Tại sao start-up (khởi nghiệp) ở ta dễ gặp thất bại?

Trần Quí Thanh

 

Gần đây ở ta rộ lên phong trào “start-up” (Khởi nghiệp), đặc biệt là ở các doanh nghiệp trẻ. Thế nhưng tại sao “start-up” ở ta dễ gặp thất bại và chiếm tỷ lệ rất lớn? Tui nghĩ đơn giản là họ bị ảo tưởng khá lớn ngay từ khi bắt đầu. Đa số những người khởi nghiệp là những con nai tơ không biết sợ cọp. Cứ nghĩ sừng của ta dài hơn nanh con cọp, đến khi gặp cọp thiệt thì banh xác thôi.

Kinh doanh là một cuộc chiến giành lấy khách hàng. Trong cuộc chiến này có quá nhiều rủi ro và cạm bẫy mà anh chưa lường trước được để chiến đấu. Trước khi kinh doanh anh phải biết anh có lợi thế nào, triển vọng ra sao? Anh không có lợi thế mà thành công được mới lạ chứ! Hoặc là lợi thế chỉ mới bắt đầu ở ý tưởng chứ chưa ra được giải pháp cụ thể. Nên khi ý tưởng thất bại thì nhiều start-up đổ thừa thiếu vốn. Người ta cấp vốn cho anh rồi, anh sập tiệm thì đổ thừa thiếu thiết bị. Có thiết bị mà thất bại thì anh đổ thừa thiếu nhà cung cấp chiến lược. Có chiến lược thất bại thì anh đổ tại thiếu thị trường. Có thị trường xong đàng hoàng mà vẫn thất bại thì do ông quản lý con người chưa tốt. Có đủ lý do để đổ thừa khi anh thất bại, quan trọng là anh có dám nhìn thẳng vào thất bại của mình không.

Tui cũng chứng kiến nhiều trường hợp thất bại của những người khởi nghiệp vì các lý do đôi khi rất ất ơ. Khi start-up thì anh còn nghèo, làm nhỏ nên rủ 5, 7 bạn vô làm chung. Khi chưa thành công thì bạn làm không lương cũng được, sẵn sàng vì cái chung. Anh em, cộng sự đấu lưng nhau để giải quyết. Nhưng khi ông mới bắt đầu huề vốn thôi thì sẽ đẻ ra ba bốn nhóm. Nhóm thứ nhất giựt nghề của ông, vì thấy dễ ăn quá. Nhóm thứ nhì ngồi kể công, rồi cũng tách ra. Nhóm thứ ba thì giật hàng, giật nhà cung cấp để làm riêng. Cuối cùng nhóm nào cũng thất bại cả. Hợp lại thì thành công, rã ra thì một người một ngã, cuối cùng thất bại cả.

Nhiều doanh nghiệp vượt qua được những thất bại nói trên thì lại thất bại bởi những lý do khác. Khi anh mạnh về quản trị, về con người nhưng anh không mạnh về chính trị, về thời thế cũng có nguy cơ bị dập cho tan nát. Khởi nghiệp ở ta đủ kiểu để thua. Con đường thua thì thênh thang, con đường thắng bé xíu. Đó là tự anh chết chứ tui chưa nói tới bị đối thủ cạnh tranh quánh.

Cho nên nếu anh muốn làm “start-up” tốt nhất là đi làm công cho tốt trước đã. Vấn đề là khi đi làm công thì đừng quan niệm đi làm công. Đi làm công mà quan niệm mình đang làm công ăn lương thì suốt đời thất bại, mà phải nghĩ mình tới đây để đóng góp. Chủ có tiền mình có trình độ, có thời gian, nên đừng ngần ngại đóng góp sức lực nhiệt huyết của mình để học hỏi kinh nghiệm. Kinh nghiệm đầu tiên chúng ta học được là quản trị con người. Chủ có tiền, có nguồn lực thì ta có khả năng quản trị. Đó là giai đoạn mà ta học kinh nghiệm cho mình bằng vốn của người khác và được học không công bằng những thực tế trên thương trường.

Sau khi giai đoạn học việc vững vàng và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn rồi thì hãy xin tách ra để gia công, cung cấp sản phẩm. Sau khi gia công thành công rồi, có thu nhập rồi thì ta mới lấn thị trường kiếm chút đỉnh, nguồn vốn lớn dần mới tách ra làm riêng và bắt tay vào khởi nghiệp. Start-up muốn thành công phải đi từng bước một như vậy và phải có tư duy làm chủ ngay từ khi còn làm công.

Còn anh chưa có gì trong tay hết, chỉ có ý tưởng, hoài bão và đam mê thôi mà nhảy ra làm chủ ngay thì sớm nhận thất bại thôi.

Trần Quí Thanh

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *