Tê giác, sếu đầu đỏ, voi và voọc chà vá


Voọc ở bán đảo Sơn Trà. ( Ảnh của trithuc.vn)
 

Mấy bữa nay theo dõi diễn biến chung quanh vụ bán đảo Sơn Trà, tui cứ suy nghĩ mãi, nay xin phép mạn đàm đôi ý.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề của thời đại mà chúng ta đang sống, khi mà dân số tự nhiên tăng cao, cùng với nó là nhu cầu của sinh hoạt, đời sống,vui chơi, giải trí, du lịch. Cho nên, lý thuyết bảo tồn không thể tách rời lý thuyết phát triển.

Trên thế giới, nhiều nước bảo tồn thiên nhiên rất giỏi và họ cũng phát triển kinh tế rất nhanh, bởi vì họ tìm ra được chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn bằng các phương án hài hòa và bền vững, không có tư duy lợi ích nhóm xen vào.

Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ thiên nhiên trên thế giới có những nguyên tắc không cho phép vượt qua, đó là đối với những khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có những giống loài động thực vật quý hiếm thì dứt khoát không được xâm phạm. Đồng thời, phải đầu tư con người, tài chính và nhiều nguồn lực khác để giữ gìn từng cọng cỏ của thiên nhiên. Chính vì đàn tê giác quý hiếm của Việt Nam mà thế giới hỗ trợ đầu tư lập khu dự trữ sinh quyển Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Nhưng đáng tiếc, con tê giác cuối cùng của Nam Cát Tiên đã chết.

Đồng bằng Sông Cửu Long có đàn sếu đầu đỏ lập đàn và sinh sống trên những vùng đồng cỏ bàng, cỏ năng ở Kiên Giang. Nhưng con người cứ xâm phạm nơi cư trú của loài này, cho nên đàn sếu quý hiếm cứ thế mà ra đi. Nhìn lại chúng ta được gì, đó là những vuông tôm, những mảnh ruộng, nhưng lại mất đi một khu bảo tồn thiên nhiên với loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới.

Cách đây không lâu, đàn voi ở Tánh Linh – Bình Thuận xông ra quật chết dân làng, buộc phải thuê chuyên gia Malaysia sang di dời đàn voi Tánh Linh về Đắk Lắk. Nguyên nhân cũng thế, vùng sinh cảnh bị biến dạng, loài voi trở nên hung dữ, nổi loạn vì con người xâm phạm đến thiên nhiên.

Và bây giờ, giống voọc chà vá vùng bán đảo Sơn Trà cũng đang bị mối đe dọa mới. Các dự án  khách sạn, nhà hàng và du lịch có thể xâm lấn nơi cư trú mà mẹ thiên nhiên đã quy hoạch cho loài này và nhiều giống loài khác trên bán đảo.

Để phát triển kinh tế, con người phải nương nhờ vào tự nhiên, nhưng không thể xâm phạm thô bạo. Hãy cứ vặn óc để quy hoạch một bán đảo Sơn Trà hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nhưng quy hoạch của con người phải tôn trọng quy hoạch của thiên nhiên. Nếu không chúng ta phải trả giá như đã từng.

Trần Quí Thanh

Link bài: Tội với thiên nhiên là thiên thu

 
 
 
 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *