Các chuyên gia tội phạm học nhận định, khoảng 8% những người dùng mạng xã hội là mục tiêu của bọn tội phạm.
Thông thường, những kẻ phạm tội sẽ thu thập thông tin của chủ tài khoản, từ đó phác họa đặc điểm ngôi nhà, thói quen sinh hoạt, lịch trình đi lại và lên danh sách những tài sản có giá trị để lên kế hoạch gây án.
Ngôi sao mạng xã hội người Italy, Eleonora Incardona, có hơn 500.000 người theo dõi trên Instagram là nạn nhân điển hình. Cô thường xuyên đăng ảnh về cuộc sống sang trọng của mình. Tháng 12 năm ngoái, khi Incardona đăng video thông báo đã tất cả thành viên trong gia đình đã đi chơi, nhóm trộm “Những kẻ nhào lộn” ở Milan đã quyết định ra tay. Số tài sản gồm 9 túi xách hiệu Chanel, Louis Vuitton cùng một số món đồ trang sức và quần áo đắt tiền đã bốc hơi. Cảnh sát sau đó đã bắt được thủ phạm, thu hồi gần hết tài sản bị đánh cắp.
Kieren Hamilton, ở Manchester, Anh cũng suýt mất mạng vì khoe của. “Đại gia tiền ảo” 21 tuổi thường xuyên đăng ảnh mình đang tận hưởng những kỳ nghỉ sang trọng, vui chơi trong hộp đêm và vung tiền mua sắm… trên Instagram.
Rạng sáng 5/1/2018, Kieren Hamilton bị hai tên trộm cầm dao tấn công, trong khi con gái anh nằm la hét trong cũi. Trước khi làm gia chủ bị thương ở tay, những tên trộm đã lấy đi một số vòng tay vàng, nhẫn cưới, một máy tính Macbook và cả chú chó chăn cừu Pháp Rambo trị giá 1.400 USD.
Hôm 4/8, “thương nhân Bitcoin” người Brazil Wesley Pessano Santarem đã bị bắn chết ngay trong chiếc Porsche Boxster màu đỏ. Nhà chức trách chưa tiết lộ danh tính của những kẻ giết người hoặc động cơ gây án. Sự việc xảy ra trong bối cảnh các băng đảng tội phạm đang ngày càng nhắm nhiều mục tiêu vào những người được gọi là “thương nhân bitcoin” và những người hay khoe tài sản trên mạng xã hội.
Trên tài khoản Instagram có 133.000 người theo dõi cùng kênh YouTube với 15.600 người đăng ký, ngoài tư vấn các mẹo giao dịch tiền điện tử, Santarem thường xuyên khoe tiền và siêu xe.
Hành vi khoe của trên mạng xã hội đôi khi trở thành con dao hai lưỡi, tố cáo sự gian dối của chủ tài khoản. Daniel Hall, điều tra viên tại một công ty tài chính ở London, thường nhận được các hợp đồng theo dõi con nợ. “Công việc của tôi là thu thập bằng chứng. Trước kia tôi phải tìm các bài báo, cơ sở dữ liệu của công ty để xác định tình trạng tài chính của con nợ. Nhưng ngày nay, mạng xã hội là biển thông tin”, Hall nói.
Theo điều tra viên này, vì mạng xã hội là một phần của hồ sơ công khai, thông tin thu thập được từ các tài khoản Twitter, Instagram hoặc Facebook có thể trở thành bằng chứng trước tòa.
Hall lấy ví dụ với trường hợp rapper 50 Cent, người đệ đơn xin phá sản năm 2015. Ca sĩ này đang nợ 28 triệu USD nhưng vẫn đăng những bức ảnh ngồi cùng hàng chục cọc tiền. Thẩm phán đã đưa bức ảnh đó ra để minh chứng rapper nói dối.
“Tôi từng thấy một bài đăng trên Instagram, trong đó con nợ đang đứng trước một chiếc máy bay tư nhân mới toanh, thành máy bay viết tắt tên anh ta. Đôi khi họ gian dối một cách rất trắng trợn”, Hall nói.
Một số nền tảng mạng xã hội đã quyết định ngăn chặn vấn nạn khoe của. Trong một thông báo cuối tháng 2, Douyin, mạng xã hội video ngắn phổ biến ở Trung Quốc (tương tự như Tiktok) đã công bố 6 loại nội dung bị cấm, trong đó bao gồm “việc phô trương sự giàu có” vì chúng quảng bá “các giá trị không lành mạnh”.
Người phát ngôn của mạng xã hội này cho rằng việc phô trương sự giàu có “làm ô nhiễm bầu không khí xã hội (trên Douyin) và đặc biệt có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ vị thành niên”.