Sức nóng trên đường đua của các startup tuyển dụng

Mỹ Huyền/ Báo TBKTSG

Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Bình Dương tổ chức “Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố” vào cuối 2019. Ảnh: TTXVN

—–

Trong xu thế chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) gặp khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Mặc dù vậy, mảng màu sáng của hoạt động khởi nghiệp được thể hiện qua việc một số startup tuyển dụng vẫn nhận được nguồn vốn hàng triệu đô la Mỹ. Sức hút của thị trường này đến từ kỳ vọng đón đầu xu hướng tuyển dụng khi kinh tế phục hồi hậu Covid-19.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu đang là bài toán khó cho thị trường lao động Việt Nam. Rất nhiều người lao động rơi vào tình trạng khó khăn, mất việc, giảm lương, giảm giờ làm… Trong tình hình ảm đạm của thị trường việc làm, tín hiệu vui lại đến với một số startup cung cấp nền tảng tuyển dụng trực tuyến khi họ được các nhà đầu tư chào đón.

Vốn đổ vào startup tuyển dụng trong giai đoạn khó khăn

Tháng 5 vừa qua, JobHopin, một startup dùng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ học máy vào quy trình tuyển dụng đã nhận được 2.45 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series A. Trước đó một tháng, vào tháng 4, TopCV nhận dòng vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng.

Theo ghi nhận từ TBKTSG Online, trong sáu tháng đầu năm nay, một số startup nổi bật cũng nhận được đầu tư, bao gồm nền tảng tuyển dụng nhân sự công nghệ TopDev nhận vốn từ nhà đầu tư SaraminHR, Siêu Việt Group nhận vốn từ Quỹ Affirma Capital với giá trị lên đến 34 triệu đô Mỹ.

Ông Phạm Văn Đại, đồng sáng lập viên của startup tuyển dụng Works.vn vừa mới nhận đầu tư Công ty cổ phần giải pháp công nghệ TTC Việt Nam, cho hay sức hút của thị trường tuyển dụng đến từ kỳ vọng tăng trưởng của thị trường này trong thời gian sắp tới. Ngoài khoảng đầu tư từ TTC Việt Nam, Works.vn cũng được rót vốn từ 2 nhà đầu tư chiến lược khác.

Theo ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group, tập đoàn sở hữu VietnamWorks.com và Navigos Search thì tại Việt Nam tình hình thị trường tuyển dụng vẫn có những dấu hiệu tích cực.

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, vào tháng 4 vừa qua, tình hình thị trường tuyển dụng đã khả quan hơn, một số các ngành, doanh nghiệp nhất định đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng trở lại để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Gaku cho rằng các ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử, nền tảng công nghệ, năng lượng sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch. Kế đến là ngành sản xuất (đồ điện-điện tử, đồ gỗ nội thất), bất động sản, tài chính-ngân hàng và các ngành dịch vụ đang được đẩy mạnh trở lại như khách sạn, du lịch, giáo dục.

Chuẩn bị cho cơ hội mới từ thị trường

Các hiệp định thương mại quốc tế mà gần nhất là EVFTA tiếp tục giúp Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng chuyển dịch sản xuất của Mỹ và các nước châu  Âu sang Việt Nam và các nước láng giềng khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc chưa kết thúc và tác động của đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng mang lại lợi thế cho Việt Nam.

Song song đó, Việt Nam đang bước vào thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng lao động phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng nhờ sự phát triển của giáo dục và đào tạo.

Theo khảo sát các doanh nghiệp của VietnamWorks, 60% doanh nghiệp cho biết họ đủ năng lực để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Số lượng công việc đăng tuyển trong  một tuần đầu tháng 5-2020, sau thời gian giãn cách xã hội tăng đến 20% và 39% doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan sẽ sớm khôi phục hoạt động tuyển dụng.

Do đó nhu cầu tuyển dụng trong thời gian sắp tới sẽ tăng và xu hướng sử dụng nền tảng tuyển dụng trực tuyến sẽ áp đảo các kênh tìm việc khác. Số lượng hồ sơ ứng tuyển việc làm trực tuyến trên trang VietnamWorks của tháng gần đây nhất, tháng 6 tăng gần 10%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động tuyển dụng tại một ngày hội việc làm. Ảnh: TTXVN

Tỷ lệ giao dịch tìm việc của các kênh sẽ có xu hướng tăng lên, vì việc ứng dụng công nghệ trong các ngành nghề đang thay đổi dẫn đến số lượng công việc làm việc trực tuyến từ xa gia tăng, theo ông Đại.

Số lượng người tìm việc từ các kênh tuyển dụng trực tuyến (online) cũng tăng theo kéo theo số lượng các công ty khởi nghiệp trong ngành tuyển dụng gia tăng. Hiện nay thị trường tuyển dụng trực tuyến đang phân cấp đa dạng, mỗi kênh tuyển dụng trực tuyến đang lựa chọn các cách thức tiếp cận thị trường ngách khác nhau để cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp.

Phân khúc cao cấp có VietnamWorks và CareerBuider. Ở phân khúc chuyên ngành có các nền tảng chỉ cung cấp các việc làm theo nhóm ngành cụ thể như HotelJob, TopitWorks. Còn rất nhiều nền tảng khác như Getbee, Hozo app, Thichlamthem.com … cũng lựa chọn phân khúc riêng cho mình.

Tuy nhiên, chưa có nhiều kênh tuyển dụng trực tuyến đủ mạnh để dẫn đầu bao phủ toàn thị trường, theo ông Đại. Do đó, các startup này có xu hướng ứng dụng công nghệ hoặc sử dụng giải pháp khác biệt để thu hút người dùng. Tuy nhiên, hiện nay các startup vẫn chủ yếu lựa chọn mạng xã hội Facebook cho các hoạt động tiếp thị và thu hút người sử dụng Internet.

Khi các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường tuyển dụng trực tuyến thì các startup nhận thấy được sức ép cạnh tranh nóng hơn. Các startup trong ngành đã bắt đầu đổ tiền vào hoạt động tiếp thị và lựa chọn các chiến lược phát triển tăng thêm giá trị của kênh cho người dùng.

Works.vn ứng dụng giải pháp công nghệ để tổ chức ngày hội việc làm kết nối sinh viên trực tiếp với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, startup này còn cung cấp phần mềm tra cứu văn bằng từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho người dùng. RefJob.me đưa dịch vụ nhân sự vào nền tảng của mình để sàng loc hồ sơ ứng viên cho nhà tuyển dụng trong vòng 3 ngày. Nền tảng này cũng đã được một nhà đầu tư thiên thần rót vốn trong giai đoạn đầu.

Những nền tảng tuyển dụng lâu năm cũng nhận thức về sự cạnh tranh nóng trên thị trường. Một số công ty lớn trong ngành tuyển dụng như Harvey Nash, Jellyfish… đã phải từ bỏ thị trường. Các công ty uy tín còn lại cũng phải làm mới mình để tồn tại.

VietnamWorks đã đổ tiền đầu tư vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm cá nhân. Công ty đã mang mô hình 3E-method từ tập đoàn mẹ en-Japan để nâng cấp việc đánh giá, tuyển dụng và đào tạo vào quy trình của mình. Bên cạnh đó, công ty cũng hợp tác chiến lược cùng nền tảng đào tạo trực tuyến Kyna để giúp người lao động xây dựng kỹ năng và nâng cao năng suất.

Các chuyên gia cho hay trong thời gian sắp tới một số các ngành, doanh nghiệp nhất định đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng trở lại để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thị trường tuyển dụng trực tuyến sẽ tăng về số lượng giao dịch nhờ làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ các công ty hàng đầu trên thế giới đang tăng như công ty gia công thiết bị cho Apple, một số dây chuyền sản xuất của Samsung hay từ các Hiệp định với EU có hiệu lực trong thời gian tới tạo ra số lượng việc làm lớn.

Với sự phát triển của thị trường việc làm và công nghệ hiện nay, sẽ ngày càng có nhiều nền tảng tuyển dụng trực tuyến mới áp dụng công nghệ ra đời, theo ông Lâm Khánh Văn, CEO của RefJob cho hay, quy trình tuyển dụng cũng sẽ có thêm nhiều tính năng đặc sắc nhờ công nghệ tối ưu hóa quy trình tuyển dụng.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Sức nóng…

(https://www.thesaigontimes.vn/td/305995/suc-nong-tren-duong-dua-cua-cac-startup-tuyen-dung.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *