Thận trọng chọn thuốc để sản xuất

Nguyễn Vũ/ Báo TBKTSG

Thuốc molnupiravir giảm 50% nguy cơ nhập viện (Cổng thông tin điện tử y tế Tp HCM)

Đầu tiên là phải đánh giá cao sự khách quan của hãng dược phẩm Merck, theo quan điểm cá nhân người viết. Đầu tháng 10-2021, hãng công bố kết quả phân tích sơ khởi đối với thuốc Molnupiravir, cho biết thuốc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong đối với bệnh nhân Covid-19 đến 50%. Đến cuối tháng 11-2021, sau khi có kết quả phân tích đầy đủ, Merck đã giảm hiệu quả ngăn ngừa nhập viện và tử vong đối với bệnh nhân Covid-19 có dùng thuốc Molnupiravir xuống còn 30%.

Pháp đã tuyên bố sẽ không cấp phép cho Molnupiravir tại nước này mặc dù trước đó Pháp đã đặt mua lượng thuốc đủ để điều trị cho 50.000 bệnh nhân. Ở Mỹ, một hội đồng tư vấn cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bỏ phiếu (13 thuận, 10 chống) đề xuất FDA chấp thuận nhưng cho đến nay cơ quan này vẫn chưa chính thức cấp phép cho Molnupiravir. Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc Molnupiravir được sử dụng ở quốc gia này, kèm theo một số điều kiện.

Khi Merck nói Molnupiravir có hiệu quả 50% có nghĩa trong nhóm tình nguyện viên mắc bệnh Covid-19 dạng nhẹ và trung bình có uống Molnupiravir, 7,3% phải nhập viện, không ai tử vong so với nhóm tình nguyện viên cũng mắc bệnh nhưng uống giả dược thì đến 14,1% phải nhập viện, 8 ca tử vong. Kết quả này dựa vào hai nhóm gồm 762 người.

Còn khi Merck giảm hiệu quả xuống còn 30% là dựa vào kết quả đầy đủ trên 1.433 người, trong đó nhóm có uống thuốc Molnupiravir có 6,8% phải nhập viện (1 ca tử vong) và nhóm uống giả dược có 9,7% phải nhập viện (9 ca tử vong).

Nếu chỉ dựa vào các kết quả do chính Merck công bố có thể thấy hiệu quả thuốc Molnupiravir đối với bệnh nhân tương đối thấp nhưng dù sao cũng khá hơn là không dùng thuốc. Vấn đề là một số nghiên cứu gần đây cho thấy Molnupiravir có những tác dụng phụ không mong muốn, trong đó có những rủi ro rất lớn. Những nghiên cứu này cho rằng Molnupiravir có thể chèn lỗi vào DNA từ đó, trên lý thuyết, có thể gây hại cho bào thai đang phát triển, tế bào tinh trùng hay trẻ em.

Ngay chính những người bỏ phiếu thuận trong hội đồng tư vấn cho FDA cũng bày tỏ mối quan ngại không biết cơ chế chèn lỗi vào RNA của virus có vô tình chèn lỗi vào DNA của con người, gây ra những đột biến không mong muốn. Tại một cuộc họp của hội đồng này, theo tường thuật của New York Times, bác sĩ James Hildreth, hiệu trưởng trường Đại học Meharry, Tennessee, nói: “Quý vị có muốn giảm nguy cơ cho bà mẹ mang thai chừng 30% trong khi bắt phôi thai hay thai nhi chịu mức nguy hại cao hơn nhiều do dùng uống? Câu trả lời của tôi là không”. Đó là bởi các nhà khoa học lo ngại thuốc ảnh hưởng lên các tế bào đang phân chia của thai nhi, về lý thuyết là có thể gây khuyết tật.

Một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học North Carolina quan sát việc sử dụng Molnupiravir ở tế bào chuột hamster trong 32 ngày và thấy thuốc có gây ra đột biến ở DNA. Mặc dù thuốc chỉ nhắm đến các tế bào phân chia, ở người trưởng thành loại tế bào này chỉ có ở một số cơ quan như tủy xương, thành ruột, tinh trùng – đủ để gây lo ngại. Mặc dù Merck cho rằng thuốc Molnupiravir chỉ dùng trong 5 ngày so với cuộc thí nghiệm kéo dài đến 32 ngày, giới khoa học cho rằng vẫn chưa có thể kết luận mối nguy hại là cao hay thấp hay có tồn tại không. Merck có báo cáo khi dùng liều cao ở chuột mang thai thì có hiện tượng đột biến bất thường hay tử vong.

Trong khi đó, theo phân tích của giới chuyên môn, loại thuốc Paxlovid của hãng Pfizer lại có hiệu quả cao hơn, giúp giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong cho bệnh nhân Covid-19 đến 89% nếu bệnh nhân dùng sớm trong vòng 3 ngày sau khi phát ra triệu chứng. Khác với cơ chế hoạt động của Molnupiravir, thuốc của Pfizer ngăn chặn hoạt động của một enzyme mà virus sử dụng để nhân đôi bên trong tế bào nhờ thế mà ngăn không cho virus sinh sôi.

Điểm đặc biệt là Pfizer công bố kế hoạch cho phép 95 nước, trong đó có Việt Nam, tự sản xuất Paxlovid để bán với giá rẻ. Pfizer sẽ cấp phép sản xuất thuốc không cần trả tiền bản quyền cho Medicines Patent Pool, một tổ chức phi lợi nhuận được Liên hiệp quốc tài trợ và sau đó các hãng dược có thể đăng ký với nơi này để được chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc.

Chính vì vậy, khi đọc tin hiện có 3 doanh nghiệp dược trong nước đang từng bước triển khai sản xuất thuốc Molnupiravir, rồi tiếp đó là tin Ấn Độ đang hợp tác với công ty dược tại TPHCM để nhập nguyên liệu từ Ấn Độ và sản xuất Molnupiravir tại TPHCM, bản thân người viết không khỏi băn khoăn.

Nên chăng chúng ta chờ Merck công bố thêm thông tin (trước đó các nhà khoa học đề nghị Merck công bố đầy đủ kết quả nghiên cứu rủi ro đột biến DNA) hoặc chờ có thêm kết quả nghiên cứu về tác dụng lâu dài của Molnupiravir ở người mà một số nơi đang tiến hành. Cân nhắc để quyết định chọn thuốc gì để ưu tiên sản xuất là một điều rất nên làm để sau này khỏi lãng phí.

Quan trọng hơn, với các chương trình thử nghiệm sử dụng Molnupiravir ở Việt Nam, cần nhấn mạnh các điều kiện sử dụng như không dùng cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ em hay thanh niên đang muốn có con mà không sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả. Lưu ý của Bộ Y tế đã có nhưng rất có thể người dân vẫn chưa ý thức được sự cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link báo: Thận trọng…

https://thesaigontimes.vn/than-trong-chon-thuoc-de-san-xuat/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *