Tập thể Tân Hiệp Phát vượt 125 ngày ‘ba tại chỗ’

Thi Quân/ Báo VnExpress
Bà Uyên Phương bên ngoài văn phòng Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Bình Dương. Ảnh: NVCC

Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương kể lại 125 dịch cao điểm của tập thể cán bộ, nhân viên trong tọa đàm trên VnExpress mới đây.

Bà Trần Uyên Phương là khách mời tọa đàm “Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp để thích ứng linh hoạt với đại dịch” trên VnExpress ngày 20/12. Mở đầu phần tham luận, bà cho biết ngừng hoạt động, đóng cửa nhà máy là nỗi lo chung của tập thể cán bộ, công nhân viên mọi đơn vị sản xuất. Tân Hiệp Phát cũng không ngoại lệ và không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch.

Ban đầu, ban giám đốc nghĩ chỉ thực hiện “ba tại chỗ” trong hai tuần, nhưng mô hình này lại kéo dài đến 125 ngày. “Như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi đi qua rất nhiều cảm xúc, hoang mang và không biết hoạch định thế nào”, bà Uyên Phương nói. Tuy nhiên, lãnh đạo cấp cao đã vực dậy tinh thần và bắt tay hành động, gieo niềm tin, kêu gọi sự gắn kết của toàn thể nhân viên, đồng thời phát huy văn hóa doanh nghiệp, chung tay vượt thử thách.

Trước ngày 19/7, chỉ có 400 lao động đăng ký ‘ba tại chỗ’. Ban lãnh đạo đã tổ chức buổi trò chuyện, chia sẻ cặn kẽ với nhân viên kế hoạch sản xuất, chống dịch ra sao, đảm bảo nơi ăn chốn ở cho họ thế nào… Sau hôm ấy, hơn 1.000 nhân sự đồng ý ở lại. Theo đại diện Tân Hiệp Phát, trong khủng hoảng, khó có thể lên kế hoạch dài hạn mà phải đi từng bước nhỏ. Quan trọng nhất là tạo niềm tin cho người lao động và đặt an toàn của họ lên hàng đầu.

Doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cho nhân viên hiểu: tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch, không biến nơi sản xuất thành ổ dịch… là một trong những trách nhiệm xã hội. Nhân viên được yêu cầu không đem đồ ăn vào, duy trì nguyên tắc 5K và có mức phạt cụ thể với người sai phạm.

Cụ thể, người không đeo khẩu trang, đứng sát nhau… sẽ bị phạt tiền. Bà Uyên Phương lý giải đánh mạnh vào kinh tế là cách tăng cường ý thức hiệu quả, tạo cho mọi nhân sự thói quen giữ khoảng cách và sáng tạo trong công việc. Công tác đảm bảo an toàn được áp dụng triệt để, triển khai sâu sát từ trên xuống dưới. Ngay cả khi họp hành, bàn luận cũng phải dùng loa nhằm hạn chế mọi tương tác, ngăn tiếp xúc gần.

Mỗi một ngày trôi qua bình an, tập thể cán bộ, nhân viên lại thở phào và hạnh phúc vì được cùng nhau kỷ niệm 27 năm thành lập công ty ngay giữa dịch. Nhiều hình thức giải trí, đón ngày truyền thống sáng tạo được viết nên, những lời ca, tiếng hát phần nào xua tan mệt mỏi, căng thẳng và động viên tinh thần mọi người. “Từng bước như thế, chúng tôi nắm tay nhau vượt qua 125 ngày cao điểm”, bà nói.

Ở phần sau tọa đàm, Phó Tổng giám đốc Uyên Phương bày tỏ văn hóa doanh nghiệp là chủ đề được quan tâm những năm qua, nhưng có nhiều ý kiến phản biện nó quá mơ hồ. Dù không rõ ràng nhưng nó vẫn tồn tại, do đó lãnh đạo Tân Hiệp Phát tổ chức nhiều khóa đào tạo, khởi xướng từ khối nhân sự để tuyên truyền cho mọi thành viên.

Suốt 27 năm phát triển, tập đoàn không ít lần đối mặt khủng hoảng, luôn nỗ lực vượt qua điểm yếu của bản thân và thách thức thực tế. Sau mỗi khó khăn, tập thể cán bộ nhân viên lại có thêm kiến thức, kỹ năng đối phó tình huống.

Là doanh nghiệp địa phương, Tân Hiệp Phát hiểu cần phải nỗ lực và liên tục cải tiến, đổi mới. Với tham vọng vươn ra thế giới, cấp lãnh đạo cố gắng trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho từng nhân viên. Tuy nhiên, kiến thức ấy sẽ nhanh lỗi thời, nhất là giai đoạn Covid-19 vừa qua, thói quen lẫn nếp sống của nhiều người thay đổi, doanh nghiệp phải biến chuyển kịp để hòa hợp với nhu cầu mới.

Theo bà Uyên Phương, việc thay đổi này phải đồng loạt, mọi khâu, chứ không phải chỉ một bộ phận hay vài cá nhân. Đơn cử đợt giãn cách xã hội, vì hạn chế di chuyển, khâu nhập nguyên liệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng với tinh thần “không gì là không thể” – nét văn hóa, giá trị cốt lõi của công ty, các thành viên đã linh hoạt tìm giải pháp để không dừng sản xuất, khích lệ nhau cố gắng. Ban lãnh đạo cũng không xem nhẹ “sự căng thẳng thầm lặng” đến từ những biến chuyển thời cuộc, tác động đến đời sống nhân viên.

Nữ Phó Tổng giám đốc lý giải tâm lý lao động có thể bị ảnh hưởng do ở nhà lâu quá, ít tương tác hoặc làm một lúc nhiều việc. Nhiều nhân viên phải nhận 2-3 cuộc họp liên tiếp, ngắn hạn vẫn có thể chấp nhận được nhưng về lâu dài cần sắp xếp lại để không tạo thêm áp lực vô hình, khiến họ bức bối muốn bỏ cuộc hoặc khiến nhân sự đấy cảm thấy mình không làm được gì, dù đã rất nỗ lực.

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress
Link bài: Tập thể…
https://vnexpress.net/tap-the-tan-hiep-phat-vuot-125-ngay-ba-tai-cho-4405597.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *