời giãn cách đã có những bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, giáo dục trực tuyến, dịch vụ phần mềm, nội dung số hoặc thanh toán không dùng tiền mặt…

START-UP NÀO CÓ CƠ HỘI ĐƯỢC RÓT VỐN?

Nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng trong hành trình tăng trưởng, phát triển của các start-up. Từ bức tranh đầu tư khởi nghiệp thời gian qua cho thấy, từ năm 2013-2014 hoạt động gọi vốn bắt đầu sôi nổi, các thương vụ diễn ra nhiều hơn. Đến cuối năm 2019, một số start-up đến giai đoạn không thể bứt phá, chững lại hoặc phải dừng cuộc chơi. Sang năm 2020-2021, là thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê, số thương vụ gọi vốn trong năm 2020 giảm khoảng 17% so với năm trước. Quý 1/2021 Việt Nam ghi nhận số thương vụ gọi vốn thành công trong đó có một số thương vụ có giá trị lớn.

Tại tọa đàm về đầu tư vào khởi nghiệp thời đại dịch vừa diễn ra, ông Ôn Như Bình, Giám đốc kinh doanh chiến lược VNPay, đại diện từ Quỹ đầu tư Teko Ventures cho rằng, những start-up nào tập trung vào các giải pháp cốt lõi, khả thi trong mở rộng kinh doanh, thay đổi giá trị cho doanh nghiệp và cuộc sống sẽ vẫn có nhiều cơ hội tiềm năng nhận được các khoản đầu tư từ các quỹ trong thời gian tới. Ông Bình cho biết, đây cũng là mối quan tâm tìm kiếm của đơn vị.

Những start-up nào tập trung vào các giải pháp cốt lõi, khả thi trong mở rộng kinh doanh, thay đổi giá trị cho doanh nghiệp và cuộc sống sẽ vẫn có nhiều cơ hội tiềm năng nhận được các khoản đầu tư từ các quỹ.

Từ những dữ liệu quan sát thị trường qua hoạt động đầu tư vào các start-up công nghệ ở giai đoạn sớm, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam VIISA cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam muốn phát triển sẽ phải dựa vào nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Nếu không các start-up sẽ rất khó để trụ vững và phát triển.

Khi đại dịch Covid xảy ra, năm 2020, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng bị khủng hoảng, phòng thủ và cho biết tập trung đầu tư ở thị trường trong nước trước, chờ khi dịch bớt căng thẳng thì sẽ xem xét quay trở lại Việt Nam để đầu tư. Tuy nhiên, sang năm 2021, dịch bệnh lại nóng hơn và phức tạp ở Việt Nam đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư vào start-up.

Trong bối cảnh đó, có một số doanh nghiệp lại có cơ hội phát triển khi nhu cầu tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động online. Ngược lại, có nhiều doanh nghiệp ở một số lĩnh vực khác lại bị ảnh hưởng nặng nề, chật vật để tồn tại. Ông Đức nhận định, dịch Covid vừa là thách thức vừa là cơ hội. Những doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng thì sau khi dịch bệnh qua đi sẽ có nhiều cơ hội thu hút nguồn đầu tư từ các quỹ.

TIÊU CHÍ “ĂN ÍT, SỐNG DAI…”

Câu hỏi đang được đặt ra, trong tương lai, liệu khi đại dịch qua đi, các tiêu chí đầu tư, hỗ trợ cho start-up có thay đổi không?

Từ góc độ quỹ đầu tư chủ yếu hướng đến các start-up ở giai đoạn sớm, còn nhiều khó khăn hơn, ông Đức khẳng định, các tiêu chí cơ bản, cốt lõi trong đầu tư vào start-up của quỹ không thay đổi. Đó là các sáng lập và đội ngũ có đủ mạnh để thực hiện các ý tưởng tốt, có giải quyết các vấn đề đặt ra của xã hội và thị trường có đủ lớn không? Không chỉ dựa vào ý tưởng mà các nhà đầu tư cũng quan tâm đến sản phảm, thị trường, khách hàng của các start-up…

Vấn đề dòng vốn không đáng lo ngại. Điều quan trọng là các start-up và sáng lập có bài toán hay, giải pháp giải quyết đủ tốt và có khả năng “chạy” nhanh không

Tất nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, các quỹ quan tâm đến cách đánh giá, nhìn nhận của các nhà sáng lập về cơ hội thị trường sau đại dịch. “Các quỹ đầu tư chỉ là người đồng hành, còn người lái chính vẫn là các sáng lập”.

Một tiêu chí quan trọng cũng được các quỹ nhìn nhận đó là các team có thể chống chọi, “nín thở đủ lâu, ăn ít, sống dai” để vượt qua khó khăn ít nhất trong 12 tháng tới không?

Còn với ông Bình, ngoài các tiêu chí thông thường, quỹ định hướng xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp có khả năng đồng hành cùng phát triển, tạo giá trị, dịch vụ mới. Do đó, quỹ sẽ có những chiến lược riêng trong chọn lựa start-up để đầu tư.

Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh, làm việc từ xa, xảy ra các phát sinh mới, các quỹ cũng chú trọng tới tính thích nghi tốt, linh hoạt hơn trong triển khai kinh doanh, tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, sự liên kết gắn bó giữa các nhân viên… trong bối cảnh hiện nay, để cùng vượt qua khó khăn.

Bởi theo theo các chuyên gia, khi vượt qua được khó khăn, trong tương lai, với nguồn lực hỗ trợ của các nhà đầu tư, các start-up sẽ có khả năng phát triển cao. Đây sẽ là những đơn vị tiên phong vực dậy sau đại dịch.

Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch RIKKEISOFT đánh giá, khi đại dịch qua đi sẽ là một cơ hội tốt cho tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể phát triển bứt phát với bước nhảy lớn. Theo ông, ngay cả trong đại dịch vẫn có những cơ hội cho những start-up phát triển lớn mạnh hơn, thậm chí có thể “mơ” đến những kỳ lân công nghệ trong tương lai.

Hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á đang có 15 start-up kỳ lân trong đó Việt Nam đã góp 2 gương mặt. Ông Đức cho rằng, khoảng 60% số này đều có hoạt động đa quốc gia. Do đó, các start-up Việt Nam muốn nhắm đến mục tiêu định giá cao thì phải có tầm nhìn mở rộng thị trường khu vực.

Vị Chủ tịch RIKKEISOFT thì nhìn nhận, dù Việt Nam mới chỉ có 2 kỳ lân nhưng trong tương lai gần, con số này có thể thay đổi, ít nhất là trong ngành công nghệ thông tin.

NGUỒN:  Theo Báo VnEconomy

Link bài: Sau covid….

https://vneconomy.vn/sau-covid-start-up-an-it-song-dai-de-duoc-rot-von.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *