Tết Trung thu 2021, chạnh lòng nghĩ tới những đứa trẻ vắng cha mẹ vì COVID-19

Thanh Thanh/ Báo VTC News

Tết Trung thu 2021 này, có những đứa trẻ không được quây quần bên gia đình khi cha mẹ đang ở trong khu cách ly, điều trị bệnh hay không thể về nhà do giãn cách…

Tết Trung thu trong ký ức của những đứa trẻ thế hệ 8X, 9X chúng tôi là được quây quần bên gia đình, là dịp hiếm hoi được nếm vị bánh Trung thu đủ vị, nào đậu xanh, đậu đỏ, nào thập cẩm, hạt sen…, là được phá cỗ trong ánh trăng sáng tròn, trong tiếng cười vui của cha mẹ, ông bà.

Trước Tết Trung thu vài ngày, lũ trẻ cùng khu phố hò hét nhau chuẩn bị nguyên vật liệu để làm đèn lồng, có cái bằng giấy, bằng tre, bằng nan quạt… có cái lại làm bằng chiếc hộp đựng xà phòng, chai nhựa thắp thêm ngọn nến… Lũ trẻ cũng tỉ mẩn nhặt từng hạt bưởi rồi đem phơi khô, xâu thành xiên rồi đốt. Tiếng nổ lách tách và mùi hạt bưởi ngai ngái đi vào tuổi thơ chẳng khác gì tiếng pháo hoa trong những đêm giao thừa.

Những món đồ chơi Trung thu truyền thống như trống bỏi, mặt nạ giấy bồi…

Đến đêm Trung thu, dưới vầng trăng tròn vành vạnh, lũ trẻ cầm đèn lồng chạy chơi khắp khu phố, ngân nga những bài hát thiếu nhi nhộn nhịp: “Chiếc đèn ông sao, sao 5 cánh tươi màu, cán đây rất dài cán cao quá đầu…”.

Hiếm hoi có nơi thuê đoàn múa lân, tiếng trống chiêng rộn ràng vang khắp con phố cùng tiếng cười giòn tan, tiếng hát huyên náo của lũ trẻ.

Thời hiện đại, trẻ con ít khi có niềm vui được tận hưởng làm những chiếc đèn lồng từ những vật liệu thiếu thốn, chúng được cha mẹ mua sẵn những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, cả những chiếc đèn điện tử vừa phát sáng đủ màu lại vừa có nhạc. Những ngày gần đến Tết Trung thu, phố Hàng Mã (Hà Nội) nhộn nhịp người qua lại, vô vàn những đồ chơi Trung thu được bày bán. Nhà nào cũng sắm sửa cho con món đồ nào đó.

Phố xá đông đúc những ngày Trung thu. (Ảnh chụp năm 2020)

Các cửa hàng bán bánh cổ truyền, bánh tự làm (handmade), cả những tiệm bánh hạng sang cũng đều tấp nập người đến mua. Bánh Trung thu giờ không chỉ còn mấy vị truyền thống mà có rất nhiều vị mới lạ, như dăm bông, trứng muối chảy, phô mai… đáp ứng mọi khẩu vị của người lớn đến trẻ con. Giờ người ta có thể ăn bánh Trung thu quanh năm, nhưng vị bánh được ăn vào lúc trăng tròn, được quây quần bên gia đình phá cỗ vẫn mang được hương vị đặc biệt của riêng nó.

Mâm ngũ quả từ xưa đến nay cũng vậy, vẫn là những loại quả truyền thống như như bưởi, hồng, dưa hấu… nhưng biến tấu phù hợp từng gia đình. Mẹ khéo tay tỉa hoa quả, trang trí đẹp thành những con vật cũng khiến các con thích thú, thêm yêu Trung thu hơn.

Với trẻ em, Tết Trung thu là niềm vui, là được ông bà, cha mẹ mua đồ chơi mới, là được phá cỗ, cùng cha mẹ ông bà ăn bánh nướng bánh dẻo, được xem múa lân, được đi chơi phố phường nhộn nhịp…. Bởi thế mà người ta vẫn luôn nói “Trung thu là Tết thiếu nhi”. Dù so với ngày trước, Tết Trung thu bây giờ càng trở nên giản tiện hơn, hiện đại hơn và ít mang ý nghĩa thiêng liêng cho sự đoàn tụ của gia đình thì với trẻ em, Tết Trung thu vẫn luôn là một ngày mang đến niềm vui cho các em.

Với trẻ em, Tết Trung thu là niềm vui, là được ông bà, cha mẹ mua đồ chơi mới…

Năm nay, dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều nơi phải giãn cách xã hội, nhiều công nhân mất việc làm, nhiều gia đình gặp khó khăn, thậm chí thiếu ăn, thiếu mặc. Các cửa hàng bánh vẫn có người đến mua nhưng không còn sự tấp nập như những năm trước. Những con phố bán đồ Trung thu cũng không còn đông đúc như mọi khi. Khi cả xã hội đang gồng mình chống dịch, Tết Trung thu này sẽ không còn rộn ràng, tưng bừng được như những năm trước.

Tết Trung thu năm nay, những đứa trẻ sẽ không được quây quần phá cỗ, trông trăng bởi quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

Tết Trung thu 2021 này, sẽ có rất nhiều đứa trẻ không được sum vầy bên gia đình khi bố mẹ đang ở trong khu cách ly, đang ở bệnh viện hay đi làm xa không thể về nhà do giãn cách….

Tết Trung thu 2021, sẽ có những đứa trẻ không được ăn bánh nướng, bánh dẻo, không được phá cỗ vì cha mẹ các em thậm chí còn khó lo nổi bữa cơm hàng ngày. Chiếc đèn ông sao có khi cũng trở thành món đồ chơi xa xỉ.

Trung thu trong khu cách ly.

Đau xót hơn thế, Tết Trung thu 2021 này, có hàng nghìn em đã không còn cha, còn mẹ do Covid-19. Thậm chí, có em đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết trong các khu điều trị…

Tết Trung thu năm nay, có những người cha, người mẹ đang là những y bác sĩ, chiến sĩ, lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, không thể ở bên các con.

Tết Trung thu năm nay, hẳn ai cũng chạnh lòng khi nghĩ về sự đoàn viên, khi nghĩ về những đứa trẻ không có được một Trung thu đúng nghĩa. Giữa những bộn bề mưu sinh, giữa những lo lắng bất an, giữa những chia ly, sinh tử… người lớn có thể bẵng quên đi Trung thu. Dịch Covid-19 đã cướp đi không chỉ của trẻ em mà còn của cha mẹ các em một ngày hạnh phúc trọn vẹn.

Nhưng, không có nỗi đau nào kéo dài vĩnh viễn, không có dịch bệnh nào con người không thể vượt qua. Chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai không xa, khi đại dịch được đẩy lùi, khi những đau thương đã dịu bớt, niềm vui sẽ lại được trở về trên môi những đứa trẻ. Và sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ lại được nghe các em hát vang những bài hát Trung thu:

“Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay, em hát ca trong ánh trăng rằm”…

NGUỒN:  Theo Báo VTC News

Link bài: Tết trung thu…

https://vtc.vn/tet-trung-thu-chanh-long-nghi-toi-nhung-dua-tre-vang-cha-me-vi-covid-19-ar637469.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *