Thành công từ quyền biến trên thực tế, không phải bản nghiên cứu trên giấy

Trần Quí Thanh

Tranh của hoạ sĩ Khều/ Trang Tỉnh Giấc.

—–

Kính thưa bác Dr Thanh

Cảm ơn bác đã nhanh chóng trả lời chúng cháu. (Bài “Thị trường không phải chuyện trên phim ảnh, sân khấu” ạ). Việc bác nhiệt tình trả lời chúng cháu đã làm cho chúng cháu phấn khích và tự tin trong công việc.

Nay chúng cháu muốn bác giúp cho câu hỏi này: Các startup có nên hay không nên nghiên cứu thị trường. Câu hỏi này đã làm cho chúng cháu cãi nhau chí choé suốt ngày đây ạ. Mong bác cố vấn ạ.

Kính chúc bác mạnh giỏi.

Minh Lê và Đức Lý (Sài Gòn): ceonhotphcm_1989@gmail.com

—–

Minh Lê và Đức Lý mến!

Vấn đề mà các cháu đưa ra cả thế giới cãi nhau chí chóe chứ không riêng gì các cháu. Bởi vì, hai trường phái này luôn xung đột nhau, một bên thì chuộng logic, một bên chuộng trực giác.

Các cháu biết không, mỗi thời mỗi khác. Một năm của hôm nay với một năm của trước đây xét về thời gian vật lý thì như nhau, nhưng khác nhau rất xa về độ nén của thông tin và tốc độ xử lý công việc cùng với sự thay đổi của thế giới trong cùng thời thời vật chất đó.

Công nghệ của hôm nay khác hẳn với công nghệ của 10 năm trước, vậy thì không thể bỏ ra cả năm trời để nghiên cứu thị trường, để rồi khi bước vào thị trường thì mọi thứ đã thay đổi, những thông số các cháu nghiên cứu trước đó trở thành lạc hậu.

Nhưng cũng không thể lao đầu vào thương trường như một ông mù, đi càn, làm càn, cha ông nói “Dục tốc bất đạt” là vậy. Start up phải có nghiên cứu, định hướng cho sản phảm hay dịch vụ của mình.

Theo kinh nghiệm của bác, ban đầu cần có một sự định hướng là đủ, và các cháu sẽ không mất thời gian cho việc xác định việc này. Khi bước vào  kinh doanh, chính thị trường sẽ có những phản hồi sát sườn nhất, cụ thể nhất, bức thiết nhất để chúng ta điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Đó chính là “nghiên cứu”, nhưng không phải trong phòng máy lạnh với những con số mơ hồ, mà là hơi thở của thị trường.

Đã làm kinh doanh thì phải có niềm tin khi tung ra một sản phẩm là sản phẩm đó dẫn dắt thị trường, thay đổi nhận thức, tập quán, hành vi của người tiêu dùng, chỉ có như thế mới thành công. Và tất nhiên, trong đó tiềm ẩn rủi ro, và bác nói thiệt, kể cả ngồi nghiên cứu cho ra một bản đồ chi tiết, thì rủi ro vẫn cứ đến.

Một số chuyên gia kinh tế đưa ra so sánh việc nghiên cứu thị trường của start up y như chiến thuật bóng đá của huấn luyện viên. Ban đầu tất nhiên phải có sơ đồ chiến thuật, nhưng khi vào trận đấu, tùy diễn biến thực tế trên sân để thay đổi chiến thuật, thay cầu thủ. Diễn biến trên sân thì vô vàn, đôi khi cầu thủ ngôi sao bị chấn thương, hay đối thủ đưa ra chiến thuật áp đảo chiến thuật của mình…Quyền biến trên thực tế mới là quyết định thành công, không phải bản nghiên cứu trên giấy.

Chúc các cháu thành công nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1956@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *