Thà là Steve Jobs còn hơn là Tên Lửa hay Cống Lở

Trần Quí Thanh

Một con phố ở quận 7, TPHCM nhìn hiện đại nhưng lại không có tên. Ảnh: HC (Ảnh và chú thích báo Lao Động)

—–

Tui cứ nghe nói đến TPHCM là đô thị thông minh và rất mong muốn triển khai thực hiện được nhiều chương trình, dự án, sản phẩm quản lý thể hiện đẳng cấp thông minh.

Rất nhiều việc để làm, trong đó có một việc tưởng là nhỏ, không hại ai như kẹt xe, ngập nước, cắt điện, nhưng thể hiện sự “không thông minh”, đó là số nhà, tên đường.

Ngay cả người sống ở Sài Gòn từ bé đến lớn, cũng “loạn não” khi đi tìm số nhà và tìm đường. Rất nhiều đường được đánh số tùm lum, nhảy từ cao tới thấp rồi thấp tới cao, lộn xộn, không biết đâu mà tìm cho ra nhà.

Tên đường là câu chuyện dài, ngoài tên của những vua, quan, danh nhân lịch sử, danh nhân khoa học, còn có rất nhiều tên đường rất tùy tiện. Gần đây, xuất hiện hai dạng tên đường.

Đại học GTVT nằm trên đường TCH 18, nhưng nhiều người không biết đến con đường này. Ảnh HC ( Ảnh và chú thích Báo Lao Động)

Một là lấy chữ và số đi kèm như D1, D2, D3 hay C1, C2, C3, S1, S2, S3…những loại tên đường này thường sử dụng  đặt cho những đường trong các khu đô thị.

Hai là lấy tên theo ngẫu hứng, ví dụ như Kênh Nước Đen, Cống Lở, Tên Lửa, Bờ Bao…Thử hỏi, tên đường như vầy thì có ý nghĩa gì?

Ngay cả lấy tên nhân vật lịch sử hay danh nhân thì cũng phải là nhân vật phổ biến, nhiều người biết. Có những tên đúng là tui không thể biết được từ đâu ra.

Theo tui nghĩ, có một số danh nhân được đặt tên đường trước năm 1975, sau này bị bỏ đi, cần phải xem lại để bổ sung vào quỹ tên đường cho TPHCM. Đã có nhiều hội thảo khoa học đánh giá lại triều Nguyễn, cho nên cũng cần xem xét công tội của từng nhân vật lịch sử một cách công minh, thể hiện qua việc dặt tên đường.

Ngoài ra, nên “hội nhập” tên đường bằng cách chọn những danh nhân văn hóa thế giới, các nhà khoa học danh tiếng, tỉ phú thế giới đem lại sự thay đổi cho nhân loại, đây cũng là cách giáo dục cho thế hệ trẻ. Thà là Steve Jobs còn hơn là Tên Lửa hay Cống Lở.

Tên đường viết tắt lại được phổ biến tại nhiều quận, huyện tại TPHCM. Ảnh: HC (Ảnh và chú thích Báo Lao Động)

Một việc khác là nên chỉnh lại những tên đường lấy tên danh nhân nhưng như Đoàn Như Hài (đúng là Đoàn Nhữ Hài), Hà Tôn Quyền (đúng là Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (đúng là N’ Trang Lơng), Trần Khắc Chân (đúng phải là Trần Khát Chân), Kha Vạn Cân (đúng là Kha Vạng Cân), Trương Quốc Dung (đúng là Trương Quốc Dụng)…

Một thực tế đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, việc mua bán sang nhượng nhà cửa dẫn đến những phát sinh về chia số nhà, cho nên đã để lại hậu quả số nhàlộn xộn như hiện nay. Vậy thì, cần phải tính đến một chương trình thông minh để quản lý số nhà, tên đường.

Việc đơn giản này mà không làm được sao có thể gọi là “đô thị thông minh”.

 

Sài Gòn ngày 07/08/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Lạc trong ma trận tên đường “viết tắt” và đánh số ở TPHCM

(https://laodong.vn/xa-hoi/lac-trong-ma-tran-ten-duong-viet-tat-va-danh-so-o-tphcm-748139.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *