Tại sao Tân Hiệp Phát chiến thắng “Người khổng lồ”?

Trần Quí Thanh

Bài viết fb từ năm ngoái, nay tui đưa lên blog – TQT

—–

Trong cuốn sách mới được tạp chí Forbes (Mỹ) xuất bản: “Competing with Giants” (tạm dịch “Cạnh tranh với người khổng lồ”), con gái tôi – Trần Phương Uyên và hai tác giả người Mỹ đã phân tích rất thấu đáo. Các bạn đọc cuốn sách sẽ hiểu tường tận hơn.

Ở đây tôi chỉ chia sẻ một vài góc độ để lý giải cho câu hỏi mà tôi luôn được yêu cầu trả lời từ nhiều bạn: Tại sao lúc mới khởi nghiệp, THP thiếu về mọi thứ, từ thương hiệu, tiền bạc, marketing… lại chiến thắng được những thương hiệu lớn quốc tế tại thị trường Việt Nam?

Đơn giản, vì THP có nhiều thứ mạnh hơn họ.

* Thứ nhất à vì mình nghèo, mê học nên khả năng tiếp thu của mình nhanh, thích ứng nhanh. Khả năng quản trị sự thay đổi của mình cũng nhanh. Một trong những khó thay đổi nhất là thay đổi chính mình, huống hồ là quản lý người khác. Nếu không thay đổi thì tương lai cũng như quá khứ. Muốn tương lai khác quá khứ thì phải thay đổi hàng ngày.

* Thứ hai là vì tiền ít nên xài đồng tiền rất cẩn thận. Họ lấy cả băng đạn để bắn một con chim, còn mình nghèo nên lấy một viên đạn phải bắn được hai con chim. Họ 20 viên đạn bắn một con chim, mình một viên đạn bắn hai con chim.

* Thứ 3 là yếu tố đầu tư. THP có lợi thế nhất là công ty gia đình. Cổ đông là thành viên của công ty có cam kết cho công ty thành công dài hạn, không phải chỉ có lợi nhuận về tài chính hằng quí phải đạt. Các công ty trong kinh doanh sẽ không tránh khỏi những đợt khủng hoảng, trong thời điểm này công ty gia đình như THP sẽ có lợi thế hơn, vì cổ đông gia đình sẽ bấm bụng cùng chịu khó với công ty, cắt giảm các chi tiêu cá nhân để tiếp tục đầu tư vì mong muốn công ty tồn tại được, ngược lại các dạng mô hình khác thì cổ đông không có lý do gì làm vậy.

* Thứ tư nữa là “ownership” mạnh hơn. Họ toàn làm công theo kiểu nhiệm kỳ, xong rồi lại thôi, đi thị trường khác. Anh kế tiếp lại tiếp tục bắt đầu từ đầu, xây dựng chiến lược mới. Trong khi ta thì cứ nhắm mục tiêu trước mắt và từ từ từng bước một mà tiến.

* Cuối cùng là ta ra quyết định rất nhanh. Họ do có bộ máy kềnh càng nên quyết định phải qua nhiều khâu trung gian, tầng lớp rất mất thời gian, từ quốc gia qua vùng, từ vùng rồi đợi đến chỉ thị toàn cầu. Vì vậy mà mất rất nhiều thời gian để đưa ra một quyết định. Nói nôm na là đôi khi họ ra quyết định mất một năm trong khi ta chỉ cần một đêm. Ta mới quyết định xong, tối ngủ thấy hay, mai thực hành luôn, thay luôn, không phải đợi ai chỉ đạo cả. Lợi thế đó khiến mình luôn quyết định nhanh và hành động rất nhanh.

Năm yếu tố nói trên là những “thế mạnh” của công ty gia đình, của THP mà chúng tôi luôn bám sát để phát triển, biến điểm yếu thành điểm mạnh và không ngừng học hỏi, vượt khó để vươn lên.

Đến bây giờ thì những thương hiệu mới vào thị trường VN chỉ sợ THP chứ THP không sợ các thương hiệu lớn, vì THP thủ thành quá mạnh, quá chắc, họ có muốn đánh cũng không biết đánh vào đâu. Không hở sườn, hở lưng thì đánh vào đâu?

Ra quyết định nhanh, xài lớn nhưng không xài bậy, bậy đồng xu nào phải lụm lên ngay. THP phát triển nhanh không phải vì cơ chế, mà nhờ biết cách saving. Tối kị nhất là xài lãng phí. Mà thường thường mấy anh nghèo lại chết vì lãng phí. Giàu thì cái máu tiết kiệm thành nếp rồi. Khi làm, dù giá thành được báo là 8 nhưng phải suy nghĩ để giảm xuống 7 mà vẫn không hạ chất lượng, từ 7 giảm xuống tiếp 6,5 nếu hạ được. Hao hụt 3% liệu có giảm xuống được 2,8% không? Luôn luôn đặt ra thách thức để thực hiện bài toán tiết kiệm.

Cái khó nó ló cái khôn là vậy.

Sài Gòn ngày 16/11/2018

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *