Sòng phẳng trong công việc, công bằng trong chia sẻ lợi ích

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi bác Trần Quí Thanh

Dạ thưa bác, chúng cháu thuộc Câu lạc bộ khởi nghiệp trẻ ở Đà Nẵng, sinh hoạt rất đều đặn. Nay chúng cháu vừa tranh luận một vấn đề thật sự gay cấn: Liệu có góp vốn cùng nhau kinh doanh được không?  Vậy mong bác cho chúng cháu biết sự lợi hai của việc góp vốn kinh doanh. Cảm ơn bác rất nhiều.

Kính chúc bác sức khoẻ và hạnh phúc

Hoàng – Minh – Thi (CLB khởi nghiệp Đà Nẵng): minhdangle_1996@gmail.com

—–

Hoàng-Minh-Thi mến!

Bác đọc đâu đó một câu rất hay, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Ý nói, có nhiều người cùng hợp tác thì sẽ đi được xa, bay được cao. Bởi vì, như Ken Blanchard nói: “Không một ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”.

Về lý thuyết là vậy, về thực tiễn cũng không khác. Đa số người khởi nghiệp không đủ vốn, cần có người góp vốn để hợp tác kinh doanh. Nhưng nhược điểm của người Việt là thường đổ vỡ trong làm ăn chung. Mới ban đầu thì anh anh, em em, nhưng ba bữa sau là xung đột, cãi nhau dẫn đến tan đàn xẻ nghé.

Nguyên nhân là vì không rõ ràng, minh bạch trong góp vốn cũng như trong phân công, thực hiện công việc. Để khắc phục được hạn chế này, các cháu cứ làm theo 3 quy tắc sau:

Đầu tiên là chọn người hợp tác. Không phải ai có tiền cũng tham gia được, mà phải tìm hiểu đối tác, là người hiểu biết về kinh doanh, có quan hệ trong xã hội. Làm việc với người hiểu biết dễ dàng hơn người chẳng biết gì. Người có quan hệ xã hội rộng thường hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh. Hoặc là người có vốn nhàn rỗi, chỉ góp vốn mà không cần tham gia các hoạt động của doanh nghiệp. Thà không biết gì thì đứng ngoài, còn hơn tham gia để gây khó khăn, cản trở cho công việc chung.

Thứ hai là quy định góp vốn hợp tác kinh doanh phải cụ thể, chi tiết, rõ ràng, minh bạch. Càng thân thiết càng phải rõ ràng, chi li trong tài chính. Nếu ngay từ đầu mà xuê xoa, cái gì cũng dễ dàng cho qua, thì trước sau cũng xung đột, mất lòng nhau, thậm chí thất bại, chia rẽ. Về khoản này, cần mời chuyên gia tư vấn soạn thảo hợp đồng góp vốn, quy định như một “bộ luật” của doanh nghiệp. Những người tham gia đều ký vào, về sau cứ căn cứ vào quy định của “bộ luật” mà làm.

Thứ ba là giữ lòng tin vào người đồng hành, trên cơ sở thực hiện tốt các quy định của hợp đồng, tôn trọng nhau và sòng phẳng, công bằng trong công việc cũng như chia sẻ lợi ích.

Vậy các cháu nhé, có gì cứ gửi thư cho bác.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *