Lâm Nghi/ Báo DNSG
Những công cụ như danh sách công việc trong ngày, thời khóa biểu, lịch nhắc nhở trên điện thoại… ra đời nhằm giúp mọi người tập trung nhiều hơn vào các công việc cần xử lý.
Khả năng tập trung là một yếu tố quan trọng để tạo nên sự vượt trội trong công việc. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ nét, sự tập trung cũng có những hạn chế nhất định.
Cụ thể, sự tập trung quá mức và kéo dài liên tục sẽ làm tiêu hao các tế bào tập trung của não, rút cạn năng lượng của cơ thể. Khi nguồn năng lượng bị cạn đi, bạn sẽ trở nên bực bội và không kiểm soát được bản thân. Kết quả là bạn sẽ đưa ra các quyết định sai lầm và trở nên không muốn hợp tác với đồng nghiệp. Vậy thì chúng ta nên tập trung như thế nào là đủ?
Theo Havard Business Review (HBR), các nghiên cứu gần đây cho thấy não bộ vận hành tốt nhất khi nó di chuyển thường xuyên giữa hai trạng thái tập trung và không tập trung. Ở trạng thái chuyển đổi này, bạn sẽ phát triển được khả năng phục hồi của cơ thể, tăng sức sáng tạo và ra những quyết định tốt hơn.
Ở trạng thái không tập trung, bạn sẽ kích hoạt vùng não hoạt động mặc định – “Default Mode Network” (DMN), hay bạn cũng có thể gọi đó là trạng thái “Do Mostly Nothing” (tạm dịch: Gần Như Không Làm Gì). Trạng thái này chỉ phát huy tác dụng khi bạn ngừng tập trung hoàn toàn.
Trong quá trình vận hành, DMN cần khoảng 20% năng lượng cơ thể để não của bạn… nghỉ ngơi. Khi DMN hoạt động, não bộ của bạn sẽ kích hoạt các ký ức cũ, thu thập liên tục các thông tin từ trải nghiệm quá khứ, hiện tại, những ước đoán tương lai và kết hợp các ý tưởng khác nhau ở tầng ý thức.
Nguồn dữ liệu mới và hiếm khi được khai thác này sẽ giúp bạn phát triển khả năng tự nhận thức bản thân cũng như cảm quan cá nhân về thế giới xung quanh. Bạn có thể tưởng tượng ra các giải pháp sáng tạo hoặc dự đoán tương lai, từ đó dẫn đến những quyết định tốt hơn. DMN cũng sẽ giúp bạn trở nên đồng cảm với suy nghĩ của người khác, từ đó mối quan hệ với các đồng nghiệp, người thân cũng sẽ tốt hơn.
Dưới đây là 3 cách để bạn có thể kích hoạt vùng não chế độ mặc định của mình, theo HBR.
1. Ngừng làm việc và bắt đầu mơ mộng
Positive constructive daydreaming – PCD (tạm dịch: Mơ mộng tích cực) là một trạng thái não bộ suy nghĩ lan man khi đang làm một hành động nào đó. Trạng thái này sẽ giúp gia tăng sức sáng tạo, khả năng lãnh đạo cũng như tái tạo năng lượng cho não bộ của bạn.
Để kích hoạt PCD, bạn cần chọn một hoạt động có nhịp độ chậm, không tiêu tốn nhiều sức lực như đan len, tỉa lá hoặc lật vẩn vơ một quyển tạp chí bất kỳ. Giữa lúc đang thực hiện hành động này, bạn hãy cho phép tâm trí của mình từ từ tưởng tượng về một khung cảnh dễ chịu, thanh bình với bản thân. Đó có thể là lúc bạn chạy bộ trong một khu rừng hoặc nằm dài trên bãi biển mát mẻ.
Qua nhiều thập niên nghiên cứu, Jerome Singer, chuyên gia tâm lý người Mỹ, đã phát hiện ra những mơ mộng tích cực sẽ kích hoạt mạng lưới DMN và bổ sung thêm cách thức tìm kiếm thông tin cho não bộ.
Nếu sự tập trung chỉ thu thập những thông tin lý trí cần để xử lý công việc thì trạng thái mơ mộng tích cực sẽ mang đến cho bạn những thông tin về cảm xúc. Cụ thể, PCD sẽ thu nhận lấy những yếu tố cảm xúc từ sâu bên trong bạn (như mùi hương quen thuộc của mẹ, cảm giác thỏa mãn khi được cắn miếng bánh táo giữa tiết trời mùa thu); kết nối các ý tưởng rời rạc nhằm tăng sức sáng tạo, và tìm ra những ký ức lãng quên lâu ngày nằm ẩn trong các ngõ ngách của não bộ.
Vì vậy, sau khi mơ mộng tích cực, bạn sẽ kết nối sâu sắc hơn với nội tâm của mình. Kết nối này là yếu tố quan trọng cần có của nhà lãnh đạo, theo Warren Bennis, thành viên Sáng lập Viện Lãnh đạo của ĐH Nam California (Mỹ).
2. Nghỉ ngơi ngắn
Bên cạnh các mơ mộng tích cực, các nhà lãnh đạo cũng cần quan tâm đến những giấc nghỉ nhẹ giữa giờ làm việc. Trạng thái tập trung liên tục sẽ làm giảm khả năng hoạt động của não bộ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau 10 phút nghỉ ngơi ngắn, bạn sẽ trở nên sáng suốt và nhận thức được sự việc xung quanh tốt hơn. Song, nếu bạn đang làm dang dở một công việc cần đến sự sáng tạo thì thời gian não của bạn cần để làm mới hoàn toàn sẽ là 90 phút. Đây là khoảng thời gian tối thiểu não bộ cần để thiết lập kết nối giữa các vùng khác nhau bên trong não, cũng như thu nhặt những ý tưởng ẩn sâu bên trong vùng não lưu giữ ký ức của bạn.
3. Giả vờ trở thành một người khác
Năm 2016, chuyên gia tâm lý giáo dục Denis Dumas và Kevin Dunbar đã tìm ra rằng: với cùng một nhiệm vụ sáng tạo như nhau, những người giả vờ đóng vai một nhà thơ kỳ quặc khi tìm cách giải quyết sẽ có được các giải pháp vượt trội hơn so với người thông thường.
Nghiên cứu này mở ra gợi ý: khi bị mắc kẹt giữa luồng sáng tạo, bạn hãy thử tưởng tượng mình đang là một nhân vật có tính cách hoàn toàn khác ngày thường. Sự nhập vai này sẽ đưa bạn thoát ra khỏi cách nghĩ cũ và cho phép bạn tư duy như người bạn đang sắm vai. Từ đó, các giải pháp khác biệt sẽ bắt đầu xuất hiện.
Trong nhiều năm, sự tập trung đã được đề cao như là yếu tố tiên quyết trong công việc. Nhưng ít ai biết nếu dành khoảng 46,9% thời gian trong ngày để tâm trí được thơ thẩn, mất tập trung thì chúng ta sẽ có được khả năng xử lý công việc hiệu quả. Đó là vì sự mất tập trung sẽ cho phép não bộ cập nhật thêm các thông tin mới. Khi bước vào những phần sâu thẳm hơn bên trong bản thân, bạn sẽ tăng cường sự nhanh nhẹn, sáng tạo và khả năng ra quyết định của chính mình.